top of page
  • thythylittlethings

#SỐNG TỐI GIẢN - DIGITAL DECLUTTER - 7 NGÀY TỐI GIẢN HÓA ĐIỆN THOẠI VÀ MẠNG XÃ HỘI

Đôi lúc mình tự hỏi, mình có đang thực sự kiểm soát cuộc sống và công việc của mình không hay chính cái điện thoại mình luôn theo bên mình mọi lúc mọi nơi đang kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của mình, khiến mình cảm thấy sao nhãng và quá tải thay vì làm việc hiệu quả hơn như những gì mà mình từng nghĩ về tác dụng của smartphone. Mình chỉ mới bắt đầu dùng smartphone cách đây khoảng 4 năm, tuy nhiên chiếc điện thoại đó chỉ có bộ nhớ 8GB không thể hỗ trợ mình làm việc hiệu quả và năng suất nhưng cũng đồng nghĩa rằng nó không gây ảnh hưởng quá nhiều đến việc học tập, công việc và cuộc sống của mình như chiếc điện thoại mình sử dụng hiện tại. Sự thật thì trước khi đổi điện thoại mới, mình đã nghiên cứu rất nhiều về hiệu năng, bộ nhớ và những công cụ có thể tối ưu hóa trải nghiệm để làm việc và học tập hiệu quả hơn. Chính vì thế mình đã quyết định mua một chiếc điện thoại có bộ nhớ lên đến 128GB và tích hợp nhiều tính năng tối ưu ở thời điểm đấy, tuy nhiên cũng chính vì bộ nhớ quá lớn khiến mình càng lúc càng tích trữ nhiều hình ảnh, phần mềm, notes, tin nhắn… mà không cần phải sắp xếp hay xóa đi, điều đó khiến chiếc điện thoại của mình từ 1 công cụ hỗ trợ công việc và học tập trở thành 1 "bãi rác thông tin", khiến mình vô cùng mất thời gian khi phải tìm lại 1 tin nhắn hay 1 hình ảnh quan trọng nào đó.


Cách đây hơn nửa tháng, mình mở điện thoại lên và phát hiện số lượng hình đã lên đến gần 10.000 tấm và video, khoảng 20 app mà mình không bao giờ dùng đến, email còn khoảng 2000 mail chưa xem, tin nhắn cũng khoảng vài trăm tin, note và các file tài liệu nhiều vô số kể nhưng hầu hết là mình không cần đến nữa. Thật sự khủng hoảng, cũng chính vì chứa vô số những thứ không bao giờ cần đến nữa và ngại phải bỏ đi vì sợ “một ngày nào đó” nhỡ cần đến thì sao, nhưng sự thật thì cái ngày nào đó sẽ không bao giờ đến. Việc chứa quá nhiều thứ không cần thiết không những khiến điện thoại hoạt động kém đi mà còn khiến chúng ta dễ sao nhãng và mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm những thứ thật sự cần thiết với cuộc sống của mình. Về phần mạng xã hội, dù mình đã nhiều lần unfollow những người không quen biết và những trang thông tin vô bổ nhưng không hiểu sao lần này mình mở lên vẫn còn quá nhiều người lạ và những thông tin không cần thiết hiện trên trang cá nhân của mình khiến mình bị sao nhãng và tiêu cực. Chính vì thế nhân cơ hội những ngày còn rảnh rỗi ở nhà mình đã dành ra một tuần để “tổng dọn dẹp” điện thoại và mạng xã hội để có thể đơn giản hóa và sử dụng điện thoại một cách hiệu quả nhất. Bài viết này ghi lại quá trình mình đã dọn dẹp và biến chiếc điện thoại với hàng tỉ thứ không cần thiết trở nên tối giản khiến cuộc sống của mình trở nên đơn giản và tập trung hơn vào công việc thay vì cứ sao nhãng và mất kiểm soát như lúc trước:

Ngày 1: Chuyển màn hình khoá và màn hình nền về tối giản, xóa các ứng dụng không dùng đến

Lúc trước, mình chỉ toàn để hình nền điện thoại là cái mặt mình hay những tấm hình khá màu mè nên để tối giản điện thoại mình đã thay đổi hình nền khóa và màn hình chính bằng một nền đơn sắc và chứa hai câu quote nhắc nhở mình sống tối giản và sống cho chính mình hơn.

Về phần các phần mềm thì lúc trước mình có khoảng hơn 100 cái app trong điện thoại (bao gồm khoảng 40 cái có sẵn của hệ điều hành nên mới nhiều như vậy), đủ các loại app nhưng hầu hết mình không bao giờ sử dụng đến mà chỉ là thấy nó hay hay tải về để đó và nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ sử dụng chúng. Chính vì thế lần này mình đã xem lại tất cả các app và gỡ cài đặt các app mình không dùng trong vòng 3 tháng và cũng không có ý định sử dụng trong tương lai và kết quả là mình đã xóa được khoảng 20 cái app như thế. Hiện tại điện thoại mình còn khoảng hơn 80 app, trừ các app cố định của điện thoại ra thì hầu hết các app còn lại đều thật sự cần thiết hỗ trợ mình trong công việc, học tập và sở thích chụp ảnh của mình.


