top of page
thythylittlethings

GÓC NHÌN “NGHIÊM TÚC” SINH VIÊN NÊN CÓ KHI THAM GIA CÂU LẠC BỘ

Quả thực, mình đã từng đọc được rất nhiều bài viết, những lời “mời chào” về những cái “được” xung quanh việc tham gia vào các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm và mình cũng công nhận tham gia CLB là một trong những điều bạn nên trải nghiệm trong thời sinh viên của mình. Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh của việc tham gia CLB như được trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng thiết yếu, mở rộng mối quan hệ, cơ hội kết nối với doanh nghiệp từ rất sớm và để lại một kỷ niệm đáng nhớ trong tuổi trẻ của mình, việc tham gia CLB cũng sẽ để lại cho bạn những bài học đáng nhớ về trong cách ứng xử, cách ra quyết định, cách giải quyết vấn đề “không màu hồng” trong cuộc sống của mình.


Đằng sau vẻ bề ngoài “màu hồng” của việc tham gia CLB, có lẽ những bạn sinh viên đâu đó cần hiểu sâu sắc hơn những câu chuyện bên lề, những gì thực sự có thể diễn ra bên trong một CLB trước khi quyết định tham gia và gắn bó với CLB nào đó. Vì thế, dưới góc nhìn cá nhân của một sinh viên từng trải qua nhiều vai trò trong một CLB từ thành viên cho đến thành viên Ban chủ nhiệm, mình muốn đưa ra một vài tâm sự, chia sẻ những điều mình trải nghiệm, va vấp và bài học rút ra trong suốt quá trình tham gia CLB đến các bạn sinh viên sẽ, đang tham gia vào một CLB nào đó thời Đại học. Hi vọng bài viết này sẽ mang lại cho bạn góc nhìn sâu sắc và đa chiều hơn để có thể tự mình đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc tham gia CLB của mình, góp phần tạo nên một tuổi trẻ đáng nhớ và ý nghĩa.


Vì sao bạn rất dễ bị bất mãn hay thất vọng sau một thời gian tham gia CLB?

Một điều mình từng mắc phải và từng được chứng kiến rất nhiều trong suốt những năm tháng tham gia CLB. Điều ảnh hưởng lớn nhất và cần được nhìn nhận một cách “nghiêm túc” hơn chính là việc Thiếu định hướng.


Nếu bạn thực sự nghiêm túc với những việc mình làm, hãy xem việc tham gia CLB là một con đường dài chứ không phải chỉ là một cột mốc. Sau nhiều năm quan sát, mình thấy rất nhiều bạn sinh viên xem việc tham gia CLB chỉ như việc đạt được một cột mốc mới nào đó trong cuộc sống. Việc không có mục tiêu dài hạn dẫn đến khi đạt được việc trúng tuyển vào CLB, nhiều bạn dùng hoàn toàn sức lực vào thời gian trong giai đoạn đầu tiên, sau đó vụt tắt và biến mất do không thể quản lý được thời gian và nguồn lực của bản thân giữa việc học, chăm sóc bản thân, tham gia CLB và những công việc khác. Một số bạn thậm chí bị mất phương hướng, hụt hẫng, thất vọng vì nghĩ thời gian đã bỏ ra cho CLB nhưng không nhận lại được gì cả. Để hạn chế rơi vào tình trạng đó có 2 điều bạn cần cân nhắc và tìm hiểu trước khi tham gia bất cứ CLB, đội, nhóm nào:


1. Xác định mục đích tham gia

Hãy bắt đầu với câu hỏi “Tại sao mình muốn tham gia CLB?” chứ không phải những câu hỏi như “CLB nào?”, “Khi nào nên tham gia?”, “Tham gia CLB ở trường Đại học hay bên ngoài?”, “CLB đó có những thành viên nào?”,...

Đôi lúc bạn cần xem việc tham gia vào một CLB cũng giống như vào làm một công việc ở một công ty, mỗi quyền lợi đều sẽ đi kèm với trách nhiệm. Vì thế đừng vì nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO), áp lực đồng trang lứa, vì bạn bè ai cũng tham gia nên mình cũng nhất định phải tham gia.

Nói vậy thì có vẻ hơi căng thẳng đối với những bạn chỉ xem việc tham gia CLB là một môi trường để rèn luyện và cống hiến bằng trái tim nhiệt huyết và cũng không mong cầu gì thêm. Ai cũng sẽ có một con đường, bằng cách này hay cách khác cũng sẽ tới cái đích mình mong muốn, nếu bạn vẫn đang vui vẻ với cách mình đang làm thì hãy tiếp tục, những nếu bạn đang có vấn đề thì nên dừng lại và suy nghĩ về câu hỏi “Tại sao?” của chính mình nhé.


