top of page
  • thythylittlethings

NHỮNG “MÓN NỢ THỜI GIAN”

Khoảng một năm trở lại đây, có nhiều lúc mình cảm thấy bản thân luôn phải chạy đua với thời gian, luôn trong trạng thái làm nhiều hơn 2 việc cùng lúc, nhưng vẫn không cách nào hoàn thành nổi trong 24h. Điều tồi tệ hơn, đó là cái cảm giác bản thân đang mắc nợ ai đó, không phải nợ tiền bạc mà là “món nợ thời gian” đeo bám, đã khiến bản thân không thể nào tập trung làm việc và mang đến chất lượng đúng như khả năng mình có thể.


Mình hiểu, khi bước ra xã hội và dấn thân vào công việc, hầu hết mọi người đều đang trong trạng thái như thế nên bản thân cũng cố gắng hạn chế phàn nàn về chuyện này với người khác. Trong trường hợp này, nếu muốn thoát khỏi chỉ có cách bản thân tự thấu hiểu mình muốn gì, thích nghi hoàn cảnh và tìm giải pháp hiệu chỉnh sao cho phù hợp nhất.


Thế là, mình đã bắt đầu hành trình tìm ra cách giúp bản thân có thể quản lý thời gian và năng lượng cũng như thoát khỏi những “món nợ thời gian” từ những tác nhân ngoại cảnh. Đây là ý niệm và những cách mình áp dụng từ khá lâu, muốn chia sẻ với các bạn nhưng vẫn chưa biết nên gọi tên chúng là gì cho dễ hiểu, mãi cho đến khi mình đọc được khái niệm “Món nợ thời gian” trong một bài viết trên blog của James Clear.


Những “món nợ thời gian” hay "time debts" là những hành động hoặc lựa chọn bạn tạo ra hôm nay nhưng sẽ khiến bạn tốn thêm thời gian trong tương lai.


Theo James Clear, email là một trong những "món nợ thời gian" mà đa phần chúng ta đều tạo ra mỗi ngày. Nếu bây giờ bạn gửi đi một email thì có nghĩa là bạn đang cam kết đọc email trả lời hoặc phản hồi lại email mới đến vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Vậy là cứ mỗi email bạn gửi đi lại tạo ra một "món nợ" mà bạn sẽ phải trả lại sau này.


Tuy nhiên, điều này không ám chỉ rằng tất cả các "món nợ thời gian" đều tiêu cực, ví dụ như việc gửi email này là một điều cần thiết và ý nghĩa đối với bạn trong lúc này. Thỉnh thoảng, trong một vài trường hợp, "món nợ" này cũng xứng đáng để bạn hy sinh.


Trong thực tế, với hành trình của mỗi chúng ta, có lẽ cũng vô số lần chúng ta tạo ra những “món nợ thời gian” trong vô thức và tiếp sau đó phải dành ra một khoản thời gian nhất định để giải quyết nó. Dưới đây là những trải nghiệm, những tình huống mà đâu đó trong chúng ta đều đã từng mắc phải và tạo ra những "món nợ thời gian" cho mình. Sau đó là cách mình đã áp dụng kiểm soát bản thân và hạn chế dần dần điều đó muốn gợi ý cho mọi người:


Chuyện những tranh cãi không đáng có

Một hôm bạn vô tình đọc được một quan điểm của người khác trên mạng xã hội và bạn quyết định viết một bài viết dài để chia sẻ về quan điểm đó. Sẽ không có gì xảy ra nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó vì bạn hoàn toàn có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về một vấn đề xã hội nếu điều đó không trái đạo đức và pháp luật. Tuy nhiên, sau khi bạn đăng bài lên các nền tảng mạng xã hội của mình thì lại nhận được những phản ứng trái chiều cũng như đồng cảm dưới phần bình luận. Vậy là bạn lại dành thời gian để trả lời hay tranh cãi về quan điểm của mình, câu chuyện cứ thế kéo dài đến nỗi bạn dành cả ngày để nói về câu chuyện của một ai đó. Nếu bạn thấy quen thuộc với tình huống này thì đó chính xác là quá trình mà chúng ta tạo ra và ngay lập tức phải trả "món nợ thời gian" của chính mình.


Kể từ khi nhận ra quá trình đó, mình chọn cách hạn chế chia sẻ góc nhìn cá nhân về "một cá nhân cụ thể" nếu cảm thấy điều đó không mang lại giá trị cho bản thân hay người đọc nó. Và nếu chỉ chia sẻ về một khía cạnh, một câu nói chung chung nhưng vẫn vấp phải những tranh cãi không đáng có, mình thường chọn cách không phản hồi, tranh cãi trực diện mà chỉ phản hồi như thể bản thân đã tiếp nhận được vấn đề và sẽ phản tư lại góc nhìn của bản thân nếu cần thiết.


