Thành thật mà nói từ trước đến giờ, mình là một người khá rạch ròi giữa công việc và tình cảm, làm ra làm chơi ra chơi. Nếu mình cần tìm một người hay một nhóm để chơi cùng lâu dài thì chắc chắn mình sẽ cân nhắc kỹ về tính cách, lối ứng xử có phù hợp với mình không, có vui vẻ không, còn một khi mình đã xác định đó là công việc thì chắc chắn yếu tố mình đặt lên hàng đầu là kết quả công việc chứ không phải một nhân tố nào khác. Mình cũng rất hiếm khi vì chuyện cá nhân đại loại như: thái độ của người đó đối với riêng mình không tốt, hay người đó từng bị nhiều người khác đánh giá ứng xử kém… mà chưa có kiểm chứng đã quyết định không làm việc với họ luôn. Nghe sơ qua thì đây là cách làm việc thiếu tình cảm, tuy nhiên với mình mỗi chúng ta đều nên có nguyên tắc trong công việc để tránh bị người khác “đánh tráo chủ đề” giữa vấn đề cá nhân và vấn đề công việc mỗi khi có vấn đề nảy sinh.
Mình cũng rất hiếm khi sẽ chấp nhận những cái cớ kiểu như hôm nay vui, buồn, bực tức, căng thẳng ra sao để viện dẫn vào công việc nên mình cũng hạn chế đến mức tối thiểu làm những điều đó với người khác. Vì hơn hết, nếu một việc nào đó gây khó chịu cho bạn thì ắt hẳn cũng sẽ gây khó chịu với người khác. Khi thực sự vào một cuộc làm việc, hầu như mình chỉ giải quyết và tranh luận đối với những chuyện thật sự đi thẳng vào vấn đề như: Làm như thế nào cho hiệu quả, việc đó có khả thi hay không, làm được hay không được, muốn làm hay không muốn làm, có khắc phục được hay không, tác động của việc đó là ít hay nhiều…
Tuy nhiên, cuộc đời luôn không như là mơ, đối với công việc, bạn rất khó có thể tránh khỏi những tình huống thay vì tranh luận và phản biện để giải quyết vấn đề thì đang yên đang lành “bỗng dưng muốn cãi”.
Một vài trường hợp thường gặp
Một vấn luôn nhan nhãn trong các tổ chức, đội nhóm chính là truyền đạt và phân công công việc theo kiểu viện dẫn yếu tố tình cảm để đánh đòn tâm lý nhưng lại không “khéo”, mang tính chất ép buộc và gây bức xúc cho người được phân công. Một số ví dụ về tình trạng lợi dụng quyền lực, lợi dụng sự cảm tính và hiệu ứng đám đông như: Cái này mình làm được thì bạn cũng phải làm được chứ! Cái này ai cũng làm tại sao bạn lại không chịu làm? Bạn không làm việc này thì ai sẽ làm? Mình làm việc này thì bạn sẽ làm việc kia nhé!...
Tiếp theo là “Lý lẽ chẻ đôi”, người nói luôn cố gắng phân định vấn đế thành hai giá trị có hoặc không: Hoặc là bạn hợp tác với tôi hay là bạn đang cố ý chống tôi, bạn chọn hướng nào? Hoặc là bạn làm lại từ đầu hoặc là bạn không cần làm nữa!...
Một loại tranh luận gây mệt mỏi rất nhiều cho người nghe nữa mang tên “Điệp khúc”. Đối phương luôn cho rằng một lí lẽ càng được lặp đi lặp lại nhiều chừng nào thì nó sẽ được người ta chấp nhận là đúng. Do đó, họ chỉ lặp đi lặp lại những phát biểu, bất kể đúng sai ra sao, cho đến khi người đối thoại mệt mỏi không còn muốn nghe nữa và buông xuôi chấp nhận. Hoặc thậm chí, sẽ luôn dùng sai lầm từ rất lâu trước đó của bạn ra để làm lý lẽ chỉ trích bạn trong những việc không liên quan khác.