2. Hiểu được cơ bản về lộ trình bạn sẽ trải qua cùng CLB đó

Điều này nghe có vẻ rất khó nếu bạn là sinh viên năm nhất, còn quá nhiều bỡ ngỡ với tất cả mọi thứ xung quanh huống chi là chuyện mục tiêu lâu dài hay lộ trình của một CLB. Nhưng cũng không phải là không có cách, bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu CLB đó thông qua các trang thông tin của chính CLB đó và tham khảo của các ý kiến của các anh chị đang là thành viên của CLB, để có thể cân nhắc kỹ lưỡng về lộ trình và định hướng của bản thân sẽ gắn bó được đến đâu khi tham gia vào CLB này. Nếu vẫn quá khó khăn, thì yên tâm mình sẽ chia sẻ một lộ trình “căn bản” mà qua nhiều năm mình quan sát được ở nhiều CLB, đội, nhóm đều diễn ra khá tương tự nhau:


Giai đoạn 1: Cộng tác viên

Ở giai đoạn này, bạn sẽ cần nộp đơn trực tiếp hoặc thông qua Google form, trả lời các câu hỏi cơ bản về các thông tin liên quan đến CLB đó, các câu hỏi về IQ, Logic, giải quyết một vấn đề xã hội. Sau khi được sàng lọc, bạn sẽ được phỏng vấn với các anh chị trong CLB về các câu hỏi xung quanh tinh thần, năng lượng, những điều bạn sẽ làm được khi được nhận làm cộng tác viên của CLB. Ở giai đoạn CTV tương đối đơn giản, nên các anh chị cũng không đặt ra những câu hỏi quá khó liên quan đến chuyên môn nên bạn đừng quá lo lắng. Điều quan trọng, bạn cần thể hiện là sự chân thành, sự thấu hiểu CLB và nhiệt huyết muốn tham gia của mình.


Giai đoạn 2: Thành viên chính thức

Sau khi trở thành CTV, thường các CLB sẽ để bạn tham gia đóng góp vào một chương trình hay một khóa huấn luyện kỹ năng của CLB đó, để thông qua đó có thể đánh giá được những gì bạn đã đề cập trong buổi phỏng vấn CTV là đúng hay không, khả năng hòa hợp của bạn với các thành viên khác trong CLB, khả năng gắng bó và những điều bạn sẽ đóng góp được về lâu dài cho CLB. Ở vòng đánh giá này, bạn có thể sẽ được phỏng vấn lại với các anh chị trong Ban Chủ nhiệm, vì thế, chính bạn cũng nên đánh giá CLB, những trải nghiệm bạn trải qua trong giai đoạn CTV có phù hợp với bạn không, bạn sẽ nhận được gì nếu tiếp tục tham gia đóng góp cho CLB (win - win).

Ở những ban đặc thù, cần các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, học thuật, bạn sẽ có thể trải qua thêm bài kiểm tra chuyên môn tùy theo từng CLB. Đa số bài test sẽ đặc trưng về mảng mà bạn muốn ứng tuyển nhưng ở mức cơ bản và hoàn toàn có thể vượt qua nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên cũng đừng lo lắng quá.


Giai đoạn: Thành viên “chủ chốt”

Sau 1-2 năm gắn bó, các CLB thường tổ chức các buổi ứng cử thay đổi vị trí Ban Chủ nhiệm, Ban Điều hành cho các khóa tiếp theo khi các anh chị khóa trước đã ra trường đi làm. Đây chính là lúc quyết định của bạn cần được cân nhắc kỹ càng nhất vì ở giai đoạn này bạn sẽ có nhiều trách nhiệm hơn và cần dành nhiều thời gian và tâm huyết hơn cho CLB. Không những đảm nhiệm vị trí dẫn dắt các thành viên còn lại, đối ngoại với các Doanh nghiệp và CLB, đội, nhóm khác, lập kế hoạch phát triển cho CLB, các bạn trong Ban Chủ nhiệm còn cần phải thấu hiểu và chia sẻ về nhiều khía cạnh khác với các thành viên để tạo sự gắn kết, đồng lòng, cùng nhau tiến về phía trước. Nói thật đối với mình, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lộ trình tham gia CLB, không những phải cân bằng thời gian, năng lượng cho nhiều việc cùng lúc mà còn phải có kỹ năng giải quyết vấn đề, chịu được áp lực từ nhiều phía và còn phải đồng cảm thấu hiểu với người khác, những điều mà dường như một sinh viên năm 3, năm 4 khó có thể đạt được.

Ở giai đoạn này, bên cạnh việc được đánh giá những đóng góp trong suốt những năm tham gia CLB của bạn, bạn sẽ phải thực hiện một dự án hay thuyết trình về kế hoạch, chiến lược mà bạn sẽ thực hiện nếu bước lên một vị trí cao hơn trong CLB.


