top of page
thythylittlethings

BÍ QUYẾT ĐỂ MÌNH HỌC ÍT VẪN GIỎI Ở ĐẠI HỌC

Làm sao để giỏi nhưng không phải học nhiều ở Đại học? Làm sao để mình vừa tốt nghiệp bằng giỏi, có bằng Toeic 700, tích lũy 25 ngày tình nguyện, tham gia nhiều khóa học kỹ năng, vừa làm Phó chủ nhiệm câu lạc bộ, làm 7 công việc làm thêm, làm 2 công việc thực tập và có việc làm chính thức tại công ty Đa quốc gia trước cả khi tốt nghiệp?


Mình thấy có nhiều bạn, nhiều em chia sẻ nhiều cách học rất hay, rất chăm chỉ, ghi bài kỹ lưỡng, nhưng hình như những cách này không dành cho mình. Không biết có ai đi học Đại học mà rất ít ghi bài, ít làm bài tập, ít cày khuya như mình không nữa. Nhưng mà đó là chuyện có thật, không phải vì bận đi làm thêm, tham gia câu lạc bộ, đi tình nguyện hay đi chơi gì cả, mà vì mình học cách biết đủ với mong đợi của chính mình và quan trọng là cảm giác thoải mái khi học.


Có 3 điều mình phải thừa nhận trước khi mọi người tham khảo những dòng chia sẻ dưới đây là: Thành tích học tập của mình không quá xuất sắc mà chỉ đủ đáp ứng mong đợi của bản thân như đã đề cập (GPA 8.15/10), mình không học theo kiểu chăm chỉ “cày ngày cày đêm” để học tất cả mọi thứ và mình đã xác định từ đầu “Việc học Đại học không phải chỉ để học” mà còn là tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm.


Nếu bạn đã rất chăm chỉ và nỗ lực mà vẫn cảm thấy không ổn, không cải thiện được thành tích và trải nghiệm học tập, hãy thử áp dụng những cách này:


1. Ưu tiên tập trung đọc sách và học chắc những điều căn bản, nền tảng của môn học.


2. Chủ động tự học những điều ít người biết, những kiến thức nâng cao và có tính thực tiễn liên quan đến môn học đó.


3. Học và đọc sách dựa trên vấn đề bạn tò mò và muốn mở rộng hiểu biết (Problem-based learning), thay vì học tất cả mọi thứ, giải tất cả bài tập về nhà trong sự quá tải.

Sự thật thì, hồi học Đại học, có rất nhiều môn mình chỉ học và giải 20% bài tập trọng điểm trong tổng thể những thứ học trên lớp nhưng khi thi giữa kỳ và cuối kỳ vẫn có thể đạt trên 8 điểm và thậm chí là điểm tối đa. Lúc đó, mình chưa biết về quy tắc 80/20, nhưng sau này khi tìm hiểu và ngẫm nghĩ, đây cũng là một ví dụ của việc áp dụng nguyên tắc 80/20.


4. Quản lý thời gian một cách tối ưu

Một điều cũng không kém phần quan trọng để có thể học ít mà vẫn giỏi ở Đại học của mình là học cách quản lý thời gian một cách tối ưu nhất. Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao bản thân biết rất nhiều phương pháp và công cụ quản lý thời gian nhưng vẫn không hiệu quả? Tìm hiểu và áp dụng phương pháp quản lý thời gian “quá trời quá đất” mà vẫn không có thời gian rảnh để đi chơi, khám phá và tận hưởng cuộc sống ở Đại học? Mình cũng từng trải qua giai đoạn như thế, nên mình muốn chia sẻ với mọi người cách quản lý thời gian của mình thời sinh viên để giúp có “dư giả” thời gian cho việc đi làm thêm, tham gia Câu lạc bộ, vui chơi giải trí và phát triển bản thân:

  • Tối giản công cụ quản lý:

Hồi sinh viên mình tối giản một số công cụ như app Google Calendar để ghi chú các công việc mỗi ngày theo block thời gian (Phương pháp Time blocking), app Notes của điện thoại, sổ tay để ghi chú những việc cần làm trong ngày và app Forest để bấm giờ tập trung học tập, làm việc trong 25 phút (Phương pháp Pomodoro).