Ngày 2: Sắp sếp các ứng dụng vào các thư mục cụ thể và tắt thông báo các ứng dụng gây sao nhãng cũng như chuyển điện thoại về chế độ rung/ không làm phiền trong lúc làm việc

Đây là cách mình sắp xếp lại các ứng dụng trong điện thoại của mình hiện tại:

  1. Màn hình chính mình có 4 app mình hay sử dụng nhất: Điện thoại, Forest, Lịch và Máy ảnh.

  2. Màn hình thứ 2 mình có 5 nhóm app theo thứ tự như sau:.

  • Nhóm app liên lạc, mạng xã hội, mua sắm: 18 app (đa số là app có sẵn của Google, app mạng xã hội mình sẽ để vào trang sau của mục này để tránh nhìn thấy và bấm vào lướt trong vô thức)

  • Nhóm app công cụ: khoảng 25 app (đa số là app có sẵn trong điện thoại nên mình không gỡ cài đặt được).

  • Nhóm app học ngoại ngữ: 8 app

  • Nhóm app chỉnh sửa ảnh: 15 app

  • Nhóm app hỗ trợ tập trung và sáng tạo: 12 app (mình để ngoài cùng bên phải để dễ bấm nhất vì mình thuận tay phải)

Về chi tiết các ứng dụng và cách mình sử dụng chúng để tăng hiệu quả và năng suất làm việc cũng như giải trí mình sẽ chia sẻ cụ thể ở một bài viết khác để tránh dài dòng nhé.


Ngày 3: Dọn dẹp kho ảnh

Như đã đề cập ở trên, trước đó điện thoại mình chứa khoảng gần 10.000 tấm ảnh và video đủ các thể loại selfie, phong cảnh, hình tập thể, sách, bài học, những vật kỷ niệm,… mà nói thật nếu không xem lại mình còn không nhớ đã từng chụp những tấm ảnh đó. Có thể nói kho ảnh chính là nơi chiếm bộ nhớ thứ 2 trong điện thoại mình chỉ sau ứng dụng mà thôi, chính vì thế mình bắt đầu công cuộc tải các ảnh kỷ niệm lên Google Drive xóa tất cả những ảnh không cần thiết. Sau gần 3 tiếng đồng hồ tranh đấu cuối cùng mình đã xóa tổng cộng 8888 tấm ảnh và video, cảm giác thật sự nhẹ nhõm. Giờ đây trong điện thoại mình chỉ còn khoảng hơn 1000 tấm chứa những thứ thật sự cần thiết như ảnh gia đình, ảnh chụp tài liệu, giấy chứng nhận, những tấm ảnh cực kỳ kỷ niệm của mình và những tấm ảnh mình cảm thấy đẹp nhất mình từng chụp.


Ngày 4: Dọn dẹp mục ghi chú và các tệp tài liệu không dùng nữa

Một trong những phần mềm mình dùng nhiều nhất trong điện thoại nữa chính là Ghi chú (Note). Mình dùng ghi chú để ghi lại hầu hết các ý tưởng cho Blog, Bullet Journal, các quyển sách cần đọc, những bài hát hay, ghi chú công việc, những bài giảng của các thầy cô, các sự kiện quan trọng,… nói chung là tất tần tật mọi thứ cần ghi nhớ. Chính vì thế, mở ghi chú của mình ra, ôi trời khoảng hơn 300 cái ghi chú từ lúc mình mua điện thoại đến giờ mà mình chưa bao giờ xóa, điều này khiến mỗi lần mình muốn tìm một cái ghi chú quan trọng sẽ mất rất nhiều thời gian nên lần này mình quyết định xóa tất cả các ghi chú mình không bao giờ xem đến nữa và chỉ chừa lại những ghi chú thật sự cần thiết thôi, bất ngờ thay mình đã xóa hơn 250 cái ghi chú mà mình tích trữ bấy lâu nay trong điện thoại. Về phần thư mục và tài liệu, điện thoại mình chứa tất cả các tài liệu của các môn học từ 1 năm trước đến giờ từ sách, slide, đề thi cho đến các hồ sơ, kế hoạch và ebook mình hay đọc,.. thật sự rất rất nhiều và hầu hết hiện tại mình không dùng đến nữa vì thế mình cũng quyết định xóa đi hết chỉ chừa lại những ebook đang đọc và những tệp tin mình cần dùng đến ở hiện tại.


