top of page
  • thythylittlethings

SÁCH: 21 BÀI HỌC CHO THẾ KỶ 21 – YUVAL NOAH HARARI

CHUẨN BỊ BẢN THÂN TRƯỚC NHỮNG THAY ĐỔI CỦA THẾ KỶ 21....


Những ngày cách ly toàn xã hội vừa qua bạn đã làm được gì rồi? Riêng mình thì rất vui khi đã đọc xong một vài quyển sách hay trong đó có quyển “21 bài học cho thế kỷ 21” của tác giả Yuval Noah Harari. Vì thế hôm này quyết định dành thời gian viết bài review để mọi người tham khảo và cùng đọc để có thể chuẩn bị bản thân thật tốt trước những thay đổi của thế kỷ 21.


“21 bài học cho thế kỷ 21” – 21 lessons for the 21st century là sự tiếp nối của hai quyển sách nổi tiếng trước đó của Yuval Noah Harari là Sapiens Homo Deus. Nếu như hai quyển sách trước đó ông đề cập đến lược sử loài người trong quá khứ và lược sử loài người ở tương lai thì với quyển sách này Yuval Noah Harari lại đi sâu vào những gì đang diễn ra ở hiện tại, ngay lúc này. Đây cũng là quyển sách được Bill Gates giới thiệu trên trang blog GatesNotes của ông và sau đó được đăng tải trên tờ The New York Times.


Theo tác giả, loài người chúng ta đang trải qua thời kỳ phát triển nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Chính sự biến đổi nhanh chóng này đã làm cho cuộc sống hiện đại của chúng ta đảo lộn và ẩn chứa nhiều mối lo ngại khiến chúng ta không thể yên giấc. Nếu trước đây, con người chỉ phải đối mặt với những vấn đề như thiên tai, việc ăn mặc, sinh sống…những vấn đề chỉ mang ảnh hưởng cho một vài nhóm người cụ thể, thì giờ đây chúng ta đang phải đối mặt với cá vấn đề mang tính toàn cầu. Có thể kể ra như chủ nghĩa khủng bố, nguy cơ chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu hay việc trí tuệ nhân tạo đang gây rối loạn đến kinh tế và chính trị… Câu hỏi đặt ra chính là: “Cho đến nay, đâu là những thách thức lớn nhất và những thay đổi quan trọng nhất? Chúng ta nên chú ý vào điều gì? Chúng ta nên dạy trẻ em điều gì?" Tất cả sẽ được giải đáp thông qua các chương sách trong quyển sách này.


Tóm tắt các chương sách:

Phần I: Thách thức công nghệ:

“Loài người đang mất niềm tin vào câu chuyện của chủ nghĩa tự do, huyền thoại đã thống trị nền chính trị toàn cầu trong những thật kỷ gần đây, đúng khi sự hợp nhất giữa công nghệ sinh học và công nghệ thông tin đang đặt ra các thách thức lớn nhất mà con người từng gặp phải.”

1. Vỡ mộng: Sự chấm dứt của lịch sử đã bị trì hoãn

2. Việc làm: Khi lớn, có lẽ con sẽ chẳng có việc mà tìm

3. Tự do: Dữ liệu lớn đang quan sát bạn

4. Bình đẳng: Ai nắm dữ liệu sẽ nắm lấy tương lai


Phần II: Thách thức chính trị

“Sự hợp nhất của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học đang đe doạ những giá trị cốt lõi của tự do và bình đẳng. Bất cứ giải pháp cho thách thức công nghệ cần phải đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu. Nhưng chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo và văn hoá đang phân chia loài người thành những nhóm thù địch và khiến việc hợp tác quốc tế cực kỳ khó khăn.”

5. Cộng đồng: Cộng đồng con người có cơ thế

6. Văn minh: Chỉ có một nền văn minh trên thế giới

7. Chủ nghĩa dân tộc: Vấn đề toàn cầu đòi hỏi giải pháp toàn cầu

8. Tôn giáo: Các vị thần linh bây giờ phụng sự quốc gia

9. Nhập cư: Một số nền văn hoá có thể tốt hơn những số khác


Phần III: Thất vọng và Hy vọng

“Mặc dù phải đối mặt với những thách thức chưa từng có với những bất đồng rất căng thẳng, loài người có thể vượt qua cơn bĩ cực này nếu chúng ta kiểm soát được nỗi sợ và khiêm tốn hơn một chút về quan điểm của mình.”

10. Chủ nghĩa khủng bố: Đừng hoảng loạn

11. Chiến tranh: Đừng đánh giá thấp sự ngu ngốc của con người

12. Khiêm tốn: Bạn không phải là cái rốn của vũ trụ

13. Chúa: Đừng nhân danh Chúa trong hư vô

14. Chủ nghĩa thế tục: Thừa nhận bóng tối của bạn


Phần IV: Sự thật

“Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp và bối rối bởi những vấn nạn toàn cầu mới, bạn đang đi đúng hướng. Quá trình toàn cầu hoá đã trở nên quá phức tạp với khả năng hiểu biết của bất cứ ai. Làm thế nào bạn có thể biết sự thật về thế giới, và tránh là nạn nhân của tuyên truyền và thông tin sai lệch?”

