top of page
thythylittlethings

HỌC CÁCH TỪ CHỐI: KHÔNG MUỐN, BẬN HAY CÓ VIỆC?

Bạn chắc chắn đã từng nghe câu: “Nếu muốn người ta sẽ tìm cách, nếu không muốn họ sẽ tìm lý do.” Và khi người khác đã không muốn và đã tìm cách để nói khéo rằng họ không thể tham gia, thì thay vì “hao tâm tổn sức” chứng minh họ sai, bạn đúng thì họ cũng không để ý nhiều đến bạn như bạn nghĩ đâu, thay vào đó hãy tập trung vào những thứ mình cần làm chứ đừng tập trung vào việc chỉ bảo người khác. Chính bạn hãy trở thành một người đủ tinh tế để có thể thông cảm khi người đối diện đưa ra những lời từ chối khi họ có việc quan trọng hơn phải giải quyết. Chúng ta đủ trưởng thành để có thể tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng ưu tiên của người khác thay vì cứ “xồn xồn” lên và cố chứng tỏ rằng mình bận như thế nào mình cũng làm được việc đó, tại sao bạn thì không? Bạn không phải người khác, bạn cũng không thể sống thay cuộc sống của họ, ngoại trừ việc tôn trọng sự khác biệt hoặc phớt lờ đi thì một tin buồn là mọi phản ứng tiêu cực và thiếu lịch sự của bạn lúc này đều là vô nghĩa.


Trước khi chỉ trích hay phán xét người khác bạn hãy nghĩ đến một viễn cảnh rằng một ngày không xa, nếu chính bạn là không muốn tham gia, không muốn chấp nhận một lời đề nghị nào đó của người khác thì sao? Mỗi khi bạn có một cuộc hẹn, một cuộc họp hay một buổi học ở trường hay bị nhờ vả làm một điều gì đó… và có ai đó hỏi bạn có tham gia được không? Nếu bạn không muốn tham gia thì cách từ chối của bạn là gì? Bạn có phân biệt được sự khác nhau giữa 3 từ không muốn, bận và có việc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến uy tín và thái độ của bạn đối với người đối diện hay không?

Những đứa trẻ sẽ bảo ngay là nó không muốn, những người thiếu tinh tế sẽ bảo họ bận và những người đủ thông minh sẽ nói rằng họ đã có việc.

Những đứa trẻ sẽ nói “không muốn”

Bạn thử nhớ lại xem, có phải khi chúng ta còn nhỏ, nếu không muốn ăn món gì chúng ta sẽ nói không muốn ăn, không muốn ngủ trưa chúng ta sẽ nói không muốn ngủ trưa và nếu không đi học chúng ta sẽ nói ngay là không muốn đi học. Những đứa trẻ chỉ đơn giản như thế, nghĩ gì nói đó và dĩ nhiên luôn luôn bộc lộ cảm xúc thật của mình với những người xung quanh. Nhưng đó đã là câu chuyện của mười mấy năm về trước, bây giờ chúng ta đề đã lớn, đều đã trưởng thành và hiểu chuyện cả rồi thì cái chuyện từ chối cũng không phải là chuyện dễ dàng. Đồng ý là bạn không muốn tham gia một cuộc họp, nhưng đó là một cuộc họp quan trọng thì bạn có can đảm nói là vì bạn không muốn tham gia hay không? Dĩ nhiên là không rồi đúng không, vì chúng ta không còn nhỏ nữa, những chuyện dù bạn thật sự không muốn nhưng vẫn phải học cách ứng xử đúng mực, đừng có thẳng thừng nói là bạn không muốn nếu không bạn sẽ dễ dàng biến thành một người vô trách nhiệm, vô lý và ứng xử theo lối trẻ con trong mắt người khác.


Những người nói “bận” sẽ không bao giờ hết bận

Sự thật thì bận chính là cái từ mà giới trẻ chúng ta hay nói với nhau nhiều nhất, nói trong vô thức và nói bất kể là có bận thật hay không. Bận ăn, bận ngủ, bận chơi game, bận xem phim… bận hàng trăm thứ vô bổ khác trên đời đều được gọi là bận. Nhưng lý do cuối cùng chính là bận tìm một lý do hợp lý để bận. Nghe có vẻ hơi khó hiểu nhưng bạn sẽ nhìn thấy một điểm chung của những người nói họ bận chính là theo sau đó là một lời giải thích khá hợp lý nhưng không hề được người khác thông cảm và chấp nhận. Vì sao mình nói những người hay nói “bận” sẽ không bao giờ cảm thấy mình hết bận? Bởi vì họ không định nghĩa được bận là gì, trong thời gian đó họ đang bận để làm gì mà bất cứ cái chuyện gì khiến họ không thể tham gia một cuộc họp hay nhận một công việc có thể là từ phải đi siêu thị, cho mèo ăn hay thậm chí check thông báo facebook đều được gọi là bận.


