top of page
  • LinkedIn
  • Facebook
  • Instagram
  • thythylittlethings

HỌC TỐT, SỐNG KHỎE VÀ CHƠI HẾT MÌNH Ở ĐẠI HỌC

Có bạn hỏi mình rằng lúc học Đại học, ngoài việc học ở trường, mình còn tham gia nhiều hoạt động khác từ làm thêm, tham gia câu lạc bộ, đi tình nguyện, đọc sách, viết blog, đi khám phá Sài Gòn,... như thế thì sức khỏe thể chất và tinh thần đâu mà “cân” nổi? Vì thể, ở bài viết này, mình sẽ bật mí 2 kỹ năng đơn giản nhưng cũng rất quan trọng mà để mình có thể học tốt, sống khỏe và chơi hết mình ở Đại học.


Thêm vào đó, mình nghĩ, ít ai ở độ tuổi học Đại học này mà không muốn bản thân sẽ trở thành một “phiên bản tốt hơn của chính mình” trong tương lai nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Nên mình hy vọng bài viết này có thể đóng góp một phần nào đó vào những năm tháng vừa rực rỡ vừa trọn vẹn của các bạn “nhỏ” sẽ và đang bước chân vào cánh cổng Đại học.


1. Giữ vững sức khỏe thể chất và tinh thần


“Sức khỏe không phải là tất cả nhưng không có sức khỏe sẽ chẳng có thứ gì!” là điều mình luôn nhắc nhở bản thân khi bắt đầu ý thức hơn về mọi thứ quanh mình. Và đây cũng là một trong những điều “không được xem nhẹ” mà mình vẫn luôn nhắc nhở bản thân mỗi ngày.


  • Dậy sớm, ngủ đủ giấc

Mình hầu như dậy sớm (khoảng 5h30 - 6h) để đi bộ, tập thể dục, thiền, ăn sáng, đọc sách, hít thở không khí trong lành và kết nối với thiên nhiên... Bên cạnh đó, mình cũng ngủ sớm và ngủ đủ giấc để giữ vững cả sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Mình thường đi ngủ trước 11h kể cả những ngày phải chạy deadline, ôn thi,...trừ những trường hợp đặc biệt, khẩn cấp như đăng ký môn học lúc 0h, đi tình nguyện,...


  • Tranh thủ nghỉ ngơi giữa buổi

Mình luôn tranh thủ nghỉ ngơi ngắn trong ngày, chỉ cần 15-30 phút nghỉ ngơi giữa buối cũng có thể giúp mình nạp lại năng lượng học tập và làm việc tròn ngày. Vì vậy, mình sẽ luôn ưu tiên việc nghỉ ngơi lấy lại sức hơn các lựa chọn khác như học cố gắng làm thêm 1 bài deadline, đọc thêm sách hay đi chơi,...


  • Chọn học vượt trong kỳ thay vì học hè

Ắt hẳn có rất nhiều bạn cũng muốn được tốt nghiệp Đại học sớm, được đi thực tập và đi làm sớm như mình lúc trước. Có thể bạn đã biết, một trong những điều tiên quyết để tốt nghiệp sớm, được đi thực tập và đi làm sớm là chúng mình phải kết thúc sớm các môn học hay học hết các tín chỉ bắt buộc sớm hơn những bạn cùng khóa. Và hai cách để có thể đạt được điều đó là học vượt (học thêm môn của các kỳ khác trong kỳ học bình thường) hoặc học hè (học thêm môn của các kỳ khác trong 1-2 tháng nghỉ hè).


Nhưng mình vừa muốn tốt nghiệp sớm, vừa muốn được nghỉ hè thì phải làm sao đây? Mình chọn học vượt môn trong kì và không chọn học hè trong cả 4 năm Đại học để dành trọn vẹn thời gian hè để về nhà, nghỉ ngơi, đi du lịch, giải trí, làm những điều mình thích…mà vẫn có thể hoàn thành các môn học sớm, đi thực tập và có việc làm ngay trước khi tốt nghiệp.


  • Tập trung vào việc mình đang làm

Tập trung ở đây không phải mình sẽ tập trung 3 tháng đi học, 3 tháng đi làm thêm, 3 tháng tham gia CLB,... Mà là trong 1 ngày khi mình đi học thì mình tập trung vào học, khi mình đi làm thêm thì mình tập trung vào làm. Mình cố gắng hạn chế nghĩ đến việc khác khi đang làm việc này, để có thể dành toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt nhất việc đang làm. Chỉ có như vậy, mình mới không tạo ra thêm “những món nợ thời gian”, phải quay lại chỉnh sửa, giải quyết những sai lầm do việc không tập trung, không cố gắng hết sức ngay từ ban đầu tạo ra.


  • Độc lập trong suy nghĩ và học cách nói KHÔNG

Mình học cách độc lập trong suy nghĩ, tối giản trong việc ra quyết định và nói KHÔNG với những việc không liên quan, những việc mình không thích, những điều vô bổ…

Như mình đã đề cập trong rất nhiều bài viết khác, năng lượng và thời gian của mỗi người là có giới hạn, chúng mình không phải là người hoàn hảo, làm chuyện gì xứng đáng với lương tâm là đủ rồi!