Với trải nghiệm và quan sát của mình thì bất cứ ai bị ép vào những tình huống như thế này, một là nếu họ là người quá nhạy cảm, họ sẽ lập tức không chịu nổi và rời tổ chức để không bao giờ phải đối mặt với những kiểu tranh luận phi logic đó nữa. Hai là tuýp người chịu đựng, họ vẫn cam chịu làm nhưng với thái độ gượng ép thì dĩ nhiên hiệu quả công việc sẽ chẳng đi đến đâu, thậm chí là sẽ kéo cả tổ chức đi xuống luôn. Còn một trường hợp nữa là những người không đặt tình cảm vào công việc như mình thì vừa nghe mấy câu đó mình đã thấy cứ có gì đó sai sai và rất bất hợp lý rồi. Nhưng nói thật, mình cũng không thích kiểu phản bác vô nghĩa đại loại như: “Đừng ỷ bạn là… rồi muốn nói gì thì nói” hay “Tôi chẳng có lý do gì phải làm việc bạn nói”…
Cách giải quyết
"Sông càng sâu càng tĩnh lặng, lúa càng chín càng cúi đầu."
Đây là một câu mà mình luôn tâm niệm khi bỗng dưng vô duyên vô cớ rơi vào những tình huống "bỗng dưng muốn cãi" trong một cuộc tranh luận. Sự thật thì, đa số những người có khả năng nhận diện được vấn đề khi mình đang bị đánh đòn tâm lý, họ sẽ không chọn cách im lặng khinh bỉ hay phản đối khiếm nhã, họ sẽ tìm cách phù hợp giải quyết vấn đề. Hãy phân biệt rõ, tĩnh lặng hay im lặng đúng lúc, rất khác với chuyện phải im lặng cam chịu. Để cuộc tranh luận có kết quả tốt, chúng ta phải biết lắng nghe, phải có tư duy phản biện và phải có quy trình chứ đừng "im lặng khinh bỉ" hay “cãi chày cãi cối”.
Hãy khởi động một cách nhẹ nhàng và phải thật tỉnh táo khi tiếp nhận bất cứ câu nói nào của người khác trong một cuộc tranh luận hay một cuộc phân công khá “khó chịu” kể trên. Hãy cảnh giác và lắng nghe với sự tôn trọng xem họ đang đóng góp xây dựng hay cố ý đánh đòn tâm lý bạn bằng những câu nói mỉa mai, châm biếm và đặc biệt hơn là kiểu nói chuyện “như đúng rồi”.
Tiếp theo, cố gắng giữ bình tĩnh cả về tâm lý lẫn cử chỉ, hít thật sâu, mỉm cười, mở mắt nhìn thẳng vào mắt đối phương xem thái độ của họ ra sao. Nói chung là theo trải nghiệm của mình, những người ngay thẳng, đàng hoàng thì chẳng có gì khác lạ đâu nhưng đối với người không ngay thẳng và thiếu lý lẽ xác đáng thì hiển nhiên họ sẽ ấp úng và biểu hiện khác lạ khi bạn nhìn thẳng vào mắt họ.
Bày tỏ sự ghi nhận ý kiến của người khác và thể hiện sự đánh giá cao ý kiến của họ một cách chân thành nếu nó đúng với hoàn cảnh đó. Và dù có như thế nào thì cũng đừng cố tỏ thái độ bực tức khó chịu, vì như thế là biểu hiện của sự dính “đòn” và là người thiếu văn hóa trong cách ứng xử.
“Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh.”
Dùng lý lẽ, dẫn chứng khách quan, hợp lý để phân tích và phản biện nếu những điều đối phương nói là bất hợp lý và đang cố tình dồn bạn vào thế “bí". Để dẫn dắt một cuộc tranh luận, thường đối phương sẽ tìm cách đưa đẩy cuộc đối thoại sao cho bạn sẽ cảm thấy rằng những điều mà họ muốn bạn làm chính là vấn đề của bạn chứ không phải sự áp đặt của họ. Đồng ý là bạn rất dễ dàng nhận biết được “chiêu trò” này nếu có đủ trải nghiệm nhưng hãy biết cảm thông với những mong muốn của đối phương. Ai cũng có lý lẽ và những mong muốn của riêng mình, rất có thể họ cũng không hề cố ý dẫn đến một cuộc tranh cãi mà chỉ do họ thiếu khả năng truyền tải thông tin của chính mình mà thôi. Đồng thời, hãy thiết lập những luận cứ vững chắc, cố gắng dẫn đến điểm tranh luận rằng có những khả năng sẽ có lợi cho cả hai, tức là thắng - thắng, chứ không phải thắng - thua.
