Chuyện là hôm trước mình tình cờ đọc được một bài báo với thái độ khá gay gắt về vấn đề này...
Và thế là có cảm hứng muốn viết lại vài dòng bênh vực cho thế hệ 9X.
Thế thôi!
------------------------------
Chắc hẳn bạn cũng không còn gì xa lạ với những đánh giá từ mọi người xung quanh về thế hệ 9X, thế hệ đang đóng vai trò gần như chính yếu trong lực lượng lao động cũng như sự phát triển của đất nước hiện nay. Phải chăng người ta đang mong đợi quá nhiều từ thế hệ của chúng ta nên mới dành một sự chú ý đặc biệt đến thế. Với cương vị là một trong những người thuộc thế hệ 9X, mình cảm thấy khá khó chịu với sư quy chụp này, đồng ý là có rất nhiều người thật sự “thiếu vốn sống” nhưng không của nghĩa là chúng ta có thể mang những lời cay nghiệt đó áp đặt lên cả một thế hệ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, “bức xúc không làm ta vô can”, chúng ta cũng cần phải xem lại chính mình, ắt phải có gì đó “sai” mới khiến người ta “bắt lỗi” được. Bởi:
"Không có lửa làm sao có khói?"
Vậy lý lẽ nào cho sự quy chụp lên cả một thế hệ như thế?
Sẽ ra sao khi chúng ta đã và đang vừa là nạn nhân nhưng cũng lại vừa là thủ phạm cho sự quy chụp này?
1. Một thế hệ mà cuộc sống xoay quanh mạng xã hội
Không còn gì phải bàn cãi, khi 9X chính là tiếp xúc rất nhiều với mạng xã hội và vẫn đang sống xoay quanh mạng xã hội một cách tự nhiên và vô thức. Phải thừa nhận rằng, chúng ta có thể dành vài tiếng đồng hồ lướt mạng xã hội xem vài tin giật tít hay những điều không cần thiết trong cuộc sống thay vì học một kỹ năng mới hay một ngôn ngữ mới để hoàn thiện bản thân hơn.
Đáng buồn hơn, chúng ta chính là người mang chúng ta ra làm trò cười thông qua mạng xã hội, người muốn ghi lại cuộc sống của họ thông qua mạng xã hội, muốn chia sẻ kiến thức đến với mọi người thì bị gắn cái mác “sống ảo”. Bây giờ thì cái gì đăng lên mạng xã hội cũng bị chúng ta gọi là “sống ảo”, xong hỏi ra tại sao kì lạ như thế, thì do tự chúng ta biến mình thành những người thích dòm ngó, phán xét, quy chụp cuộc sống của người khác thay vì tập trung vào cuộc sống của chính mình.
Rồi sao nữa, mạng xã hội mang đến cho chúng ta “ảo tưởng” việc kết nối với mọi người xung quanh mà không cần thiết phải gặp nhau trực tiếp như trước nữa. Mình không phủ nhận mạng xã hội mang đến rất nhiều tiện ích trong việc kết nối, như việc chúng ta vẫn có thể nhìn thấy mặt nhau khi ở cách xa nhau vài trăm km. Tuy nhiên, điều đó vô tình biến kết nối thành mất kết nối, trong khi chúng ta ngồi cạnh nhau lại không nói chuyện mà lại lấy điện thoại ra lướt mạng xã hội, thậm chí không muốn gặp nhau nữa vì nghĩ đã có mạng xã hội giữ kết nối thay cho mình.
2. Một thế hệ mà việc làm không còn quá khó tìm như trước nữa
Bạn có từng nghe ba mẹ bảo: “Thôi, đi học Đại học làm gì, học ra cũng không có việc làm đâu.” Lúc trước mình cũng từng tin vào điều đó, nhưng không phải như vậy, xã hội chúng ta đang sống dường như không còn yêu cầu quá nhiều về một nhân viên thực thụ nữa. Có khi chỉ cần một chút kinh nghiệm, một tấm bằng cũng đủ để chúng ta tìm được một công việc mà không cần phải quá chật vật như trước nữa, cái này mình không kể đến các công việc yêu cầu chuyên môn quá cao. Thậm chí, trong thời đại công nghệ số đã rất phát triển như hiện nay, có quá nhiều ngành nghề mới xuất hiện, giúp con người ta không cần đến văn phòng mỗi ngày vẫn có thể kiếm ra tiền như Influencer, Streamer, Youtuber, Digital marketer, Content Creator...
