Ở cái tuổi 19, 20, nếu bạn vẫn đang mơ mộng một cuộc sống màu hồng khi ở trường Đại học, ở cái đất Sài Gòn này thì có lẽ bạn nên thử đi làm thêm. Chỉ đến khi nhận được vài cú tát "sấp mặt" từ xã hội thì bạn mới nhận ra đã đến lúc mình cần trưởng thành.
“Cuộc sống này có rất nhiều màu sắc, không phải chỉ có màu hồng như bạn nghĩ, chỉ là do bạn chưa có cơ hội chiêm ngưỡng mà thôi.”
Vậy tại sao mình lại khuyên bạn nên đi làm thêm ở cái tuổi 20, phải chăng đang “xúi bậy”. Làm gì có việc đó, bạn biết không việc làm thêm, thậm chí làm không lương cũng sẽ cho bạn rất nhiều kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống mà có thể sau này bạn có rất nhiều tiền cũng không thể nào mua được bởi lẽ:
“Với tuổi trẻ, không có một nước cờ nào là lãng phí.”
Có nhiều người cho rằng “Sài Gòn rất nguy hiểm”, mới 19, 20 tuổi đầu thi lo tập trung học hành đi, ra ngoài xã hội sớm sẽ dễ bị dính vào lừa đảo, tệ nạn các thể loại. Nhưng thực sự thì không phải bây giờ thì sẽ là bao giờ, đợi đến khi học hết Đại học mới ra đời hay lại về nhà với mẹ? Thật sự thì xã hội chúng ta đang sống vẫn đang đầy rẫy những nguy hiểm không riêng gì Sài Gòn và hành trình trưởng thành của chúng ta phải đi từ việc vượt qua khó khăn, gian khổ mà có được kinh nghiệm chứ không phải đợi người khác trải sẵn thảm đỏ đâu. Nếu bạn không bắt đầu trải nghiệm những điều trên ở cái tuổi 20 thì sớm hay muộn gì bạn cũng sẽ trải qua điều đó nhưng với một sự chênh vênh hơn, khi cầm tấm bằng Đại học nhưng không biết đi tìm việc ở đâu, đường Sài Gòn thế nào và mình sẽ đi về đâu?
Riêng mình đã bắt đầu đi làm thêm từ năm nhất Đại học, trải qua rất nhiều công việc, vất vả có, nhàn hạ cũng có và mình hoàn toàn không hối hận về những quyết định trên. Nhưng có lẽ bạn sẽ hỏi mà bây giờ mình muốn làm thêm thì mình phải bắt đầu từ đâu?
Nan giải nhỉ, hồi năm nhất mình cũng thế, giờ làm gì để có nhiều tiền mà không vất vả, làm gì mà không bị lừa gạt bây giờ. Nhưng bạn biết không:
"Ham muốn có trải nghiệm tốt đẹp hơn bản thân nó là một trải nghiệm tiêu cực. Và nghịch lý thay, sự chấp nhận cảm giác tiêu cực của bản thân tự nó lại là một trải nghiệm tích cực."
(Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm - Mark Manson)
Nếu không có rủi ro, không có bắt đầu thì không có một hành trình nào cả. Nếu bạn vẫn chưa tin thì hãy cùng mình điểm qua 7 việc làm thêm mình đã làm trước khi kết thúc quãng đời Đại học và chính thức bước ra xã hội với ngành nghề mình theo học:
1. Nhân viên phục vụ nhà hàng
Năm nhất Đại học mình đi làm phục vụ nhà hàng, cái việc mà đa số sinh viên đều đã từng trải qua. Có hôm đi tới tận 1-2h sáng mới về đến kí túc xá mà chỉ có vỏn vẹn 120 nghìn đồng khiến mình nhận ra chúng ta không thể kiếm tiền từ những lao động vất vả như thế, chúng ta phải cố gắng học để có kiến thức và lao động trí óc để xứng đáng với đầu tư của bản thân cũng như kỳ vọng của gia đình.
2. Nhân viên tiếp thị sản phẩm
Năm hai đại học là thời gian mình đi làm thêm nhiều nhất, mình lao vào tìm kiếm những cơ hội để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm sống từ việc làm Promotion Girl (Nhân viên tiếp thị sản phẩm) cho một nhãn hàng máy lọc nước của Hàn Quốc. Mình hay nói vui đây là thời gian “lầy lội” nhất thời sinh viên khi một con bé sinh viên ở Thủ Đức dám thức từ 4h30 sáng bắt 3 chuyến xe buýt để đi làm ở Lotte Nam Sài Gòn Quận 7. Nhưng thật sự công việc đó đã khiến mình trưởng thành hơn rất nhiều, cải thiện kỹ năng giao tiếp, bình tĩnh xử lý vấn đề, cũng như kiên nhẫn để duy trì công việc.