Giai đoạn 4: Kết thúc nhiệm kỳ cũng như lộ trình tham gia CLB của mình

Sau khi trở thành những thành viên “chủ chốt” của CLB, bạn sẽ thường gắng bó thêm với CLB thêm 1-2 năm nữa, thực hiện các kế hoạch, dự án, chương trình mà bạn đã đưa ra để giúp CLB phát triển hơn. Thêm đó, bạn cũng sẽ là người tham gia chính trong việc tuyển thành viên mới và chia sẻ, huấn luyện lại các kỹ năng cần thiết cho các thế hệ tiếp theo của CLB.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, bạn sẽ có thời gian nhìn lại những gì mà bạn đã trải qua cùng CLB, sau đó bàn giao lại công việc cho khóa tiếp theo và lui về “hậu trường” để tiếp tục ủng hộ CLB nhưng thầm lặng hơn vì bạn cũng có nhiều việc khác phải làm cho bản thân và công việc của mình.


Sẽ còn vô vàn lý do khác nữa khiến bạn bất mãn sau khi tham gia vào CLB mà mình từng rất mong muốn:

  • Đặt quá nhiều kỳ vọng: Có phải, bạn mong muốn cải thiện kỹ năng cứng lẫn mềm, muốn tạo mối quan hệ, muốn làm đẹp CV, muốn kết nối doanh nghiệp,... Nhưng chưa thể nhận ra một điều là không ai là có tất cả các đáp án cho bạn, CLB cũng vậy sẽ không thể cho bạn hết tất cả những gì bạn kỳ vọng được.


  • Không dám nói không: Ví dụ, nếu bạn không thể đảm nhiệm được vị trí Leader cho chương trình đó thì hãy thẳng thắn nói không hoặc bạn không phù hợp với các buổi Teambuilding cũng hãy mạnh dạn từ chối. Dù biết sẽ mất lòng vì tất cả anh chị trong CLB cũng chỉ lớn hơn bạn 1, 2 tuổi, không phải ai cũng có thể thông cảm và thấu hiểu cho bạn được nhưng hãy nhớ mất lòng trước được lòng sau, đừng cố gượng ép để rồi không làm được và mọi thứ rối tung lên.


  • Quá bận tâm cách người khác nghĩ về mình: vấn đề này đặc biệt xảy ra ở cấp cao như trưởng nhóm, ban chủ nhiệm... vì khi bạn ở những vị trí đó nhiều bạn trong lẫn ngoài CLB sẽ để ý hơn về thái độ, năng lực, thậm chí mục đích của bạn. Nhưng quan trọng bản thân mình mới biết mình làm vị trí đó vì điều gì, hãy vẫn để ý để thay đổi cho tốt hơn chứ đừng bận tâm đến người khác nghĩ gì về bạn, điều đó chẳng giải quyết gì cả. Sau này ra xã hội, bạn sẽ thấy đó chỉ toàn là những việc nhỏ nhặt và không đáng để bận tâm đến thế.


  • Không quản lý nổi khối lượng công việc (workload), thời gian, kế hoạch dẫn tới bản thân tự bị quá tải và cảm thấy việc tham gia CLB khiến việc học sa sút, các mối quan hệ cũng từ đó mất dần. Điều này, theo mình nghĩ hoàn toàn có thể kiểm soát được, một số mẹo mà bạn có thể áp dụng để vượt qua khó khăn này là hãy tìm hiểu các phương pháp quản lý thời gian phù hợp với bản thân, tập trung tâm trí cho một việc duy nhất sau đó chuyển sang việc khác, đừng lẫn lộn giữa việc này với việc khác, đừng mang cảm xúc của việc này để làm việc khác,... Tuy nhiên việc quản lý thời gian và năng lượng không phải chuyện một sớm, một chiều, mình đã có rất nhiều bài viết liên quan chủ đề này, những khó khăn và cách mình vượt qua trong các bài viết trên blog, bạn có thể tìm đọc lại nhé.


  • Đặt quá nhiều tình cảm hoặc bất mãn cá nhân khi làm việc nhóm, đồng nhất tính cách bên ngoài của họ với việc họ làm.


  • Bất mãn với leader cấp giữa: Việc không giải quyết triệt để các vấn đề nhỏ, dẫn đến về lâu dài nó góp lại thành vấn đề lớn khó giải quyết hơn rất nhiều. Một số CLB sẽ rất khó giải quyết rạch ròi mâu thuẫn khi bạn vượt cấp và nói với các anh chị trong ban chủ nhiệm vấn đề mắc phải, nhưng dù sao cũng hãy thử, chắc chắn anh chị đều đã từng trải qua tình huống tương tự và có thể cho bạn lời khuyên hữu ích.


Trên đây là những câu chuyện bên lề mà bạn cần quan tâm và cân nhắc để tránh việc bất mãn và thất vọng khi tham gia CLB, cũng như vững vàng hơn khi tham gia vào bất cứ CLB hay công việc nào khác ngoài xã hội. Suy cho cùng, dù làm bất cứ việc gì cũng hãy nhắc nhở bản thân, hành trình cuộc sống là để trở thành chính mình, sẽ không có điều gì có thể khiến bạn đi lệch hướng được. Bạn không thể ngăn lại những con sóng, nhưng bạn có thể học được cách lướt đi nó. Con sóng nào rồi cũng đi qua, chẳng có con sống nào đi hết cả cuộc đời.



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #147

21/11/2021

2,218 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page