top of page
  • thythylittlethings

NHỮNG THÓI QUEN GÂY LÃNG PHÍ THỜI GIAN VÀ NĂNG LƯỢNG KHI CÒN TRẺ (P1)

"The trouble is, you think you have time." - Buddha

Thời sinh viên của mình, người ngoài nhìn vào có lẽ sẽ thấy mình là một đứa có quá nhiều năng lượng và thời gian: vừa đi làm thêm, vừa viết blog, vừa tự học ngoại ngữ và nhiều thứ khác, vừa đọc sách, vừa giữ một vị trí khá quan trọng trong câu lạc bộ, vừa chăm chỉ tập thể dục mà vẫn có thể tung tăng đi vui chơi giải trí và đi học không lo nghĩ điểm số vẫn cao… Liệt kê ra nhiều như vậy, có vẻ như là mình cũng là một người có khả năng sắp xếp thời gian và kiểm soát công việc đó chứ nhỉ? Có lẽ cũng có chút chút vì mình cũng có học tập và áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn, tuy nhiên vấn đề này mình sẽ chia sẻ trong một bài viết khác. Trước hết ở bài viết này, mình muốn chỉ ra những thói quen mà mình đã từng làm trước khi mình nhận ra mình đang lãng phí rất nhiều thời gian và năng lượng tuổi trẻ của mình, cũng như thấy được từ những người xung quanh. Nhờ việc mình nhận ra được những điều này sớm và cố gắng hạn chế hay thậm chí loại bỏ hẳn chúng ra khỏi cuộc sống mà mình mới có nhiều thời gian và năng lượng hơn để làm những việc quan trọng hơn trong cuộc sống. Nếu bạn cũng đang làm những việc này thì có lẽ đã đến lúc bạn cần xem xét lại cách sử dụng thời gian và năng lượng tuổi trẻ của mình và điều chỉnh lại sao cho phù hợp rồi đấy:


1. Lướt mạng xã hội, cày phim, cày game không có chừng mực

Mình không nói việc sử dụng mạng xã hội, xem phim,... là không tốt vì mình cũng đang sử dụng những hình thức giải trí này mỗi ngày. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta nên phân biệt rõ đâu là giải trí, đâu là không có chừng mực để biết cân bằng thời gian phù hợp giữa giải trí và học tập khi còn là sinh viên trước khi quá muộn. Thời gian và năng lượng của tuổi trẻ là rất quý giá, bạn còn rất nhiều điều thú vị và thách thức khác để làm bên cạnh những việc quá dễ dàng mà ai cũng có thể làm này đấy.


2. Dành quá nhiều thời gian để lựa chọn quần áo, giày dép, mỹ phẩm

Một việc rất quen thuộc với các bạn nữ mà mình cũng từng mắc phải chính là dành quá nhiều thời gian để lựa chọn quần áo, son phấn, giày dép mỗi ngày. Lý do có thể đến từ việc bạn có rất nhiều món đồ đến nỗi không thể lựa chọn được hoặc bạn không xác định được mình thực sự muốn gì nên cứ phân vân mãi mà không chọn được cái nào ưng ý. Đây cũng là một trong những lý do khiến mình quyết định sống tối giản hơn, vừa tránh lãng phí thời gian vừa bảo toàn được năng lượng và túi tiền của bản thân.


3. Cố giành chiến thắng trong một cuộc tranh cãi

Phải nói, chắc chắn ai cũng đã từng trải qua ít nhất một cuộc tranh cãi với bạn bè, anh chị khóa trên hay thậm chí những em khóa dưới khi còn là sinh viên. Với tâm trạng háo thắng và cho rằng mình luôn đúng, mình hơn người khác ở nhiều mặt, khi xảy ra bất kỳ cuộc tranh cãi nào chúng ta đều muốn là người chiến thắng. Nhưng sau đó, nhìn đi nhìn lại thì ra chiến thắng đó cũng chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí mình hay gọi là những chiến thắng kiểu trẻ con, vô bổ và vô cùng lãng phí thời gian.


4. Biết quá nhiều thứ không cần biết

Không có gì làm lạ nếu như bạn thấy một tin giật gân về một ai đó thậm chí không quen biết và bắt đầu lùng sục trang cá nhân để biết từng chân tơ kẻ tóc, bạn bè, người yêu của họ. Và rồi chỉ đợi cho đến khi một người khác nhắc về cái tên đó thôi thì bạn có thể kể ra 1001 câu chuyện mà bạn biết về họ. Bạn có khi nào nhìn lại việc đó là tự hỏi mình xem: “Ủa làm vậy chi?” “Làm vậy rồi mình có tốt lên tí nào hơn không?”


