Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa thực sự đang dần “đánh cắp” công việc của trong người trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, theo lịch sử phát triển của nghề nghiệp, những thay đổi công nghệ đang diễn ra sẽ không chỉ làm mất đi những công việc “cũ” của con người, mà sẽ cùng lúc đó tạo ra nhiều việc làm khác trong các lĩnh vực khác nhau. Khi đó, thách thức ở đây không phải là liệu robot hay trí tuệ nhân tạo sẽ khiến chúng ta trở nên tụt hậu và mất việc, mà là liệu chúng ta có vượt qua thử thách học hỏi những gì cần thiết để duy trì sự phù hợp với sự phát triển liên tục sắp tới của thế giới hay không. Khi bạn trở thành một người học tập suốt đời và liên tục trau dồi các kỹ năng mới, bạn hoàn toàn có sức mạnh để đối mặt với tương lai công việc chứ không phải nỗi sợ mất việc và hoang mang về tương lai của mình.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần từ bỏ quan niệm cũ rằng việc học dừng lại khi bạn tốt nghiệp trung học phổ thông, lấy bằng đại học. Trong quá khứ, điều này có thể đủ để đạt được và giữ một công việc tuyệt vời cho đến khi bạn nghỉ hưu. Nhưng khái niệm trở thành một người học đã thay đổi. Không còn là khái niệm học, làm, nghỉ hưu.
Trong môi trường làm việc ngày nay, học tập suốt đời đảm bảo sự tiến bộ, thích nghi và sẵn sàng trở thành những người lãnh đạo trong tương lai của tổ chức. Một người học tập suốt đời là người tiếp tục đạt được các kỹ năng và năng lực mới trong những năm còn là học sinh, sinh viên và ngay cả khi đã đi làm. Không những thế, một người học tập suốt đời sẽ luôn tìm kiếm cơ hội để mở rộng kiến thức và hiểu biết của họ. Trong khi bằng cấp giúp ích cho sự nghiệp, thì sự tò mò và tư duy phát triển lại gợi mở những tiềm năng trong tương lai của bạn.
Tại sao học tập suốt đời quan trọng hơn bao giờ hết?
Thị trường lao động đã thay đổi đáng kể trong những thập kỷ qua. Quá trình số hóa và toàn cầu hóa dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng khi tuyển dụng nhân tài mới. Các công ty chọn những người làm việc tự do hoặc bán thời gian hơn là việc thuê một nhân viên thông qua việc ký hợp đồng nhiều hơn bao giờ hết. Họ chọn người lao động dựa trên kỹ năng hơn là bằng cấp chính thức hoặc chức danh công việc. Thêm vào đó, thực tế các kỹ năng cần thiết thường xuyên thay đổi khi công nghệ tiến bộ và việc nhà tuyển dụng tập trung vào việc thu hút nhân tài hơn là một người lao động bình thường là có lý do. Họ cần những người có khả năng tiến bộ liên tục, thích ứng và học tập suốt đời.
Học tập suốt đời quan trọng hơn bao giờ hết vì kinh nghiệm và hiểu biết chung chung không thể cạnh tranh với sự thành thạo và tiến bộ liên tục. Ngay cả việc bạn đã thành thạo một kỹ năng cũng sẽ không đảm bảo việc làm lâu dài. "Thời hạn sử dụng" của các kỹ năng đang giảm dần theo năm tháng. Nếu bạn từ bỏ việc học sau khi đã thành thạo một kỹ năng, bạn cũng sẽ trở nên vô dụng trong lực lượng lao động tương lai.
Vậy làm thế nào để trở thành một người học suốt đời?
Đây là quá trình liên quan đến việc điều chỉnh thái độ và nỗ lực, có thể sẽ gây khó khăn cho bạn lúc ban đầu. Tuy nhiên, khi đối mặt với những thay đổi sâu rộng và nhanh chóng của toàn cầu, học tập suốt đời sẽ là cách tốt nhất để duy trì sự phù hợp với tốc độ thay đổi đó. Dưới đây sẽ là một số sách có thể hỗ trợ bạn trên con đường trở thành một người học tập suốt đời:
1. Phát triển Tư duy tăng trưởng
Những câu nói như “Tôi không thể” hoặc “Tôi sẽ không bao giờ” của một tư duy cố định thường là những “lời tiên tri” tự ứng nghiệm với cuộc sống của họ.
Mặt khác, người có tư duy tăng trưởng sẽ chấp nhận những thách thức, thay đổi trên con đường đạt được mục tiêu của mình. Hãy chấp nhận rằng việc đạt được kỹ năng đòi hỏi nỗ lực, và việc cải thiện năng lực là hoàn toàn có thể thực hiện được.
2. Chịu trách nhiệm với tương lai của bạn
Quá nhiều người đang đổ lỗi cho hệ thống giáo dục, ngành nghề của họ. Thay vào đó, khi bạn làm chủ quyết định, hành động của mình, bạn hoàn toàn có khả năng thực hiện những thay đổi độc lập với bất cứ điều gì đã xảy ra trong quá khứ của mình.Những người học tập suốt đời tìm kiếm cơ hội vì lợi ích và sự phát triển của họ bởi vì họ hiểu rằng họ có quyền và trách nhiệm để quyết định sự tiến bộ của mình.