3. Nhân viên trưng bày sản phẩm trong các siêu thị
Mình từng làm công việc này trong khá nhiều siêu thị ở các quận ở thành phố Hồ Chí Minh, từ đó cũng được học hỏi thêm về quy trình vận hành và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm trước khi được trưng bày ở các siêu thị. Bên cạnh đó, mình cũng học được kỹ năng giao tiếp và giải quyết các vấn đề bất ngờ xảy ra trong quá trình làm việc.
4. Nhân viên tổ chức sự kiện
Bên cạnh việc tham gia câu lạc bộ trong trường Đại học, tham gia các chương trình tình nguyện để học hỏi thêm về công việc tổ chức sự kiện, mình cũng từng tham gia vào các công việc tổ chức sự kiện cho các tổ chức phi lợi nhuận và cả các công ty kinh doanh sản phẩm. Trong quá trình làm việc, mình học được cách set up và chuẩn bị cho nơi diễn ra sự kiện, giao tiếp và làm việc cùng các bạn trong nhóm cũng như các vị khách tham gia sự kiện, kỹ năng xử lý vấn đề một cách hiệu quả nhất.
5. Nhân viên bán sách
Tuy chỉ làm trong một thời gian khá ngắn nhưng công việc này giúp mình tiếp xúc nhiều hơn với các đầu sách trên thị trường, có kĩ năng tiếp thị bán hàng và ghi nhận doanh thu mỗi ngày cũng như số lượng sách đã được bán.
6. Nhân viên tư vấn cho trung tâm gia sư
Năm ba, mình lại tiếp tục thử sức với một lĩnh vực mới là nhân viên tư vấn cho trung tâm gia sư. Nếu ai biết đến mình sẽ biết mình là một người không thể sống thiếu công việc. Công việc này cũng mang đến cho mình khá nhiều kinh nghiệm như kỹ năng tư vấn, giải quyết vấn đề linh hoạt và nhanh nhẹn, thuyết phục và đàm phán, bên cạnh đó được tiếp cận với hệ thống chương trình của trung tâm khiến mình cải thiện kĩ năng văn phòng rất nhiều.
7. Người sáng tạo nội dung (Content Creator)
Gần đây mình lại thử sức với công việc viết lách và sáng tạo nội dung khi tạo Blog và làm cộng tác viên cho một vài dự án. Tuy đây chỉ mới là một công việc hoàn toàn mới và chưa có gì là tiềm năng nhưng mình đã học được kĩ năng sắp xếp thời gian, kỷ luật bản thân, sáng tạo và tiếp cận được với các nền tảng Digital marketing cơ bản.
Và còn vô số các công việc làm thêm khác mà bạn có thể thử trong thời sinh viên của mình như: gia sư, phát tờ rơi, designer, trợ giảng ở các trung tâm, shipper...
Hiện tại, mình đang làm công việc Thực tập sinh kế toán theo đúng chuyên ngành của mình để củng cố những kiến thức được học ở trường và học hỏi thêm những kinh nghiệm thực tế thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với hoá đơn, chứng từ thanh toán quốc tế,các thiết bị văn phòng và phần mềm kế toán. Mình hay nói vui là đây là “công việc trên trời rơi xuống” khi mình mới nộp CV lúc 9h tối hôm trước thì 9h sáng hôm sau được gọi đi làm fulltime và có lương luôn. Nói đùa thôi, nếu bạn đã từng đọc quyển Atomic Habits của James Clear có một câu mà mình rất tâm đắc về vấn đề này như sau:
"Your work was not wasted; it is just being stored. "
Mình đã từng nghĩ sẽ vất vả để kiếm việc đúng chuyên ngành lắm đây, nhưng thực sự không phải như vậy, nó hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng và thái độ của bạn mà thôi. Mình cũng rất mơ mộng về một công việc ở một công ty thật danh tiếng hơn, vì thế mình vẫn đang cố gắng để làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp đúng với ngành nghề mình đã lựa chọn học ở trường Đại học.
Cuối cùng, mình xin được nhấn mạnh một lần nữa: "Với tuổi trẻ, không một nước cờ nào là lãng phí", mỗi một trải nghiệm đều mang đến những kỹ năng và ý nghĩa cho công việc tương lai của mình và hơn nữa đây cũng là khoảng thời gian mà bạn có thể thu nhặt được những bài học quý giá nhất cho thành công của chính mình. Đừng chần chờ, đừng sợ vừa học, vừa tham gia câu lạc bộ, vừa đi tình nguyện, lại vừa làm nữa sẽ mệt mỏi đến “chết sớm”, chúng ta không dễ chết đến vậy đâu, hãy sống chứ đừng chỉ tồn tại trong tuổi trẻ của chính mình! Nhưng mà làm thêm thì làm thêm nhưng vẫn phải cân bằng với việc học và cuộc sống nữa đấy nhé, mình tin bạn làm được mà đúng không?
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #38
23/08/2019
Comments