5. Làm nhiều nhưng không xác định được mục đích

Một sai lầm mà đại đa số những bạn "quá chăm chỉ" hay mắc phải dẫn đến việc lãng phí một lượng lớn thời gian chính là làm quá nhiều thứ mà không biết mục đích là gì.

Một chuyện khá phổ biến trong giới sinh viên chính là học rất nhiều, học chăm chỉ, học miệt mài, một tuần học 7 ngày, học ngày học đêm... nhưng đi thi vẫn không đạt được điểm mình mong muốn. Một trong những lý do có thể là bạn vốn dĩ không xác định được rốt cuộc mục đích của việc học môn đó là gì hay không hiểu cốt lõi của vấn đề mà chỉ biết đâm đầu vào học một cách vô tội vạ, cuối cùng dẫn đến kết quả không như mong muốn. Thật sự, chăm chỉ là một điều rất tốt, nhưng để hạn chế lãng phí thời gian và năng lượng, bạn cần chăm chỉ một cách thông minh và có chủ đích hơn.


6. Quan tâm quá nhiều đến cách người khác nghĩ về mình

Việc quan tâm quá nhiều đến cách người khác nghĩ về mình không những lãng phí thời gian mà còn khiến tinh thần chúng ta mệt mỏi. Mỗi ngày, ra đường bạn cứ phải nom nóp lo sợ xem có ai chê mình mập, chê mình mụn nhiều, chê mình mặc xấu… thật sự rất mệt mỏi. Thật ra thì, không có quá nhiều người vô duyên thế đâu và cũng không có ai để ý đến bạn nhiều đến thế, người ta quan tâm đến bản thân họ thôi cũng đã đủ mệt rồi. Vì thế, thay vì lo sợ người khác phán xét, thì bạn hãy tự hoàn thiện bản thân và xây dựng sự tự tin cho chính mình. Chỉ có như thế, bạn mới không còn phải quan tâm quá nhiều đến cách người khác nghĩ gì về mình.


7. Suy nghĩ xa xôi, lo lắng quá đà

Đây là vấn đề khiến bạn vừa lãng phí thời gian, vừa không có can đảm để làm bất cứ điều gì cả.

Một số trường hợp cụ thể có thể kể ra như:

  • Chưa đi thi đã nghĩ đến việc mình thi rớt và phải làm gì để có tiền đóng tiền học cải thiện thay vì tập trung học để không phải thi rớt.

  • Chưa đi phỏng vấn đã nghĩ chắc là không nhà tuyển dụng nào dám nhận mình đâu, lỡ không ai nhận thì mình phải làm gì… thay vì cố gắng chuẩn bị kỹ càng để thể hiện tốt nhất trong buổi phỏng vấn.

  • Chưa hỏi đã sợ người khác không trả lời, sợ lỡ hỏi ra một câu ngu ngốc mà ai cũng biết thì sẽ bị “quê” thay vì mạnh dạn hỏi để biết thêm kiến thức và không còn phải hỏi lại vấn đề đó nếu như gặp lại một lần nữa.

8. Cố gắng níu kéo mối quan hệ mình không còn có thể thuộc về

“Nếu có nơi tôn thờ tình yêu là tất cả

Sẽ có chốn vô vọng để ta buông mình sau những tổn thương mãi không thể hàn gắn….”

(Càng níu giữ càng dễ mất – Mr.Siro)


Đáng sợ nhất không phải cô đơn hay yêu sai người mà là bản thân đang hiểu sai về tình yêu. Rốt cuộc bạn yêu một người vì muốn cả hai hạnh phúc hay muốn sở hữu người đó mà thôi?

“Đời ngược xuôi trắng đen tôi cũng hiểu thấu

Nếu còn yêu đâu ai rời đi…”

(Còn yêu, đâu ai rời đi – Đức Phúc)


Nói thật, không một ai thật lòng yêu thương bạn lại muốn đùa giỡn với tình cảm của bạn và khiến cho bạn mệt mỏi cả. Vì thế, mình xin phép không bàn cãi với những trò kiểu hôm nay yêu mai đòi chia tay, mốt yêu lại, rồi bữa kia lại chia tay. Có lẽ nào họ nghĩ mình là một đứa trẻ con chưa hiểu chuyện và rảnh lắm chăng?