Điều này đã dẫn đến một hệ lụy rất đáng sợ, đơn cử như mẩu chuyện xảy ra rất nhiều trong giới trẻ hiện nay dưới đây:
Một bạn nhân viên nọ vào làm việc trong một công ty, chưa được bao lâu thì nghỉ ngang không báo trước một lời, bỏ dở dự án và không hề bàn giao công việc, chỉ nhắn mỗi tin nhắn cho sếp: “Em nghỉ làm luôn rồi nha chị, chị đừng làm phiền em nữa!”. Hỏi ra thì mới biết mới thực tập mà đã có thói ngang ngược, bị sai đi làm mấy chuyện lặt vặt thì bảo học đại học ra chứ đâu phải đi làm chân sai vặt cho người khác. Nhiều lúc mình không thể bênh vực được thế hệ sinh viên chúng ta luôn, thiếu vốn sống một cách đáng sợ, nhưng đáng lo ngại hơn nữa chính là tình trạng này vẫn đang tiếp diễn ngày càng nhiều. Nếu bạn là một người đã từng trải nghiệm qua nhiều công việc như mình, bạn sẽ hiểu muốn đạt được một mức cao hơn trong bất cứ việc gì chúng ta đều phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất bởi:
“Không có những ngày tháng vất vả thì sẽ không bao giờ có những ngày tháng thành công.”
3. Một thế hệ mà cái gì cũng được giao đến tận nơi.
Nếu như lúc trước muốn thưởng thức một bữa ăn ngon, chúng ta cần phải dành cả buổi sáng ra chợ mua đồ về nấu hay chạy xe ra đường tìm một hàng quán nào để ăn, thì gì đây chỉ cần một cú chạm, một cuộc điện thoại thì vài phút sau đã có đồ ăn, nước uống mang đến tận của nhà, nếu không muốn nói là “dâng đến tận miệng”. Chính vì sự quá tiện ích đấy, mà người ta dần không thích vận động nữa, cứ nằm lướt điện thoại, rồi ăn, rồi ngủ, rồi tăng cân, rồi lại khổ sở tìm cách giảm cân. Mình đã từng rơi vào trường hợp tương tự như thế, nên mình hiểu cái tác động tiêu cực của việc lười vận động đến cả sức khoe và tinh thần của chúng ta là vô cùng đáng sợ.
Rồi một cái hệ lụy đáng sợ khiến thế hệ chúng ta thêm phần xấu hổ vừa xuất hiện gần đây chính là "bom hàng". Mình có xem được một câu khá hài hước và châm biếm về sự việc này như sau:
"Dạ, tại nãy nước sông nó cạn, giờ nước sông thủy triều lên cái nó đầy, Em tắt hứng em uống rồi. Dạ!"
Cái này không còn gọi là thiếu vốn sống nữa mà là không hề có luôn mới phải! Những câu chuyện rất vô lý nhưng vẫn nhan nhãn xuất hiện trong cuộc sống xung quanh thế hệ của chúng ta.
Đây chỉ là một vài nhân tố đáng lo ngại nhất mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp mỗi ngày về thế hệ 9X của chúng ta nhưng cũng đủ để cả một thế hệ “mang tiếng cuối đầu”. Điều đáng buồn ở đây chính là ai trong chúng ta cũng nhận ra được điều đó, nhưng nhận thức là một chuyện, hành động là một chuyện, người trẻ chúng ta mang tâm lý đám đông rất cao, lúc trước mình còn nghĩ:
“Thời này thì đứa nào không vậy, mình thay đổi thành ra một mới là đứa khác người.”
Nhưng rồi, sau những trải nghiệm trong cuộc sống và những kiến thức mình học được, mình đã nhận ra, chỉ cần chúng ta chịu thay đổi, dù chỉ thêm một người cũng được, không cần quá nhanh, không cần quá nhiều, chỉ cần không “thờ ơ” và ”chai mặt” cứ để người ta mãi quy chụp lên cả một thế hệ như vậy được!
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #37
21/08/2019
Comments