top of page
  • thythylittlethings

TỰ HỌC TIẾNG ANH (P3): DUY TRÌ ĐỘNG LỰC VÀ KỶ LUẬT NGAY CẢ KHI "KHÔNG PHẢI THI"

Một sai lầm mà mình đã từng mắc phải trong việc học tiếng Anh và những lĩnh vực khác chính là mình phải học nó vì mình phải thi, phải qua môn, phải được điểm cao... nói chung là tất cả những lý do mà không phải là mục đích muốn thu thập thêm kiến thức và kỹ năng cho chính bản thân mình trong một chặng đường lâu dài hơn. Chính vì thế, khi phải trải qua thất bại trong một cuộc thi hay bị điểm thấp trong một bài kiểm tra mà mình đã ôn rất kỹ, mình đều cảm thấy không còn một tí động lực nào nữa để tiếp tục duy trì việc tự học của mình tiếp. Hay thậm chí, những lúc mình đã đạt điểm cao, đã đạt một thành tích nhất định, thì mình lại có cảm giác "ngủ quên trên chiến thắng" mà không tiếp tục học tiếp nữa. Tất cả những điều này khiến động lực tự học của mình ngày một giảm dần cho đến khi mình nhận ra một điều "Có hiểu biết chính là từng bước biết những gì mình từng không biết" và mình đang còn không biết rất nhiều thứ. À thì ra lâu nay mình chỉ mới biết một vài hạt cát trên sa mạc rộng lớn mà thôi, mình chỉ đang ở trong vùng an toàn của chính bản thân mình mà không biết trời cao đất rộng thế nào.

Thế nhưng, nhận ra tình trạng của bản thân là một chuyện, tìm ra cách để thoát khỏi chúng lại là một chuyện hoàn toàn khác. Với mình, mọi thứ đều phải đi từ việc: "Mình làm việc đó để làm gì? Nó có phải là điều quan trọng với mình không? Mình gọi đó là mục đích của việc học hay động lực tự thân mà mình đã đề cập khá kĩ trong bài viết này:


Nhưng bên cạnh nguồn động lực ấy chúng ta vẫn cần thêm những nguồn động lực đang hiện diện ngay bên cạnh mình mỗi ngày và đặc biệt là phải tự kỷ luật bản thân mình mỗi ngày. Đó cũng là lý do mình muốn viết thêm bài viết này để chia sẽ kỹ hơn với mọi người về lợi ích của việc tự học, cách bắt đầu học và biến việc tự học thành thói quen, cách tìm thêm nguồn động lực từ bên ngoài và tự kỷ luật bản thân để tự học hiệu quả.


Có lẽ ở bài viết này, mình sẽ không nói về số lượng từ vựng bạn cần học để thành thạo tiếng Anh, thời gian phải bỏ ra mỗi ngày để luyện nghe, luyện viết, luyện đọc,… vì nó sẽ phụ thuộc vào mức độ quan trọng của tiếng Anh đối với bạn. Sẽ không có một phương pháp nào là đúng nếu như bạn không cảm thấy nó cần thiết với mình và không có động lực nào để thực hiện chúng. Và dĩ nhiên, không có một lộ trình nào phù hợp cho tất cả mọi người, vì thế thay vì phải luyện tập theo lộ trình của người khác vạch ra sẵn, mình chọn cách luyện tập có chủ đích, có kỷ luật theo cách riêng của mình. Dưới đây là những kinh nghiệm do cá nhân mình tích lũy rất có thể sẽ hữu ích với bạn trong việc tự học tiếng Anh, nhưng nhớ là hãy chọn lọc thật kỹ trước khi áp dụng nhé!