Nếu một người đã quyết định rời bạn thì bên cạnh 1001 lý do “trên trời dưới biển” thì lý do chính xác chỉ là “hết yêu” mà thôi. Có lẽ, trước khi trách người khác hay muốn níu kéo họ thì chúng ta nên nhìn lại chính mình. Có thể họ không tốt như bạn nghĩ nhưng cũng có thể mình cũng không hề là đối tượng mong muốn của họ. Vậy thì thay vì cố gắng níu kéo những mối quan hệ mà bạn không còn thuộc về nữa, tại sao không buông tay để cả hai cùng có thể tìm đến những mối quan hệ mới phù hợp với mình hơn và sống một cuộc đời hạnh phúc.

Không chỉ là níu kéo mà hầu hết các hành động phản pháo sau chia tay, cố chứng minh mình là người đúng hay cố khiến cho họ hối hận vì đã rời xa bạn... đều là những hành động vô bổ và mất thời gian. Hãy là chính mình và hãy dành thời gian quý báu của mình cho gia đình và bản thân thay vì cứ níu kéo trong vô vọng.

Nếu may mắn gặp một người đứng đắn, thật lòng thì quá tốt rồi, nhưng nếu vô tình vướng phải một mối quan hệ “không đi đến đâu” thì quả thật nên "buông đôi tay nhau ra" trước khi cả hai cùng mệt mỏi.


9. So sánh bản thân với người khác, Ganh tỵ với thành công của người khác

Có thể nói so sánh chính là kẻ cắp đánh cắp thời gian, năng lượng và niềm vui của bạn. Nó cũng là một trong những kẻ thù lớn nhất luôn cản bạn có thể tiến về phía trước trên chính con đường riên của bản thân. Một người luôn so sánh, hơn thua với người khác sẽ không bao giờ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc với cuộc sống của chính bản thân mình. Nếu bạn đang trải qua những cảm xúc tồi tệ khi so sánh cuộc sống của mình với người khác mỗi ngày thì có lẽ đã đến lúc phải thoát khỏi cái “vòng xoáy địa ngục” ấy rồi đấy.

Mình biết, đây không phải là chuyện dễ dàng gì, và chính mình đến bây giờ vẫn thỉnh thoảng cảm thấy khá tệ hại khi so sánh mình với người khác. Nhưng bằng tất cả những điều mình đã rút ra mình có thể giảm cảm xúc đấy ít đi từng ngày một, mình dần công nhận và ngưỡng mộ người khác thay vì ghen tị với những thành công của họ. Điều này khiến mình cảm thấy thoải mái, trân trọng những điều mình đang có cũng như tập trung vào những điều quan trọng trong cuộc sống và giá trị sống của bản thân.


Bạn có thể đọc thêm về tác hại của việc so sánh và cách khắc phục điều đó ở bài viết này nhé:

10. Nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO – Fear Of Missing Out)

FOMO (Fear of missing out) – nỗi sợ bỏ lỡ một điều gì đó, sợ bị lãng quên là một hình thức tự tra tấn tâm lý do chính trí tưởng tượng của con người tạo ra, đặc biệt là trong giới trẻ hiện nay. FOMO còn là khát vọng trải nghiệm một thứ gì đó, nó được sinh ra không phải do những gì bạn muốn có mà bởi nỗi sợ bạn sẽ mất những thứ mình chưa hề có. FOMO vô hình khiến bạn lãng phí một số lượng lớn thời gian và năng lượng để làm những việc mình thậm chí không cần làm và không có ý nghĩa gì đối với bản thân mình.

Bạn có thể đọc thêm về các biểu hiện của FOMO và cách thoát khỏi FOMO mà mình đã phân tích kỹ trong bài viết này nhé.


… Còn tiếp


Còn rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta luôn cảm thấy không đủ nhưng vẫn lãng phí thời gian và năng lượng nữa nhưng mình sẽ chia sẻ trong bài viết tiếp theo nhé. Hi vọng bài viết này phần nào đã giúp bạn nhận ra một vài vấn đề trong cách sử dụng thời gian và năng lượng của bản thân để từng bước khắc phục chúng.

“Top 15 Things Money Can’t Buy: Time. Happiness. Inner Peace. Integrity. Love. Character. Manners. Health. Respect. Morals. Trust. Patience. Class. Common sense. Dignity.” ―Roy T. Bennett,The Light in the Heart


“Thy và những câu chuyện nhỏ” #107

05/06/2020

295 views0 comments
bottom of page