top of page
  • thythylittlethings

SÁCH: THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG - A NEW EARTH - ECKHART TOLLE

Đây là lần thứ 3 mình đọc quyển sách này để có thể ghi lại những ý tưởng đáng chú ý và những bài học bổ ích vì phải đọc đi đọc lại và ngẫm nghĩ kỹ càng chúng ta mới có thể hiểu rõ được. Phải nói đây là một quyển sách cực kì “khó nuốt” với hàng loạt những từ ngữ đào sâu vào phân tích "cái tôi", "bản ngã" và thế giới tâm linh của con người. Chính vì thế, quyển sách này sẽ giúp chúng ta hiểu sâu và chi tiết về cái tôi của chính bản thân mình và lý do sâu xa vì sao chúng ta có những hành xử mà từ lâu chúng ta vẫn xem là thói quen hay những điều xuất phát từ tự nhiên. Không chỉ thế, với Thức tỉnh mục đích sống, tác giả Eckhart Tolle sẽ đưa ra cho chúng ta hướng giải quyết, cách vượt qua cái bản ngã của bản thân và bước dần vào sự chuyển chuyển hóa về nhận thức, thoát khỏi những suy nghĩ miên man trong mình và hiểu rõ mục đích ban đầu của những việc làm đang diễn ra ở phút giây hiện tại.



Với riêng mình, đây là một quyển sách khiến mình hiểu rõ hơn về cái tôi của bản thân, nhận thức được lý do của những hành xử đã diễn ra khi bị cái tôi thúc đẩy, từ đó có thể kiềm chế bản thân, hiểu rõ mục đích sống và biết sống ở phút giây hiện tại. Đây là một quyển sách thiên hướng khai thác những thứ bên trong con người nên mình nghĩ phải có những trải nghiệm nhất định trong cuộc sống, những lần bị cái tôi chi phối hành động thì chúng ta mới có thể nhận thức rõ mục đích và chuyển hóa mục đích sống của mình theo hướng đúng đắn hơn.


Có lẽ ai trong chúng ta đều ít nhất một lần nghe qua về “cái tôi”“bản Ngã”, nhưng có thể chúng ta vẫn còn đang khá mơ hồ khi suy nghĩ thật sâu về khái niệm này. Vậy "cái tôi" là gì và nó có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta? Dưới đây là một vài ý tưởng mình tâm đắc nhất được tóm tắt từ những chương sách của Thức tỉnh mục đích sống:

Cái “tôi” được tạo ra do mê mờ, “tôi’ là biểu tượng của một sai lầm từ gốc rễ, là cảm nhận sai lầm về bản chất chân thật của bạn, là sự đồng hóa một cách mê mờ về chính mình. Đây cũng chính là bản ngã của bạn.

Một số biểu hiện tiêu biểu của bản ngã đang diễn ra chính bên trong mình được đề cập ở chương 2


Ảo tưởng về quyền sở hữu

Bản ngã có khuynh hướng đồng hóa chuyện sở hữu một cái gì đó với Hiện hữu. Điều này biểu hiện qua ý tưởng: “Tôi sở hữu vì thế tôi hiện hữu”. Tôi càng sở hữu nhiều của cải thì sự hiện hữu của tôi càng chắc chắn. Bản ngã tồn tại qua sự so sánh với người khác. Bạn tự nhìn mình qua cách người khác nhìn bạn như thế nào.


Ham muốn: Nhu cầu có nhiều hơn

Bản ngã luôn tự đồng nhất nó với chuyện sở hữu một cái gì, nhưng cảm giác thỏa mãn của bản ngã khi có được vật gì đó thì rất cạn cợt và chóng phôi pha. Vì ẩn giấu rất sâu kín trong cái bản ngã của bạn là một cảm giác chưa thỏa mãn, chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ.


Tiếp theo, chúng ta hãy cùng nhau phân tích sâu hơn về Cốt lõi của bản ngã ở chương 3: Tại sao chúng ta có những thái độ này trong hoàn cảnh như thế?