Thật sự thì người luôn định nghĩa mình bận còn là một người không biết cách sắp xếp thời gian, thích viện cớ và không tôn trọng người khác. Người có kỹ năng sắp xếp thời gian sẽ biết cách sắp xếp những công việc theo thứ tự ưu tiên, cái nào quan trọng và cần làm ngay còn cái nào là không quan trọng và cũng không cần thiết phải làm vào thời điểm đó. Bận chính là một cái cớ hoàn hảo nhưng không thể thuyết phục người khác. Mình chắc là ai trong chúng ta đều sẽ cảm thấy khó chịu khi chúng ta đã hẹn trước, sắp xếp thời gian và nhận được một chữ bận rất nhiều lần từ cùng một người với những lý do khó chấp nhận. Người nói bận còn không tôn trọng người khác ở chỗ chữ “bận” như một cú tát trời giáng vào những người đã cố gắng sắp xếp thời gian của họ và cuối cùng nhận được một chữ bận vô lý và mơ hồ.


“Có việc” chính là lời từ chối khiến người đối diện bắt buộc phải chấp nhận

Thay vì nói bận đi kèm với lý do tại, bị, vì, nên khiến người khác khó chịu bạn bạn nên dùng từ “có việc” cần phải làm, có việc đã lên kế hoạch từ trước mà không cần thêm bất cứ lý do nào khác. Bạn không có nhiệm vụ phải giải thích bất cứ điều gì trong cuộc sống với người khắc, đơn giản hãy nói rằng bạn có việc khác cần phải làm trước vì nó quan trọng hơn nên bạn không thể nào tham gia. Khi bạn “có việc” quan trọng hơn cần phải làm, thì không có bất cứ lý do gì phải cả nể hay sợ người khác đánh giá mà bạn không dám từ chối, hãy nói một cách trực tiếp và rõ ràng, không vòng vo lấp lửng vì những điều đó vô hình sẽ khiến bạn trở thành một người viện cớ hay nói dối.

Bạn và người khác có lối sống, suy nghĩ và hơn hết một cuộc đời riêng phải sống mà không ai có thể chỉ dẫn và sống thay được. Trong bất kì một việc gì trong cuộc sống bạn đều phải học cách làm việc có chủ đích và có sự ưu tiên của riêng mình, chính bạn mới là người biết mình cần thiết phải làm việc gì trước để khiến cuộc sống của mình tốt hơn. Thật ra dám từ chối người khác cũng là một biểu hiện của trưởng thành. Bạn cần phải biết rằng, sức lực và thời gian của mỗi người là có giới hạn, bạn không phải là người hoàn hảo, làm chuyện gì xứng đáng với lương tâm là đủ rồi.


Trong những tình huống bạn không thể tham gia hay thậm chí không muốn tham gia, để tránh gây khúc mắc và phiền lòng người khác cũng như không muốn ảnh hưởng đến tâm lý và công việc của chính mình, điều quan trọng nhất chính là bạn phải có lập trường kiên định. Bạn cần biết cái gì là thật sự quan trọng với mình, biết những mối quan hệ nào là nhất thiết phải có, biết đâu là việc bạn phải ưu tiên để từ đó có thể đưa ra những lời từ chối phù hợp và tinh tế khiến người khác không thể nào bác bỏ hay đánh giá. Mình tin chắc những người đủ hiểu biết và tinh tế trong giao tiếp xung quanh bạn trong một xã hội mà những người có trí thức ngày một nhiều hơn, họ cũng từng trải qua những quyết định khó xử tương tự bạn, sẽ thông cảm và dễ dàng chấp nhận những lời từ chối của bạn mà thôi. Còn đối với những người không hiểu chuyện thì bạn biết đấy, cho dù bạn có cách ứng xử đúng mực đến mức nào họ cũng sẽ khó mà thông cảm cho bạn. Điều duy nhất và tinh tế nhất bạn có thể làm là không quan tâm và không cần thiết phải quan tâm đến những trường hợp ngoại lệ này mà thôi.


“Thy và những câu chuyện nhỏ” #70

08/11/2019

2,171 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page