SAU 7 CÔNG VIỆC LÀM THÊM, 2 LẦN THỰC TẬP VÀ HƠN 1 NĂM LÀM VIỆC TOÀN THỜI GIAN...
Thật sự, có nhiều hơn những bài học mình muốn chia sẻ sau khi trải qua nhiều công việc, từ bán thời gian đến toàn thời gian, từ làm văn phòng đến làm tự do, từ làm công ty nhỏ đến công ty đa quốc gia, nhưng cũng có rất nhiều điều khó thể diễn tả lại bằng lời! Bài viết này mình đã bắt đầu viết từ khá lâu, nhưng chưa quyết định publish vì mình nghĩ bản thân chưa có quá nhiều kinh nghiệm, những điều này cũng chưa thật sự đầy đủ những điều mình muốn truyền tải và chưa được trau chuốt quá sâu sắc.
Nhưng như thế nào mới là đủ, như thế nào mới gọi là sâu sắc? Mình hiểu, đây không phải là một góc nhìn toàn diện mà chỉ là góc nhìn của riêng cá nhân mình, có thể đúng có thể không với bạn, vì có những chuyện trong đời không thể nào phân biệt rạch ròi “trắng và đen” được. Vì thế, ở bài viết này mình chỉ muốn đưa đến một góc nhìn cá nhân để bạn có thể nhìn vào và tham khảo, cũng như suy nghĩ sâu hơn về 2 chữ "đi làm" mà thôi.
Điều thôi thúc mình publish bài này hơn cả là vì đây cũng là những điều mình muốn viết ra để tự nhắc nhở bản thân mỗi khi gặp phải vấn đề trong công việc. Hi vọng đây cũng sẽ đóng góp một phần vào hành trang chuẩn bị đi làm của bạn.
Rất nên đến trước giờ hẹn vì ở một số môi trường, đúng giờ rất có thể sẽ là đi muộn.
Sự lo lắng, bất định trong công việc giống như một cái ghế bập bênh: nó khiến bạn có việc gì đó để làm, nhưng chẳng đưa bạn đến đâu cả!
Thêm một chút tiền sẽ không làm bạn thêm vui vẻ và hạnh phúc như bạn nghĩ.
Chất lượng công việc, kinh nghiệm ở một lĩnh vực cụ thể quan trọng hơn số năm làm việc.
Những chuyện không thể làm được phải phản hồi, đừng “ảo tưởng” về năng lực của bản thân.
Những chuyện đã qua không nên nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần.
Không có gì nổi bật, cả về năng lực lẫn kỹ năng mềm sẽ rất dễ bị đào thải.
Đi làm không phải là một chuỗi ngày chấm công, bạn cần quan tâm đến chính sách phúc lợi và các cơ hội phát triển của mình.
Những hành động nhỏ có thể ghi điểm lớn như ăn nói chừng mực với đồng nghiệp và khách hàng, giữ cửa thang máy, giữa cửa cho người đi sau, giúp đỡ đồng nghiệp những việc trong khả năng của mình…
Đừng nên kỳ vọng vào sự công bằng quá nhiều, dù bạn làm việc ở môi trường nào vẫn có thể gặp phải gây hấn thụ động, gaslighting (thao túng dựa trên cái nhìn chủ quan tiêu cực và vô căn cứ) hay được đánh giá không xứng đáng với năng lực và những gì bạn đã cống hiến.
Đi làm để phát triển bản thân chứ không phải tìm kiếm sự công nhận từ người khác!
Mình không đi đến đây để rồi dừng ở đây, nếu có dừng cũng cần một lý do thật sự thuyết phục.
Có thể bạn sẽ gặp những đồng nghiệp “tôn thờ” sự nghiệp và không quá quan tâm đến những điều khác, và đó là chuyện rất bình thường!
Hãy nhìn công việc như điều bạn làm chứ không phải là đó danh tính của bạn. Bạn làm một việc không tốt không có nghĩa là bạn không có năng lực.
Có những việc nhìn bên ngoài thấy đơn giản nhưng khi bạn làm lại lại thấy nó vô cùng đồ sộ, khó khăn và điều đó sẽ liên tục xảy ra trong giai đoạn mới bắt đầu làm việc gì đó.
Cân bằng cuộc sống trong giai đoạn mới bắt đầu sự nghiệp là một điều không tưởng.
Đừng đánh giá thấp giá trị của bất kỳ kỹ năng nào, bạn sẽ cần đến nó trong một tương lai gần.
Dành thời gian để lắng nghe và nắm bắt những điều cốt lõi hơn là những điều quá sâu xa, khó với tới so với tầm nhìn hiện tại của bạn.
Tất cả những gì bạn sẽ làm không phải lúc nào cũng giống hệt như những gì bạn đã từng học.
Tất cả những công việc phải được chốt lại bằng email/tin nhắn xác nhận. Hãy luôn nhớ điều này nếu bạn không muốn phải chịu thiệt thòi!
Đừng luôn miệng phàn nàn về tất cả mọi thứ xung quanh, đặc biệt với những người không quan tâm bạn!
Đừng vội vàng đánh giá mọi việc, trắng và đen rất khó phân định ngay cả đó đã là chuyện tai nghe mắt thấy.
Hãy biết cách nói "không" khi cần thiết, đừng cố ôm quá nhiều việc, đừng cố tỏ ra cái gì cũng biết!
Đừng ngại phản hồi hay đặt câu hỏi với những vấn đề bạn không rõ, kể cả việc nhỏ nhất!
Bạn sẽ có thể phải làm việc với những người mà bạn không thích, nhưng hãy nhớ đó chỉ là công việc. Điều này có lẽ khác xa những gì bạn đã từng nghĩ đúng không?
Hãy tìm cho mình một người cố vấn, càng trưởng thành bạn sẽ càng nhận ra điều này cực kỳ quan trọng.
Hiểu rõ bản thân đang trong tình huống nào, cố gắng tách bản thân ra khỏi hoàn cảnh, kiểm soát cảm xúc, tôn trọng người khác và tôn trọng sự khác biệt.
Vấn đề là giải quyết vấn đề chứ không phải là tìm ra ai là người gây ra vấn đề đó.
Tử tế với mọi người nhưng phải thật sự cẩn thận chọn đúng người để tin tưởng!
Cuối cùng, đừng đem thái độ và tâm trạng tiêu cực về nhà và trút lên những người yêu thương bạn!
Vì bài này mình bắt đầu viết từ khá lâu, có thể, một số câu từ trên đây sẽ bị ảnh hưởng từ những câu nói hay mình vô tình đọc được trong sách hoặc những người khác nên mong các bạn thông cảm mình vì mình không có lưu lại các nguồn trích dẫn. Nhưng đây hoàn toàn là những điều mình đã chiêm nghiệm được từ rất nhiều công việc khác nhau như đã đề cập và muốn chia sẻ nhiều hơn đến các bạn, các em theo dõi blog của mình.
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #142 20/10/2021
Comments