  • Đừng quá chú trọng hình thức:

Ví dụ hồi sinh viên mình dùng sổ tay Bullet Journal để ghi chú lịch học và nhiều thứ khác, nhưng mình không quá khuôn mẫu phải vẽ thật đẹp hay không được viết sai gì mới được. Mình chỉ đơn giản thiết kế sao cho bản thân dễ sử dụng và có động lực lên kế hoạch nhất có thể.

  • Linh hoạt thay đổi phương pháp quản lý theo từng công việc và giai đoạn khác nhau:

Điều mình học được sau khi tìm hiểu và vận dụng rất nhiều phương pháp quản lý thời gian khác nhau là đừng cứng nhắc phải dùng cố định hay phải dùng tất cả các phương pháp cùng một lúc. Nếu bạn có tìm hiểu về quản lý thời gian thì ngoài các phương pháp mình áp dụng, lại còn vô số các phương pháp khác như: Ma trận Eisenhower (quản lý thời gian theo tính chất công việc), Quy tắc 80/20 (Ưu tiên giải quyết 20% nhiệm vụ quan trọng nhất trước), Quy tắc 4 lò lửa (Trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, bạn cần lựa chọn đâu là thứ mình sẽ ưu tiên thời gian và công sức), Quy tắc Getting things done (Ghi lại - làm rõ - sắp xếp - thực hiện và duyệt lại những việc cần làm) và Quy tắc 2 phút (Với việc có thể hoàn thành trong 2 phút, hãy làm nó ngay lập tức)...


Chính vì càng có nhiều sự lựa chọn như thế, sẽ khiến bạn càng khó lựa chọn và cảm thấy rối khi áp dụng. Vì thế, bạn hãy thật sự tìm hiểu kỹ và lựa chọn phương phù hợp với từng hoàn cảnh, một cách linh hoạt nhất chứ đừng đâm đầu vào tất cả mà chỉ mới biết một cách qua loa.


  • Trân trọng và ăn mừng những bước tiến nhỏ của mình.

  • Dành thời gian nhìn lại, xem xét mình áp dụng những phương pháp đó vậy là tốt chưa.

  • Đừng so sánh với người khác, hãy chỉ so sánh với chính bản thân mình ngày hôm qua.


Nói về quản lý thời gian hiệu quả, có một lầm tưởng mà nhiều người, kể cả mình cũng từng mắc phải chính là quá khắc nghiệt với bản thân. Với điều này thời sinh viên mình cũng đã từng trải qua và tự dằn vặt bản thân, nhưng đến lúc đi làm chính thức mình mới thực sự nhận ra một cách rõ ràng: Cái gọi là quản lý thời gian hiệu quả chỉ có thể xảy ra trôi chảy một vài thời điểm, chứ không thể liên tục “như một cái máy”. Đôi lúc, ta chỉ có thể tối ưu hóa thời gian đến một mức giới hạn của riêng mình, khi khoảng thời gian đó và khối lượng công việc phù hợp với nhau.


Ví dụ: Nếu công việc đó cần làm trong 100h, bạn có thể cố gắng tối ưu hóa xuống còn 70-80h chứ không thể là 16h được. Ai cũng nói được, ai cũng chỉ trích được, nhưng có bao nhiêu người thông cảm cho chính bản thân mình và người khác?


Hi vọng bài viết này có ích cho bạn trong việc tìm hiểu cách học, cách quản lý thời gian phù hợp nhất với chính mình.


“Thy và những câu chuyện nhỏ” #168

27/04/2022

167 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page