top of page
  • thythylittlethings

QUỸ KHẨN CẤP - AN TOÀN TÀI CHÍNH CÁ NHÂN CHO NGƯỜI TRẺ

Trong những năm gần đây, có lẽ người trẻ chúng mình đã nghe quá nhiều về các trào lưu như làm giàu nhanh, đầu tư tài chính, tự do tài chính, nghỉ hưu sớm,... Chưa bàn về việc đúng hay sai, có khả năng hay không, nhưng một sự thật rằng trước khi chạm đến những điều kể trên, điều người trẻ cần hơn lúc này là có cho mình hiểu biết nhất định về quản lý tài chính cá nhân và cách thiết lập an toàn tài chính cho bản thân mình.


Sớm nhận ra điều này, mình cũng đã tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến quản lý tài chính cá nhân và bắt đầu vẽ ra bức tranh an toàn tài chính cho riêng mình. Cũng gần 2 năm kể từ khi mình bắt đầu tìm hiểu, thực hành và cảm nhận được những lợi ích thiết thực của việc có một quỹ khẩn cấp để đạt được mức độ an toàn tài chính mong muốn cho riêng mình, nên mình muốn chia sẻ cách mình tiếp cận và thực hiện với các bạn đọc. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn nghiêm túc hơn trong việc quản lý tài chính cá nhân và bắt đầu thiết lập Quỹ khẩn cấp để đạt được sự an toàn tài chính cho chính mình.


Quỹ khẩn cấp (Emergency Fund) là gì? Tại sao chúng ta cần có Quỹ khẩn cấp?


Quỹ khẩn cấp là một khoản tiền được trích ra để đảm bảo trang trải cho những tình huống bất ngờ xảy ra về tài chính trong cuộc sống của bạn. Một số trường hợp khẩn cấp hàng đầu mà mọi người thường phải đối mặt: Mất việc làm, cấp cứu y tế, thiên tai, dịch bệnh, sửa chữa các thiết bị quan trọng như xe máy, laptop, điện thoại, các chi phí ngoài kế hoạch khác,...


Có lẽ, trải qua đợt dịch gần đây nhất đã khiến hầu hết chúng ta nhận ra tầm quan trọng của Quỹ khẩn cấp khi mà mọi thứ đều đình trệ kéo dài, bệnh tật, mất việc xảy ra ngay trước mắt.


Lợi ích của Quỹ khẩn cấp


1. Giảm mức độ căng thẳng của bạn

Không có gì ngạc nhiên khi chuẩn bị sẵn sàng quỹ khẩn cấp mang lại cho bạn sự tự tin rằng bạn có thể giải quyết bất kỳ sự kiện bất ngờ nào trong cuộc sống mà không cần lo lắng và căng thẳng về túi tiền của mình không đủ để giải quyết.


2. Giúp bạn hạn chế thói quen chi tiêu theo ý thích

Bằng cách chuyển số tiền cố định cho Quỹ khẩn cấp của bạn mỗi khi nhận lương vào một tài khoản tiết kiệm riêng, bạn sẽ biết chính xác mình có bao nhiêu, tiết kiệm được bao nhiêu nhưng bạn không thể tiêu xài hoang phí theo ý thích nữa.


3. Tránh mượn nợ và lạm dụng thẻ tín dụng

Có thể nói, Quỹ khẩn cấp là “chiếc lưới” an toàn giúp bạn đối mặt với những biến cố phát sinh thêm nợ vì khi cần tiền gấp, bạn có thể dùng Quỹ Khẩn Cấp của mình để trang trải thay vì phải mượn người thân, bạn bè, rút tiền từ thẻ tín dụng, vay ngân hàng và thậm chí là các quyết định tài chính tồi khác khi bạn không có hiểu biết nhất định về tài chính.


Số tiền cho Quỹ khẩn cấp bao nhiêu là phù hợp?

Các bước cần thiết để tính toán ngân sách cho Quỹ khẩn cấp của riêng bạn:


1. Ước tính các chi phí cố định và tối quan trọng của bạn

Đây là những chi phí bạn bắt buộc phải chi trả để đảm bảo cuộc sống diễn ra bình thường như:

  • Tiền nhà

  • Điện, nước, gas,

  • Đồ ăn, nước uống

  • Chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm

  • Chăm sóc bản thân

  • Di chuyển, xăng xe

  • Trả nợ...

Bên cạnh đó, các chi phí không nên tính vào Quỹ khẩn cấp của bạn như:

  • Giải trí

  • Ăn ngoài

  • Mua sắm không cần thiết

  • Du lịch...