Còn nếu những gì đối phương đang nói đích thực là lỗi lầm của bạn thì dĩ nhiên điều cần làm là thừa nhận sai lầm, chịu trách nhiệm và tìm biện pháp giải quyết hợp lý rồi. Khi cuộc nói chuyện trở nên nóng hơn thì bạn càng cần phải bình tĩnh, thay đổi cách nói chuyện và ngữ điệu phù hợp để có thể làm tình hình sáng sủa hơn. Cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình, đừng “bật khóc” hay “xù lông nhím”. Mình biết chuyện này cực kỳ khó đối với các bạn nhạy cảm luôn, nhưng nếu làm được một lần thì lần sau khó có ai có thể làm bạn “nghiêng ngả” nữa.
Đồng thời, nếu những tranh cãi đang diễn ra là những điều quá vụn vặt thì tốt nhất chúng ta nên nhường bước trước và cho qua để khỏi lãng phí thời gian và năng lượng của đôi bên. Trong một cuộc tranh cãi, thường hiếm có ai chịu lắng nghe hay học hỏi điều gì. Tuy nhiên đó cũng không phải là điều không thể nào xảy ra, nếu bạn có khả năng giữ bình tĩnh tốt và nhường bước để người khác chiến thắng nhất thời thì thực tế nó sẽ dẫn đến sự chiến thắng cho cả đôi bên.
“Nói chi thêm một câu
Gieo bao nhiêu muộn sầu
Có nhiều khi im lặng
Lại chính là phép màu.”
(Tĩnh lặng)
Những thứ chúng ta không nên làm để tránh cuộc tranh luận “đi xuống hố sâu”:
Công kích cá nhân: “Tôi không muốn làm việc với bạn vì nhìn mặt bạn thấy chữ “ngu” trên mặt rồi!
Ngụy biện đe dọa: "Tôi tin rằng, dưới sức ảnh hưởng của các mối quan hệ tôi có, tôi sẽ khiến bạn trở nên thê thảm hơn bao giờ hết" (*nghe rùng mình luôn í)
Phản bác vô nghĩa: “Tôi không muốn tranh cãi với bạn vì tôi đang rất mệt mỏi với con bạn cùng phòng!”
Tóm lại, trong một cuộc tranh luận hay phân công cho mục đích công việc, thì cuối cùng ắt hẳn chúng ta nên trả nó về trạng thái đúng đắn của nó thay vì để nó đi quá xa thành một cuộc tranh cãi hay bắt buộc lẫn nhau. Những người đủ khôn ngoan và tinh tế sẽ đều biết ý thức về sự ưu tiên, chúng ta ngoài công việc còn có rất nhiều điều khác cần quan tâm, thời gian và năng lượng cũng không có thừa để ngồi đôi co, tranh cãi mãi nhưng không giải quyết được bất cứ vấn đề công việc gì cả. Đồng thời, hãy biết dừng lại đúng lúc khi bạn cảm nhận cuộc tranh luận bắt đầu vô bổ và đi quá xa có thể làm sứt mẻ các quan hệ, hãy luôn là người chủ động chấm dứt cuộc tranh luận nếu có thể.
Mình biết, nếu như bạn đang làm việc với những người rất hiểu chuyện và môi trường chuyên nghiệp, văn minh thì sẽ rất ít có thể xảy ra những câu chuyện này. Tuy nhiên, nếu chỉ mới là sinh viên, trong lúc làm việc nhóm, làm việc câu lạc bộ, các đội nhóm nhỏ… chỉ toàn những người cùng trang lứa hoặc chỉ lớn hơn mình 1, 2 tuổi, không phải ai cũng đủ trường thành để nhận diện được vấn đề, thì chắc chắc những cuộc tranh cãi tương tự như thế này sẽ xảy ra, thậm chí xảy ra liên tục. Vì thế, mình muốn chia sẻ cách mình đã áp dụng để ứng phó và giải quyết trong rất nhiều cuộc tranh luận và hoàn toàn hiệu quả, ít nhất là nó sẽ giúp mình không trở nên khó chịu, hay bực tức đến “không ngủ được”. Dù có như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng nên phân biệt rõ ràng giữa công việc và chuyện cá nhân để không phải bị ảnh hưởng cảm xúc bởi những cuộc tranh cãi không đáng có như mình kể trên. Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn.
Đừng để tranh luận biến thành tranh cãi, đừng để phân công biến thành ép buộc.
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #111
18/06/2020
Comments