15. Vô minh: Bạn không giỏi như bạn nghĩ

16. Công lý: Cảm giác công lý của chúng ta có thể đã hết hạn

17. Hậu sự thật: Một số “tin giả” tồn tại mãi mãi

18. Khoa học viễn tưởng: Tương lai không giống như phim ảnh


Phần V: Sức bật

“Bạn sẽ sống sao trong kỷ nguyên của rối loạn, khi những câu chuyện cũ đã sụp đổ và chưa có một câu chuyện nào mới xuất hiện để thay thế chúng?”

19. Giáo dục: Thay đổi là thứ duy nhất không thay đổi

20. Ý nghĩa: Cuộc đời không phải một câu chuyện

21. Thiền định​: Chỉ quan sát thôi



Những vấn đề đáng chú ý được bàn trong sách khiến mình ấn tượng và mở mang đầu óc:

1. Con người chi phối công nghệ hay công nghệ đang thao túng con người? Ở đây tác giả cũng phân tích sâu về các vấn đề như: Công nghệ đang gây rối loạn như thế nào đến kinh tế, tài chính và chính trị; Việc công nghệ phát triển dẫn tới Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) như thế nào; Việc học ngoại ngữ có còn thực sự cần thiết nếu như Google có thể dịch một cách chuẩn xác các câu nói của con người trên toàn thế giới? Chúng ta trao quyền cho nó để cuộc sống chúng ta tiện lợi hơn, tuy nhiên khi đã quá quen với nó, thậm chí chúng ta chẳng còn biết suy nghĩ. “Cái gì không biết ta tra Google”, câu nói này có quen thuộc không ạ? Chắc chắn rồi!

2. Phương tiện truyền thông, trong đó có Facebook góp phần vào sự phân cực chính trị bằng cách cho phép người dùng chỉ tương tác với những người chung quan điểm.


3. Những khám phá mới trong lĩnh vực khoa học thần kinh đang đem lại cho máy tính khả năng thay thế con người. Liệu trí thông minh nhân tạo có dần trở nên tốt hơn con người trong các ngành nghề cần tới “trực giác” của con người như luật pháp, ngân hàng,..? Nhiều khả năng câu trả lời là “có”.


4. Con người hiện đại đang mắc vào một thứ mà những nhà khoa học gọi là “ảo tưởng kiến thức”? Đó là, cá nhân con người thường nghĩ họ hiểu biết nhiều đơn giản vì họ cho rằng những kiến thức của người khác cũng là những gì họ biết. Hậu quả của ảo tưởng kiến thức là những người đưa ra ý kiến về những việc mang tính chất tầm cỡ như chính sách xã hội hay biến đổi khí hậu như thể những vấn đề đó có thể dễ dàng được giải quyết bằng một vài dòng bình luận của họ cho dù họ còn không hiểu mưa được tạo ra như thế nào.


5. Trường học cần phải dạy cho học sinh nhiều về tư duy hơn thay vì tập trung nhồi nhét thông tin. Vấn đề của con người hiện đại không phải là việc thiếu thông tin mà là việc quá nhiều thông tin sai lầm đang hiện diện đầy rẫy trên mạng. Thế kỷ 21 đòi hỏi ở con người không chỉ là kiến thức mà còn là kỹ năng mềm để có thể nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi như: Tư duy phản biện (critical thinking), Giao tiếp (communication), Hợp tác (collaboration) và Sáng tạo (creative thinking).


6. Chúng ta đang đi tìm ý nghĩa cuộc sống của mình thông qua dân tộc, tôn giáo hay ảo tưởng của chính mình nhưng lại quên đi ý nghĩa thật sự của cuộc đời mình. Tác giả cũng nhấn mạnh chúng ta không tồn tại để bảo vệ một tôn giáo, một dân tộc nào, bởi không có chúng ta thì thế giới vẫn thế thôi. Lý do tồn tại duy nhất của chúng ta là sống cuộc sống của mình ở thực tại mà thôi.


7. Cuộc sống ở thế kỷ 21, con người cần đến chánh niệm (thiền) – hiểu sâu sắc bản thân hơn.


8. Cuối cùng câu hỏi lớn được đặt ra bên cạnh việc chúng ta nên phản ứng thế nào đến hàng loạt những hiện tượng thời đại như tác động trí thông minh nhân tạo (AI), khủng bố, nhập cư, robot và tự động hoá? Sẽ ra sao nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sinh học hay đứt gãy công nghệ? Chính là “Cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa gì trong các thập kỷ và thế kỷ tới?”

Phải nói, đây là một quyển sách hàm chứa một lượng kiến thức khổng lồ mà chúng ta phải nghiền ngẫm đủ nhiều, đủ lâu mới có thể hiểu hết được. Mặc dù tên quyển sách là 21 bài học cho thể kỷ 21, nhưng thực chất đúng hơn là những lời cảnh tỉnh xen lẫn những bài học và sâu sắc nhất là 2 bài học về cách thức giáo dục và ý nghĩa của cuộc đời chúng ta.

Có lẽ, khi đọc quyển sách chúng ta sẽ có đôi chút lấn cấn và khó hiểu về một vài giả thiết trong lịch sử hay những vấn đề về chính trị, tôn giáo được tác giả đề cập có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Nhưng tựu chung lại, đây vẫn là một siêu phẩm về các vấn đề của nhân loại và vấn đề của chính bản thân chúng ta trong thế kỷ 21 này. Thế giới sẽ ra sao và mỗi chúng ta cần chuẩn bị bản thân như thế nào trước những thay đổi của thế kỷ 21?



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #92

15/04/2020

562 views0 comments
bottom of page