3. Khám phá và theo đuổi đam mê của bạn
Nếu bạn chưa có đam mê với công việc hiện tại của mình, hãy tìm ra đam mê của bạn là gì, và sau đó làm những gì cần thiết để đưa nó vào cuộc sống của bạn. Hãy thử tìm niềm đam mê ngay trong công việc hiện tại của bạn chứ không cần phải tìm một công việc khác để làm. Điều gì làm cho công việc của bạn có ý nghĩa? Đạt được điều gì sẽ khiến bạn cảm thấy hài lòng? Hãy dành thời gian để nhìn vào bên trong và tìm ra giá trị mà bạn có thể mang lại cho công việc của mình. Là một người học tập suốt đời, sự phát triển cá nhân không chỉ là khám phá ra niềm đam mê của mình mà còn cách kết hợp nó vào ngay cả những việc bình thường nhất. Có thể nói, niềm đam mê thúc đẩy việc học hỏi hơn bất cứ điều gì.
4. Vượt ra ngoài sự hài lòng của chính bạn
Cảm giác hài lòng khi công việc đầu tiên của bạn đã quá tốt là khá lỗi thời trong thời điểm hiện tại. Sự hài lòng này mang lại cảm giác an toàn giả tạo mà bạn cần phải vượt qua để trở thành một người học tập suốt đời. Sự hài lòng là kẻ thù của thành công khi mà mọi thứ đang thay đổi quá nhanh trong hầu hết các lĩnh vực.
Cách để vượt ra khỏi vùng an toàn là việc đào sâu các kỹ năng bạn đã đạt được để thực hiện các nhiệm vụ hiện tại hiệu quả hơn và phát triển kỹ năng chuyên môn để mở ra cánh cửa cho các vai trò và vị trí mới trong tương lai.
5. Làm chủ việc học của mình
Người học suốt đời có động cơ học tập và phát triển bởi vì họ muốn đó là một hành động có chủ ý và tự nguyện.
Trong cuốn sách Master it Faster: How To Learn Faster, Make Good Decisions and Think Creatively, Colin Rose sử dụng phương pháp MASTER để mô tả 6 giai đoạn là chìa khóa để trở thành một người học tự chủ và hiệu quả. Các giai đoạn này có thể được áp dụng cho bất kỳ hình thức học tập nào, dù là học chính khóa hay tự học.
Motivation - Động lực
Học tập suốt đời đòi hỏi động lực của bản thân. Bạn cần cảm thấy tích cực về việc học và về khả năng học hỏi của mình. Nếu bạn vẫn đang đấu tranh để tìm ra động lực của việc học những gì bạn đang học, bạn có thể sẽ không học tốt môn học hay lĩnh vực đó.
Acquire - Tiếp thu
Học tập hiệu quả đòi hỏi bạn phải tiếp thu thông tin thông qua đọc, nghe, quan sát, thực hành, thử nghiệm và trải nghiệm. Thông tin có ở xung quanh bạn, hãy thu thập thông tin có liên quan và có ý nghĩa với cuộc sống của bạn, sau đó học hỏi và tiếp thu các thông tin này và biến nó thành kiến thức và kỹ năng của bạn.
Search - Tìm kiếm sự kết nối
Học tập sẽ hiệu quả khi bạn có thể tìm kiếm sự kết nối cá nhân với thông tin mà bạn tiếp thu được. Bạn khó nhớ các sự kiện nếu không hiểu hoặc không thể đặt chúng vào ngữ cảnh liên quan đến bản thân mình.
Trigger - Tạo ra điểm kích hoạt
Bạn không thể và sẽ không nhớ tất cả những gì bạn đọc, nghe và trải nghiệm. Nhưng bạn có thể giúp kích hoạt hồi ức theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, bạn có thể ghi chép, thực hành, thảo luận và thử nghiệm những ý tưởng và kỹ năng mới để giúp bạn kích hoạt lai kiến thức cũ và phát triển chúng.
Examine - Kiểm tra
Bạn nên thường xuyên kiểm tra kiến thức của mình để giúp củng cố trong đầu những gì bạn đã học. Hãy luôn cố gắng giữ một tâm trí cởi mở, đặt câu hỏi về sự hiểu biết của mình và cởi mở với những kiến thức mới. Nói chuyện với người khác và nhìn nhận quan điểm của họ có thể là một cách hiệu quả để kiểm tra nhận thức và hiểu biết của bạn về một chủ đề.
Reflect - Phản tư
Bạn nên suy ngẫm và phản tư về việc học của mình. Dành thời gian suy nghĩ về cách thức và lý do học của bạn, bao gồm cả cảm nhận về một chủ đề hoặc tình huống cụ thể, trước và sau khi bạn tiếp thu nó. Bên cạnh đó, hãy học hỏi từ những sai lầm cũng như những thành công của bạn và luôn cố gắng giữ thái độ tích cực.
Tóm lại, học tập suốt đời không chỉ giúp nâng cao hiểu biết của chúng ta về thế giới xung quanh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn cung cấp ngày càng nhiều cơ hội tốt hơn trong thời đại toàn cầu hóa như hiện tại. Quá nhiều tiềm năng và cơ hội như thế, vậy tại sao chúng ta không trở thành một người học tập suốt đời đúng không?
*Disclaimer: Bài viết có sự tham khảo, tổng hợp từ các bài viết chuyên môn kết hợp với trải nghiệm và hiểu biết của riêng bản thân mình. Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết đó ở đây nhé:
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #137
21/09/2021
Comments