  • Học cách kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng là một phần của cuộc sống không riêng gì lúc học Đại học và không phải mọi căng thẳng đều là tiêu cực. Kiểm soát căng thẳng là việc quan trọng để bạn có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Mặc dù không có cách nào để tránh hoàn toàn căng thẳng, nhưng khi bạn sớm xác định được sự căng thẳng của mình thuộc dạng nào, bạn sẽ có thể dễ dàng quản lý và kiểm soát chúng.


  • Mỗi tuần dành thời gian tổ chức lại cuộc sống

Mỗi cuối tuần hoặc một ngày nào đó rảnh trong tuần, mình sẽ dành thời gian lên kế hoạch, sắp xếp lại những việc cần làm trong thời gian sắp tới, dọn dẹp phòng, chăm sóc bản thân. Mình cũng dành thời gian ngồi lại xem xét tình hình sức khỏe thể chất và tinh thần của mình có đang bất ổn hay không để có thể nghỉ ngơi, cải thiện.


2. Học cách học hỏi mọi thứ nhanh hơn


Những người có thể nhanh chóng nắm bắt các khái niệm mới, học và áp dụng các kỹ năng mới, cũng như xử lý thông tin mới trong một khoảng thời gian ngắn có lợi thế khác biệt so với những người chỉ cố gắng học hỏi nhưng không có phương pháp cụ thể. Chính vì nhận ra được điều này, mình đã tìm hiểu, đọc nhiều bài nghiên cứu và rèn luyện cách học hỏi mọi thứ nhanh hơn từ khi bước vào giảng đường Đại học. Và đây là một số cách giúp mình tăng tốc quá trình học tập và còn nhiều thời gian cho những hoạt động khác ở Đại học như làm thêm, tham gia câu lạc bộ, đi tình nguyện, đọc sách, viết blog, đi khám phá Sài Gòn,...


  • Tập trung vào số lần lặp lại thay vì thời gian dành ra cho việc học

Khi bạn nói rằng mình “đã học bài trong 2 giờ liên tục”, bạn thường đang tự lừa dối mình. Hãy tự hỏi bản thân, bao nhiêu trong số giờ đó đã được dành cho sự tập trung chú ý? Sự lặp đi lặp lại là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ nhất giúp tăng tốc quá trình học tập của mình.


Ví dụ: Thay vì nói "Mình sẽ học bài trong 2 giờ", mình sẽ nói, "Mình sẽ học bài 3 lần cho đến khi nhớ bài" Điều này khiến mình tập trung chú ý vào kết quả là phải nhớ được bài và loại bỏ "ảo tưởng về hiệu quả" chỉ qua thời gian học 2 giờ.


  • Chia mọi thứ thành nhiều phần nhỏ hơn

Mỗi kỹ năng hoặc kiến ​​thức mà chúng mình muốn học đều bao gồm nhiều phần nhỏ hơn. Một trong những điều đầu tiên mà mình làm khi muốn học một điều gì đó mới là chia tài liệu hoặc nhiệm vụ thành nhiều phần nhỏ hơn, sau đó bắt đầu học từng phần nhỏ một cho đến khi hoàn thành.


Ví dụ: Thay vì chỉ nói "Mình sẽ đọc xong bài Reading này" trong khi bài Reading đó rất dài khiến bản thân áp lực, mình sẽ chia nhỏ bài Reading thành nhiều đoạn nhỏ, bắt đầu đọc và học từ vựng mới của từng đoạn một cho đến khi hoàn thành.


  • Biến việc học thành một trò chơi có phần thưởng

Nếu bạn đang cố gắng học một điều gì đó mới, thì một cách hiệu quả là hãy tự tạo ra một trò chơi, đặt ra các quy tắc cho trò chơi kèm những phần thưởng nhỏ (đây là một điều rất quan trọng vì bộ não chúng mình rất thích phần thưởng). Cách này giúp kết nối niềm vui với việc học, từ đó giúp mình học bất cứ điều gì cũng nhanh chóng hơn.


  • Lặp lại điểm tập trung bằng phương pháp Pomodoro

Với phương pháp này, mình sẽ cố gắng học tập trung trong một khoảng thời gian ngắn, có thể là 25 phút, sau đó nghỉ giải lao một cách trọn vẹn và thoải mái trong 5 -10 phút.


Tập trung học, nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng, cứ thế lặp đi lặp lại là những điều khiến mình học mọi thứ nhanh hơn trên phương diện thời gian. Cách này bắt nguồn từ nhiều nghiên cứu cho rằng các chặng học dài không hiệu quả bằng các chặng học ngắn vì trong các các đợt học dài, chúng ta dễ bị phân tâm, sẽ có xu hướng tập trung vào thời gian hơn là việc lặp đi lặp lại “điểm tập trung”. Bạn có thể dùng app Forest để bắt đầu thực hiện ngay phương pháp Pomodoro này trong hôm nay nhé!


Những năm tháng tuổi trẻ, đặc biệt là giai đoạn mới bước chân vào cánh cổng Đại học, có lẽ là giai đoạn đáng nhớ và khó diễn tả nhất trong cuộc đời mỗi người. Mình hiểu cuộc sống ở đại học không dễ dàng, vì thế mình hi vọng 2 kỹ năng quan trọng này có thể đồng hành và san sẻ cùng bạn trong quãng đường sắp tới.



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #153

31/12/2021

79 views0 comments

Comments


bottom of page