Ngày 5: Dọn dẹp danh bạ và tin nhắn

Trước đó điện thoại mình có khoảng 223 liên lạc nhưng thật sự không còn liên lạc nhiều đến thế. Lúc trươc mình hay nghĩ thôi cứ để đấy, sau này cần giúp đỡ hay gì thì còn có mà liên lạc, nhưng sự thật thì những người chúng ta không thường xuyên liên lạc sẽ không bao giờ trở thành đối tượng có thể giúp đỡ mình trong lúc khó khăn, hay san sẻ niềm vui nổi buồn cả. Chính vì thế lần này mình quyết định xóa đi tất cả các số điện thoại đã không còn liên lạc trong vòng 6 tháng cũng như không có ý định kết nối lại trong tương lai cho đỡ phải “lăn tăn” vì sao mình có nhiều bạn đến thế mà chẳng ai quan tâm mình. Và cuối cùng sau khi xóa, mình còn tầm khoảng 65 liên lạc thật sự cần thiết, chợt nhận ra không hiểu sao lúc trước mình lại thích lưu số điện thoại người khác đến vậy nhỉ. Về phần tin nhắn điện thoại, mình cũng xóa hết tất cả các tin nhắn rác, các tin không cần thiết để tối ưu hóa bộ nhớ và tối giản hóa điện thoại của mình.


Ngày 6: Dọn dẹp các trang mạng xã hội

Sự thật thì mình đã rất nhiều lần làm việc này nhưng vì hệ quả của việc nhiều năm sử dụng mạng xã hội vô tội quả và follow rất nhiều trang vô bổ trước đó nên đến giờ mình vẫn chưa có thể loại bỏ triệt để những người không quen biết và không mang đến thông tin tích cực trên mạng xã hội cho mình. Lần này mình lại tiếp tục Unfriend/Unfollow những người không thật sự quen biết và những nguồn thông tin tiêu cực trên các trang mạng xã hội, số bạn hiện tại trên Facebook của mình chỉ còn khoảng 185 người, số bạn Zalo còn khoảng 20 người và số follow trên Instagram khoảng 112 người. Cách chọn lọc bạn bè và các trang trên mạng xã hội để kết bạn và không nên kết bạn thì mình đã chia sẻ rất rõ trong một bài viết trước đó, mọi người có thể tham khảo ở link bên dưới nhé. Về mạng xã hội, thì mình hoàn toàn không có ý định muốn tránh xa nó hay bài trừ gì cả vì mọi thứ trên đời đều có 2 mặt tốt và xấu, và chúng ta không thể phủ nhận lợi ích mà mạng xã hội đã mang đến cho chúng ta là rất lớn nên mình chỉ thay đổi cách tiếp cận mạng xã hội sao cho phù hợp và theo chiều hướng tích cực nhất mà thôi. Cuối cùng mình sẽ sử dụng quy tắc luôn đăng xuất tất cả các trang mạng xã hội khi không dùng đến và giới hạn sử dụng mạng xã hội trong một thời điểm cụ thể trong ngày để hạn chế sự sao nhãng hết mức có thể.



Ngày 7: Dọn dẹp app Youtube

Một điều mà chúng ta rất ít khi để ý chính là app youtube của mình cũng đang chứa đựng vô số các thông tin không cần thiết, chiếm bộ nhớ và gây sao nhãng. Mình là một đứa sử dụng app Youtube cực kì thường xuyên để học tập các kỹ năng mới, luyện nghe tiếng Anh, nghe audiobook và nghe nhạc,...chính vì thế đây cũng là nguồn mình lưu vô số những video không cần thiết chiếm bộ nhớ mà mình lại không bao giờ xem lại. Và ngày thứ 7 này mình quyết định dành thời gian xóa bớt mục tải xuống, xem sau và danh sách phát trên youtube không thật sự cần thiết. Thật sự là mình đã tải xuống khoảng 50 cái video, 250 cái xem sau và khoảng 20 cái danh sách phát từ hồi nào đến giờ mà không hay, mắc cười hơn là có cái từ hồi mình ôn thi Đại học đến giờ vẫn còn y nguyên chỗ đó. Sau khi dọn dẹp thì hiện tại Youtube của mình còn khoảng 16 video tải xuống, 13 cái video xem sau và 2 danh sách phát, giờ thì muốn tìm và xem lại các video cũ đã không còn mất nhiều thời gian như trước nữa.


Thế là kết thúc 7 ngày tối giản hóa điện thoại và mạng xã hội của mình, vô cùng gian nan nhưng kết quả thì rất mỹ mãn, cảm giác thật sự nhẹ nhõm. Giờ đây, mình có thể tự mình kiểm soát cuộc sống hơn, kiểm soát điện thoại và sử dụng vào đúng mục đích thay vì để nó luôn kiểm soát và chi phối mình. Còn bạn thì sao, bạn đã từng cảm giác thật sự quá tải và mất kiếm soát đối với chiếc smartphone luôn ở bên mình mỗi ngày không? Nếu có hãy thử ít nhất một cách mình đã làm ngay hôm nay ở trên để tối giản hóa điện thoại và tập trung hơn vào những thứ thật sự quan trọng với cuộc sống của mình nhé!


“Thy và những câu chuyện nhỏ” #79

26/11/2019

473 views0 comments
bottom of page