Lợi ích của việc tự học

Ở đây, mình không có ý nói việc được người khác dạy hay luyện thi ở các lò luyện là không tốt bởi mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau. Bài viết này, mình xin phép chỉ bàn về cách tự học vì cá nhân mình thấy nó mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực:

  • Thứ nhất, bạn sẽ tiết kiệm được một số tiền khổng lồ có thể lên đến vài chục triệu cho việc học tiếng Anh của mình vì có nhiều trường hợp phải bỏ ra rất nhiều tiền để học nhưng vẫn không mang lại hiệu quả mong muốn. Nếu gia cảnh bạn tốt, có đủ tiền để đầu tư cho bạn thì mình không nói, còn đối với những bạn gia cảnh bình thường hoặc khó khăn thì tiền là một vấn đề rất lớn cần phải cân nhắc.

  • Thứ hai, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian vì không cần phải mất một lượng lớn thời gian cho việc di chuyển và đặc biệt là phải học những thứ mình không thích, không phù hợp với mình, và có thể sau đó vẫn không cảm thấy mình tốt lên hay thay đổi gì cả.

  • Thứ ba, kỹ năng tự học là một kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21, nếu bạn có thể tự học tốt tiếng Anh, bạn rất có thể cũng tự học tốt những lĩnh vực còn lại trong cuộc sống.

  • Cuối cùng, không nói đâu xa, bạn sẽ kiểm soát được cách học của mình, nguồn kiến thức mình tiếp thu và cách phân bổ thời gian sao cho phù hợp với bản thân mình.


Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc tự học cũng có không ít những khó khăn, có thể kể đến hai trở ngại lớn nhất chính là không có động lực và không có kỷ luật. Chính vì thế, trước khi quyết định tự học bất cứ một kỹ năng, kiến thức nào đó, bản thân mỗi chúng ta phải tự xây dựng cho mình động lực tự thân và biến việc học trở thành thói quen, tự tạo kỷ luật và kiên trì theo đuổi việc tự học của mình.


Cách mình tự học tiếng Anh

Một lần nữa mình xin nhắc lại đây không phải là một lộ trình học tiếng Anh, mà đây là cách mình luyện tập có chủ đích. Nếu bạn đang mong đợi mình chia sẻ cách luyện nghe, nói, đọc, viết và luyện đề như thế nào để thi được điểm tốt thì rất tiếc những gì mình sắp chia sẻ có thể làm bạn thất vọng. Nhưng nếu bạn muốn tìm một cách học đơn giản, thoải mái, tự nhiên, như một thói quen hay như một phần của cuộc sống hằng ngày, thì đây chính là bài viết có thể truyền cảm hứng cho bạn.


1. Loại bỏ những suy nghĩ sai lầm về việc học tiếng Anh

  • Học tiếng Anh cần có tài năng: Thật sự thì chúng ta đều có cấu tạo não giống nhau và cũng có khả năng học như nhau, chỉ khác ở chỗ mức độ quan trọng và kỷ luật của bạn với việc học như thế nào mà thôi.

  • Phải có một môi trường tốt mới có thể học tốt: Nói đúng hơn là môi trường tốt sẽ góp phần vào việc học của mình nhưng không nhất thiết là phải cần đến một mội trường tốt mới có thể học tốt. Nhưng thật ra 3 từ "môi trường tốt" khá mơ hồ, có những môi trường sẽ tốt với người này nhưng lại không thật sự tốt với người kia. Bằng chứng là mình từng gặp rất nhiều bạn học ở những trung tâm danh tiếng, học phí rất cao hay được học Đại học ở môi trường giao tiếp quốc tế, tuy nhiên tiếng Anh của những bạn ấy vẫn không quá giỏi hơn so so với những bạn học ở môi trường Đại học bình thường và tự học.