Chính trong Blog Thythylittlethings cũng vậy, hầu như đối với các vấn đề có thể gây ra tranh cãi, mình sẽ thường nhấn mạnh "đây chỉ là góc nhìn cá nhân", nếu bạn đọc thấy phù hợp và có ích có thể thử áp dụng, còn nếu không, hãy chỉ xem bạn đã biết thêm một góc nhìn khác mình cũng được.


Đó là cách mà mình hạn chế việc tự tạo ra “món nợ thời gian” cho bản thân vì mình hiểu bản thân vốn không có nhu cầu chứng minh những điều mình chia sẻ là đúng, còn người khác thì không đúng. Hơn hết, mình luôn tôn trọng những đóng góp xây dựng của các bạn.


Chuyện email, tin nhắn và thời điểm trao đổi công việc

Thật sự, chúng ta không thể liên tục phàn nàn về việc người khác luôn email, nhắn tin, gọi điện quấy rầy khi bản thân đang cần tập trung làm việc mãi được. Cách tốt nhất để không bị mất tập trung chỉ có thể đến từ hướng kiểm soát của bản thân mình. Chúng ta không thể kiểm soát việc người khác sẽ gửi bao nhiêu email, tin nhắn, gọi bao nhiêu cuộc điện thoại, vào lúc mấy giờ nhưng chúng ta có thể kiểm soát việc có xem và phản hồi chúng hay không.


Trong công việc, nếu tình trạng này liên tục diễn ra, người liên tục hành xử như thế với người khác vẫn chưa hiểu được “phép lịch sự tối thiểu” là gì, nên bản thân chúng ta đừng quá mong đợi sự thay đổi một sớm một chiều đến từ họ. Hàng tá tin nhắn, email từ lúc tờ mờ sáng hay nửa khuya với cái cớ “quan trọng và khẩn cấp” thật sự rất khó chấp nhận. Mình sẽ không trừ các trường hợp thật sự quan trọng nào ở đây cả, vì không có một chuyện quan trọng nào không được lên một kế hoạch cụ thể, nếu là một người quản lý có năng lực và hiểu cách ứng xử cơ bản giữa người với người thì họ sẽ không để những thứ “quan trọng ” đó đến nửa đêm hôm trước deadline.


Đối với một người bình thường, ban đêm và giờ sáng sớm là giờ giấc cần cho việc nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng, không phải là để giải quyết những thứ “trên trời rơi xuống”, và nếu có làm thì cũng chẳng mang lại một chất lượng gì cho công việc đó.


Thật đáng sợ khi một người xem việc thức đến sáng để làm xong một nhiệm vụ nào đó được cho là khẩn cấp, nghĩ đó là làm việc năng suất và họ muốn người khác cũng phải làm theo như vậy. Thêm một chút tiền không giúp chúng ta vui vẻ hay hạnh phúc hơn nhưng mất một một giấc ngủ có thể đưa chúng ta gần hơn rất nhiều tới bệnh tật. Nếu bạn từng đọc quyển “Sao chúng ta lại ngủ?” có lẽ sẽ hiểu rất rõ điều này. Đại dịch vừa qua cũng đủ khiến chúng ta nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe, không có sức khỏe bạn nghĩ mình có thể làm gì tiếp theo?


Một vài cách hữu ích mà bạn có thể áp dụng để không phải tạo ra và trả “món nợ thời gian” là:

  • Tắt tất cả thông báo của các phần mềm liên quan trên điện thoại và sử dụng Focus assist mode trên laptop. Nếu cần tập trung cao độ, bạn có thể ngắt kết nối với internet hoặc block các ứng dụng gây sao nhãng.

  • Phân chia rõ tài khoản email, số điện thoại liên lạc cho công việc và đời sống cá nhân.

  • Nhóm (batching) các đầu việc như gửi email cho người khác, trả lời email, tin nhắn vào một thời gian cố định (hạn chế vào lúc sáng sớm và lúc chiều muộn và ngày nghỉ).

  • Đi thẳng vào vấn đề khi phản hồi, hạn chế việc phải giải thích vì sao bạn không phản hồi ngay lập tức yêu cầu của người khác vì nó chỉ khiến đôi bên mất thêm thời gian.

  • Cuối cùng nếu bạn muốn không bị làm phiền bởi người khác thì cũng hạn chế làm điều đó với họ.


Mình hiểu ai cũng có vấn đề riêng, mình tôn trọng sự khác biệt và hạn chế phán xét, phàn nàn với những cách ứng xử của người khác. Nhưng hơn hết, mình tôn trọng thời gian, năng lượng, cảm xúc và sức khỏe của bản thân mình.


