top of page
thythylittlethings

VÌ SAO BẠN LUÔN CẢM THẤY CĂNG THẲNG VÀ QUÁ TẢI TRONG CÔNG VIỆC?

Không có gì lạ, khi những nơi làm việc càng hiện đại, hoạt động liên tục và siêu kết nối, chính là nơi có thời gian làm việc dài, căng thẳng và rất ít thời gian nghỉ ngơi, dẫn đến hàng loạt nhân viên cảm thấy làm việc quá tải. Và khi sự quá tải càng kéo dài, người ta sẽ cảm giác kiệt sức, giảm năng suất và tinh thần muốn rời tổ chức càng tăng. Đó là vòng luẩn quẩn không hồi kết về tỷ lệ luân chuyển nhân viên, xung đột tại nơi làm việc và chất lượng công việc giảm sút.


Những tác động tiêu cực của quá tải còn tràn vào mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân, dẫn tới sự suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các mối quan hệ xung quanh mình.


Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc có thể dễ dàng nhận biết, mà chính mình cũng từng trải qua:


1. Đặt kỳ vọng cao trong thời gian giới hạn

Điều này xảy ra đối với các tổ chức liên tục đặt thời hạn hoàn thành công việc ít hơn dự kiến ​​và yêu cầu nhân viên phải làm thêm giờ để hoàn thành mọi việc đúng thời hạn với chất lượng cao. Mặc dù tiền làm thêm giờ có thể thúc đẩy nhân viên trong một vài lần, nhưng nếu tình trạng vẫn kéo dài như thế, họ vẫn có thể rời công việc vì cảm giác mệt mỏi và quá tải.


2. Văn hóa hối hả

Văn hóa làm việc được tổ chức tạo ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhân viên của mình. Ví dụ, nếu một tổ chức có văn hóa hối hả, họ yêu cầu nhân viên đến làm sớm và ở lại muộn, phải nhận thêm công việc ngoài công việc chính của mình. Các hiệu quả công việc của nhân viên cũng sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí như họ có ở lại làm việc sau giờ hành chính hay không, họ có làm thêm công việc ngoài mô tả công việc của mình,...


Những điều này khiến các nhân viên cảm thấy có xu hướng phải làm theo và cảm thấy có lỗi khi không làm như vậy. Đặc biệt, đối với những nhân viên mới, họ sẽ cảm thấy rằng họ cần phải chứng minh giá trị của mình bằng cách làm việc nhiều giờ hơn và nhiều việc hơn những gì cần thiết.


3. Không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên

Giữa một thế giới bận rộn như hiện tại, thật dễ dàng để chúng ta rơi vào căng thẳng và “bùng cháy” bởi hàng tá nhiệm vụ, từ công việc, học tập, chăm sóc bản thân cho đến việc dành thời gian cho các mối quan hệ xung quanh. Thực tế, việc ưu tiên nhiệm vụ này hơn nhiệm vụ khác không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt khi tất cả các nhiệm vụ bề ngoài hầu như đều quan trọng.


Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên càng trở nên khó khăn hơn khi bạn không biết thiết lập ranh giới cá nhân và luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Thật vậy, nếu không có một “lộ trình” cụ thể để có thể thiết lập các ưu tiên, ta rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, rối loạn và quá tải với danh sách những việc cần làm của mình.


4. Mất tập trung

Tập trung là yếu tố quyết định giúp ta quản lý năng lượng và thời gian một cách hài hòa. Đó là cách tốt nhất để đạt được hiệu quả cả về thời gian và năng lượng cùng một lúc trong hầu hết mọi việc. Sự tập trung có thể giúp bạn làm được nhiều việc hơn với ít thời gian và công sức hơn việc cứ làm việc “quần quật” nhưng luôn trong trạng thái bị sao nhãng.


Việc cứ liên tục bị mất tập trung bởi email, tin nhắn, những lời nhờ vả từ đồng nghiệp khiến bạn không thể làm việc năng suất và tạo ra những kết quả chất lượng. Và khi mọi thứ cứ ùn ứ ở đó, ta càng lúc càng cảm thấy quá tải và chán nản công việc và chính mình.


5. Thiếu khả năng học hỏi và thích nghi với sự thay đổi

Khả năng học hỏi và thích nghi là yếu tố giúp bạn có thể nắm vững bất kỳ kiến ​​thức hoặc kỹ năng nào một cách nhanh chóng. Với tư duy đúng đắn và ngày một được nâng cấp, bạn sẽ không ngừng tiến bộ trong công việc và cuộc sống.


Thay vì chống lại sự thay đổi theo bản năng, để rồi thiếu kỹ năng, kinh nghiệm và rồi quá tải với hàng đống công việc, bạn hãy cố gắng thích nghi và nắm bắt những thay đổi, sau đó kết hợp chúng một cách nhanh chóng trong cuộc sống của mình.


6. Thiếu sự tự chủ

Tự chủ là khả năng đặt ra các mục tiêu rõ ràng, nhất quán và có kế hoạch đề ra cho bản thân đối với mọi khía cạnh trong cuộc sống. Nếu biết tự chủ chủ, bạn có thể hoàn thành kế hoạch công việc của mình mà không gặp khó khăn hay do dự.


Tính tự chủ giúp ta rèn luyện tính kỷ luật và quyết tâm đạt được bất cứ điều gì mình muốn. Nếu không có sự tự chủ, ta rất dễ đi lệch hướng trong công việc, ta dễ phức tạp hóa mọi vấn đề, dễ căng thẳng với những điều nhỏ nhặt trong công việc.


Việc nhận ra nguyên nhân dẫn đến sự quá tải và căng thẳng trong công việc của chính mình có thể giúp ta từng bước thay đổi và cải thiện năng suất làm việc cũng như có thêm thời gian cho cuộc sống của chính mình. Nếu bạn cũng đang rơi vào trạng thái quá tải và căng thẳng trong công việc, hãy mạnh mẽ và quyết liệt hành động để có thể sống và làm việc một cách lành mạnh hơn, bạn nhé!



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #162 29/01/2022

92 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page