  • Học tốt tiếng Anh thì nhất định phải có một tấm bằng Ielts/Toeic với số điểm cao ngất ngưỡng: Trừ khi mục đích học tập của bạn là tấm bằng đó, và bạn cần nó để phục vụ những mục tiêu tiếp theo trong cuộc sống, còn không thì bạn chỉ cần học tiếng Anh đến một mức mà bạn cảm thấy đủ để phục vụ cho công việc và những thứ quan trọng hơn với mình trong cuộc sống. Thước đo điểm số sẽ ảnh hưởng đến chúng ta trong một vài trường hợp nhưng khả năng thực sự của mình mới là cái giúp mình tiến về phía trước. Đây là lý do, mình dành rất thời gian cho việc giải đề mẫu trước khi thi vì mình muốn biết năng lực thực sự của mình đang ở đâu, để từ đó có thể cải thiện và phát triển chứ không phải là vì may mắn ôn trúng đề và thi điểm cao tức là cho rằng năng lực của mình đúng là như thế.

  • Tiếng Anh tốt thì nhất định phải giao tiếp tốt: Một vấn đề gây tranh cãi, bạn thấy tiếng Anh của mình cũng khá ổn rồi nhưng bạn vẫn không giao tiếp được tốt như những gì mình đã biết. Thứ nhất nếu bạn làm một ngành nghề không có nhu cầu giao tiếp nhiều mà chỉ cần viết và đọc hiểu tiếng Anh thôi… thì đích đến của bạn không phải là giao tiếp quá tốt mà là trau dồi tốt 2 kỹ năng kia trước. Thứ hai, có rất nhiều nhân tố khác tác động tới việc giao tiếp, bên cạnh ngôn ngữ bạn cần đến sự tự tin, và tin vui là nó có thể luyện tập được.


2. Cách mình tìm thêm động lực học tiếng Anh từ bên ngoài

Như mình đã đề cập ở trên, chắc hẳn bạn cũng biết chúng ta sẽ cần đến 2 loại động lực, 1 là động lực bên trong và còn lại sẽ là động lực bên ngoài tác động. Động lực bên trong không có gì xa lạ chính là bản thân bạn tạo ra, là mục đích học tiếng Anh của bạn, cái thứ có thể kéo bạn lại nếu như bạn mất tất cả động lực từ bên ngoài. Cái động lực thứ 2 sẽ là những tác động bên ngoài có thể vực dậy tinh thần học tập của bạn, không nhất thiết ai cũng cần đến nguồn động lực này, nhưng với mình nó cũng góp quan trọng trong việc thúc đẩy mình. Hãy cùng nhau nhớ lại một vài nguồn động lực nhỏ bé và đơn giản luôn ở ngay bên cạnh mình:

  • Những người thân trong gia đình: Đây sẽ là những người khuyến khích tinh thần bạn, hay đơn giản là họ đang cần bạn dịch giùm họ một đoạn quảng cáo, một hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh, em bạn cần bạn chỉ nó làm bài tập hay cách phát âm sao cho đúng,…

  • Những người bạn và đồng nghiệp: Có thể những người đang cùng trình độ văn hoá nhưng chưa chắc cùng trình độ ngoại ngữ với bạn, bạn có thể học theo những người giỏi hơn mình cũng như chỉ dẫn lại những người chưa giỏi bằng mình…

  • Những người có ảnh hưởng với mình: Hãy tưởng tượng đến một ngày bạn có cơ hội gặp thần tượng của mình, tuy nhiên bạn không thể nói gì với họ vì bất đồng ngôn ngữ xem sao?…

  • Sở thích của bản thân: Giả sử bạn thích đọc sách nhưng nó chưa được dịch sang tiếng Việt, bạn thích xem phim nhưng nó chưa có phụ đề tiếng Việt hay bạn thích đi du lịch vòng quanh thế giới nhưng bạn không thể giao tiếp với người dân bản địa,... quả là những viễn cảnh không vui chút nào nhỉ?!


Và còn rất nhiều nguồn động lực khác bạn có thể tìm thấy xung quanh mình. Tất cả những thứ trên sẽ phần nào tạo ra động lực tự học tiếng Anh cho bạn đấy!