2. Cân nhắc xem bạn cần tiết kiệm nhiều hơn hay không

Hầu hết các chuyên gia cho rằng bạn nên có đủ tiền trong quỹ khẩn cấp của mình để trang trải chi phí sinh hoạt ít nhất từ ​​3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, theo mình không nhất thiết phải cố định như thế mà hãy tính toán dựa trên mục tiêu cá nhân của chính mình. Riêng bản thân mình nghĩ, để đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh bất ổn hiện tại, số tiền mình dành cho quỹ khẩn cấp đã tăng lên khoảng 9 đến 12 tháng chi phí sinh hoạt.


Một số trường hợp mà bạn nên cân nhắc tiết kiệm nhiều hơn cho Quỹ khẩn cấp của mình:

  • Trong thời kỳ tỷ lệ thất nghiệp cao và kéo dài hơn bình thường

  • Bạn làm trong một ngành có rủi ro cao và công ty bạn thường xuyên có tình trạng sa thải nhân viên.

  • Nguồn thu nhập của bạn không ổn định...

3. Hãy nhớ “Có còn hơn không” - “Something is better than nothing”

Khi bạn đang trong tình trạng không có quá nhiều tiền, đừng đặt mục tiêu phải tiết kiệm quá nhiều mỗi tháng và cảm thấy áp lực. Bạn hoàn toàn có thể tích lũy bằng cách gửi tích lũy mỗi tháng số tiền nhỏ hơn vì đa số các Ngân hàng hiện nay đều đã có tính năng đó. Theo mình tìm hiểu, chỉ cần 100.000 đồng mỗi tháng bạn đã có thể gửi tích lũy để xây dựng Quỹ khẩn cấp cho bản thân mình rồi. Nếu bạn duy trì nó hàng tháng, theo thời gian, cuối cùng bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình. Điều quan trọng là bạn phải bắt đầu.

Ví dụ trường hợp của chính mình, khi mới đi làm mình chỉ gửi vào tài khoản tích lũy 500.000 - 1.000.000 đồng mỗi tháng, dần dần sau gần 2 năm, chiếc quỹ đó của mình cũng đã đạt được một mục tiêu tài chính của mình.


Bạn nên để Quỹ khẩn cấp của mình ở đâu?

Một câu hỏi vừa dễ lại vừa khó trả lời, nhưng có một vài tiêu chí để bạn có thể cân nhắc để Quỹ khẩn cấp của mình:


  • An toàn trước rủi ro thị trường: Hãy chọn một nơi khiến bạn cảm thấy an tâm nhất đặc biệt là trong thời điểm bất ổn kinh tế.

  • Dễ dàng truy cập: Điều này đảm bảo bạn có thể dễ dàng gửi tiền vào và dễ dàng rút ra để xử lý trường hợp khẩn cấp của mình một cách nhanh chóng.

  • Có lãi suất thì càng tốt: Mục đích của Quỹ khẩn cấp không phải là để kiếm tiền, nhưng bạn nên cân nhắc điều này trước lạm phát.


Ba nơi mà mình chọn để thiết lập Quỹ khẩn cấp của mình là gửi tiết kiệm Ngân hàng (thông thường và tích lũy), các chứng chỉ quỹ và kênh bảo hiểm uy tín.


Cách kiếm tiền và tiết kiệm cho Quỹ khẩn cấp khi còn là sinh viên

Nếu còn là sinh viên bạn, một số cách kiếm tiền và tiết kiệm bạn có thể tham khảo là tìm thêm công việc part-time, cố gắng giành học bổng, giành giải thưởng trong các cuộc thi, tận dụng các ưu đãi giảm giá dành riêng cho sinh viên, sử dụng phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí đi lại, mượn sách ở thư viện hoặc các anh chị khóa trước,...


Có thể nói, thiết lập Quỹ khẩn cấp là bước thiết yếu để đảm bảo an toàn tài chính cũng như giảm căng thẳng về tài chính cho chính bản thân mình. Vì vậy, nếu bạn chưa có cho mình Quỹ khẩn cấp thì hãy bắt đầu càng sớm càng tốt, còn nếu đã lập Quỹ thì hãy nên duy trì và sử dụng một cách thông minh trong những tình huống thật sự khẩn cấp.

 

*Disclaimer: Bài viết có sự tham khảo, tổng hợp từ các bài viết chuyên môn kết hợp với trải nghiệm và hiểu biết của riêng bản thân mình. Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết đó ở đây nhé:



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #149

04/12/2021

73 views0 comments
bottom of page