Chuyện làm "cho xong" hình thức

Có thể, bạn sẽ thấy điều này mâu thuẫn với câu nói “Hoàn thành hơn hoàn hảo”. Nhưng ý mình không phải thế, "cho xong" hình thức mà không có chất lượng là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi tổ chức của bạn có sẵn một công thức tạo ra sản phẩm. Trong trường hợp này, nếu không ngừng tìm cách nâng cao chất lượng của việc đó, bạn vẫn có thể làm xong một sản phẩm y hệt như sản phẩm mẫu được đưa cho bạn. Điều này không những sẽ không mang lại giá trị gì cho bản thân mình trong suốt quá trình làm, mà còn không mang lại chất lượng hay một sự đổi mới gì cho sản phẩm đó. Thậm chí với các sai sót mà qua nhiều năm, cả một hệ thống vẫn cố tình không nhìn thấy cũng sẽ tiếp tục bị bỏ qua. Nếu bạn cứ mãi làm một việc lặp đi lặp lại thì bạn sẽ được A.I thay thế vì các bạn ấy có thể làm tốt hơn như vậy - A.I NYM từng trả lời trong buổi ra mắt sách của cô Nguyễn Phi Vân như thế.


Với tư duy này, đối với hầu hết công việc, mình thường đặt ưu tiên cho việc tìm ra vấn đề, giải quyết và cải tiến sản phẩm cao hơn việc làm cho xong “bề ngoài” một sản phẩm nếu đặt trong cùng một “tight deadline”. Mình không chắc, mình sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm này, nhưng ở thời điểm hiện tại, cách tư duy này giúp mình hạn chế mắc thêm những “món nợ thời gian”.


Nếu bạn tạo ra một sản phẩm kém chất lượng, thậm chí không hiểu bản thân đã làm gì với sản phẩm đó, dù có làm xong đi chăng nữa, bạn sẽ phải sửa chữa và làm lại rất nhiều lần bởi việc làm xong những phần bên ngoài sau khi phần cốt lõi đã hoàn thành sẽ dễ hơn nhiều so với cách ngược lại. Thật sự, theo trải nghiệm của mình, mỗi sản phẩm chất lượng thấp là một món nợ thời gian mà bạn phải trả lại rất sớm.


Chuyện tìm việc

Nếu như bạn là sinh viên sắp tốt nghiệp và đang cần tìm một công việc thực tập hay toàn thời gian thì cũng hãy cân nhắc về “món nợ thời gian” mà bạn có thể sẽ tự tạo ra cho bản thân mình.


Nhớ lại lúc khoản thời gian tìm việc đó, mình cũng rất sợ là ra trường sẽ không tìm được việc, mặc dù mình nhận thấy CV và các kỹ năng mình có của mình không hề tệ. Lúc tìm việc thực tập, mình đã nộp CV ở cả 4 công ty lớn nhất trong ngành, tham gia 2 cuộc thi học thuật lớn để tìm suất thực tập và thậm chí phỏng vấn học bổng để có được cơ hội vào vòng phỏng vấn Management Trainee của một công ty cũng khá lớn và có tiếng. Phần vì sợ trượt ở các vòng trong, phần vì sợ bỏ lỡ các cơ hội tốt hơn, nên mình đã đồng ý tham gia tất cả các bài kiểm tra năng lực của các công ty, sau khi tất cả CV của mình đều vào vòng trong. Thời điểm, vòng kiểm tra năng lực diễn ra cũng là lúc mình đang dẫn dắt một chương trình lớn của câu lạc bộ nên khi thi xong ở tất cả công ty mình cảm thấy kiệt sức và cảm nhận rõ “món nợ thời gian” mà mình đã tạo ra. Lúc đó, mình rất ngại từ chối tham gia các vòng tiếp theo vì sợ bị vào “danh sách đen”, nhưng cuối cùng mình cũng đã quyết định từ chối 2 buổi phỏng vấn để có đủ thời gian chuẩn bị cho các buổi khác.


Về sau, mỗi lần nghĩ lại đôi lúc mình cũng cảm thấy một chút "đau đáu" về 2 cơ hội đó, nhưng mình không hối hận vì lúc đó quả thật mình không có đủ thời gian và năng lượng để tham gia tất cả được. Gần đây, khi mình cập nhật lại CV và tài khoản trên LinkedIn và các nền tảng khác, mình cũng nhận được những lời mời “join team” mới. Nhưng mình đã học được cách cẩn thận hơn trong việc phản hồi và chấp nhận phỏng vấn, vì hơn hết mình không muốn tạo ra thêm những “món nợ thời gian” khác cho bản thân.


Có lẽ, mỗi người sẽ có những câu chuyện khác nhau về “món nợ thời gian” này mà kể mãi cũng không hết. Nhưng cũng giống tiền bạc, “món nợ” nào cũng cần phải trả, vì thế tốt hơn chúng ta nên cẩn thận trước khi lựa chọn chúng. Cuối cùng, hãy nhớ chỉ có bạn là người hiểu rõ nhất bản thân nên ưu tiên thời gian cho những việc gì và cách sử dụng thời gian như thế nào mới là phù hợp với công việc và cuộc sống của chính mình.



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #143 23/10/2021

139 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page