Một điều quan trọng mà mình phải nhấn mạnh nữa là hãy ngừng liên lạc với những người làm bạn mất động lực, kể cả mạng xã hội hay ngoài xã hội. Và bạn cũng đừng làm điều đó với người khác nhé, hãy cùng là những người văn minh!


3. Cách mình bắt đầu và biến việc tự học tiếng Anh thành một thói quen

Có thể bạn đang chờ một thời điểm thật hoàn hảo để bắt đầu việc học tiếng Anh, nhưng thật buồn là chờ mãi vẫn chưa thấy cái ngày đó xảy ra. Mình cũng từng như thế nên mình hiểu rất rõ tình trạng "trì hoãn" đó. Theo những gì mình trải nghiệm thì thời điểm thích hợp nhất để học tiếng Anh là lúc mình hiểu được tầm quan trọng của nó, có thể là tại đây và ngay lúc này.

Có một cách chọn thời điểm mà có lẽ ai cũng đã từng biết đến nhưng vẫn chưa làm được, đó chính là hãy học bất kể khi bạn có muốn học hay không. Mình biết thời gian buổi sáng sẽ tốt cho việc ghi nhớ, mình biết thời gian buổi tối sẽ tốt cho việc tập trung nhưng mình cũng biết mình sẽ không thể học nếu mình không muốn học. Nan giải nhỉ, làm thế nào để học khi đầu óc thì lại không muốn học? Câu trả lời chính là hãy biến việc học trở thành một thói quen trong cuộc sống của bạn, hãy học như không học, học như thể không có một thế lực nào đang ép bạn phải học vậy.


Một số việc nhỏ mình đã và đang áp dụng để có thể biến việc học tiếng Anh trở thành một thói quen trong cuộc sống hằng ngày:

  • Đặt nhạc chuông báo thức bằng một bài hát tiếng Anh mình yêu thích

  • Chuyển ngôn ngữ điện thoại, laptop và mạng xã hội sang tiếng Anh

  • Đọc sách, báo, blog, tài liệu bằng tiếng Anh mỗi khi rảnh

  • Xem phim, youtube, nghe nhạc, nghe podcast bằng tiếng Anh mỗi ngày

  • Lưu tâm tới những gì liên quan đến bạn như sở thích, đồ vật, cây cối… và tự hỏi bản thân xem mình biết tiếng Anh nó gọi là gì hay chưa


4. Cách mình tự kỷ luật bản thân

Vậy còn nếu mình muốn học, mình muốn xây dựng thói quen nhưng mình vẫn chưa làm được thì sao? Câu trả lời là hãy bắt đầu với việc "Tự kỷ luật bản thân".

Theo từ điểm Cambridge thì Tự kỷ luật bản thân hay Self-discipline là: Khả năng có thể tự khiến bản thân làm những thứ mình cần làm ngay cả khi bạn không muốn làm nó. Cái này thật sự rất cần thiết với một số bạn xem việc học tiếng Anh là "một cơn ác mộng" và không muốn học tí nào nói chi đến việc tự học. Tuy nhiên, chúng ta đều biết một điều "không có thành công nào bền vững nếu như thiếu kỷ luật". Để làm bất cứ việc gì, không chỉ riêng tự học, mình đều đặt việc kỷ luật bản thân lên hàng đầu vì mình biết không có kỷ luật thì mình rất dễ bỏ ngang cho dù động lực mình lớn lao đến cỡ nào. Về sự tự kỷ luật, có lẽ mỗi người chúng ta nên có cho mình những quy tắc riêng, phù hợp với mục đích và khả năng của bản thân vì không có một quy tắc nào là hoàn hảo và phù hợp với tất cả mọi người. Khi đặt ra những quy tắc riêng cho bản thân, sau đó thực hiện, chúng ta cũng cần dành thời gian nhìn lại xem nó có hiệu quả hay có quá tải với mình hay không, từ đó điều chỉnh cho phù hợp nhất.

The real difference between Motivation and Self-discipline is that Motivation is you craving for success, Self-discipline is success craving for you.

Lấy một ví dụ nhỏ từ chính bản thân mình:

Nếu một ngày bình thường phải đi làm hay đi học, mình sẽ đặt kỷ luật là: Học từ vựng 5 phút trên app Drops, hoàn thành 5 bài tập trên ELSA (khoảng 5-7 phút), lấy được 20XP trên Duolingo (5-10 phút), học các mẫu câu giao tiếp 5 phút trên Cake và đọc ít nhất 1 trang sách/bài báo/bài blog bằng tiếng Anh (khoảng 5 phút). Vậy là một ngày bình thường mình sẽ dành ra khoảng từ 25-30 phút cho việc học và củng cố tiếng Anh của mình. Còn nếu là một ngày cuối tuần hay rảnh rỗi, mình sẽ dành nhiều thời gian hơn để học và cải thiện đầy đủ 4 kỹ năng nghe nói đọc viết của mình.


Nói về tự kỷ luật thì không biết bao giờ mới hết, tuy nhiên sau quá trình tự kỷ luật và gò bản thân vào một cái khuôn thì mình đã rút ra được một vài kinh nghiệm mình "xương máu" để tự học tiếng Anh hiệu quả mầ không bị cảm thấy chán nản hay quá tải và "muốn bùng cháy" như sau:

  • Hãy đặt mục tiêu phù hợp với năng lực và quỹ thời gian của bản thân: Mỗi ngày có thể một ít thôi, nhưng duy trì và lặp lại mỗi ngày sẽ tốt hơn là dành cả 10 mấy tiếng học xong hôm sau đuối quá bỏ ngang. Bước chậm nhưng bền vững!

  • Mình không nhất thiết phải tuân thủ tất cả những luật lệ mình đặt ra 365 ngày/năm: Không phải là mình đặt ra mỗi ngày học 20 từ mới, học ít nhất 30 phút trên ngày hay đọc xong 20 trang sách tiếng Anh thì mình bắt buộc phải hoàn tất hết mới được đi ngủ. Đừng ép mình vào đường cùng, bạn sẽ tự chán cái cách học mà bạn tạo ra nhanh thôi!

  • Hãy học những thứ mà mình thích chứ đừng học những thứ người khác thích, bạn có cuộc sống riêng của mình và cách học cũng không nhất thiết phải giống ai cả: Bạn thích tìm hiểu về phong cách sống, về tâm lý, về kinh tế, xã hội,… thì đừng cố tìm hiểu về tình cảm, hoạt hình, truyền thuyết, môi trường,… Nếu bạn cố gắng làm những thứ mình không thích, rất có thể bạn sẽ quay ra ghét bản thân mình luôn chứ đừng nói chi là việc học tiếng Anh.

  • Đối diện với khả năng thật sự của mình: Bạn ngại tiếp xúc với những thứ bạn không hiểu rõ, học tiếng Anh cũng thế, nếu bạn biết bạn sẽ rất hứng thú nhưng nếu không biết nó rất chán. Để không ngại nữa bạn phải vượt qua nỗi sợ của chính mình bằng cách đối diện với nó, vì bạn biết đấy trong thế giới hiện đại này bạn không thể trốn tránh tiếng Anh mãi được.


Điều cuối cùng mình muốn nói là "Đường dài mới biết ngựa hay", phải biết chấp nhận những thất bại tạm thời cũng như biết nhìn xuống với những thành công chớp nhoáng mình mới có tiến bộ, phát triển trong những lĩnh vực mình muốn chinh phục chứ không riêng gì việc tự học tiếng Anh. Hãy giữ cho mình 4 chữ: Động lực, nỗ lực, kỷ luật và kiên trì bạn nhé!



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #103

27/05/2020

450 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page