Tính than phiền và sự ghét bỏ

  • Than phiền là một trong những phương cách mà bản ngã thích dùng để tự củng cố chính mình. Mỗi lời than phiền là một câu chuyện nhỏ mà trí óc bạn thêu dệt và bạn hoàn toàn cả tin vào sự bịa đặt này. Than phiền về người khác đã trở thành một thói quen vô thức ở trong bạn, vì thực ra bạn không biết mình đang làm như thế. Gán cho người khác một nhãn hiệu nào đó có tính tiêu cực, dù là bạn nói thẳng ra điều này hay bạn chỉ kín đáo chê bai họ với những người khác, hay thậm chí bạn không hề nói ra mà chỉ nghĩ xấu về họ thôi, như thế cũng đã là một phần của thói quen này.


  • Ghét bỏ là cảm xúc đi kèm với tính hay than phiền, thói quen thích dán nhãn hiệu, chê bai người khác; đó là một thái độ chỉ làm cho bản ngã trong bạn mạnh thêm. Ghét bỏ tức là bạn cảm thấy cay đắng, phẫn nộ, hay bị xúc phạm bởi một người nào đó. Bạn thường ghét bỏ tham lam của người khác, bạn ghét cái tính thiếu thật thà, thiếu liêm chính của họ; bạn ghét những thứ họ đã làm trong quá khứ, những điều họ nói, những gì họ đã thất hứa, những gì lẽ ra họ nên làm hay không nên làm, vì bản ngã ở trong bạn rất thích nhìn thấy những khiếm khuyết này.


Thỉnh thoảng cái “sai” mà bạn nhìn thấy ở người khác thậm chí là điều không hề có thật. Vì đó chỉ là một suy diễn sai lầm, một sự phóng chiếu của thứ lý trí quen nhìn thấy người khác là kẻ thù của mình, để chứng tỏ rằng bạn đúng hay vượt trội hơn người khác. Cũng có lúc người khác có thể sai lầm, nhưng khi bạn quá chú trọng vào những sai lầm đó đến độ bạn không còn nhìn thấy những khía cạnh tích cực khác của họ, lúc đó bạn có khuynh hướng phóng đại những lầm lỡ đó một cách không cần thiết. Và khi bạn phản ứng mạnh với những gì tiêu cực mà bạn nhìn thấy ở người khác tức là vô tình, bạn làm cho những khiếm khuyết ấy ở trong bạn trở nên mạnh hơn.


Bản ngã thích than phiền và bất mãn, không những đối với người khác mà còn với cả hoàn cảnh sống. Bản ngã luôn muốn ám chỉ rằng: Lẽ ra chuyện này không nên xảy ra, rằng bạn không hề muốn có mặt ở nơi này, rằng bạn không muốn làm những gì bạn cần phải làm, rằng bạn đang bị đối xử quá bất công… Và đối với bản ngã thì kẻ thù lớn nhất của nó chính là phút giây hiện tại, tức cũng chính là đời sống.


Thái độ phản đối và lòng oán ghét

Nhiều người luôn trông đợi có chuyện gì xảy ra để họ có cớ phản đối, để họ cảm thấy mình bị xúc phạm hay bực mình; và như thế họ sẽ nhanh chóng tìm ra những chuyện ấy thôi. Nỗi oán hận là một cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ có liên hệ đến một sự kiện nào đó đã thuộc về quá khứ; nhưng lòng oán hận này được làm sống lại lối suy nghĩ đầy tính ám ảnh như thể chuyện ấy là một điều gì vẫn còn đang xảy ra.

Quá khứ sẽ không có năng lực để lôi kéo bạn ra khỏi phút giây này. Chỉ có nỗi oán giận về những gì đã xảy ra trong quá khứ mới có thể lôi kéo bạn lại được. Vậy thì bản chất của lòng oán hận đó là gì? Đó chỉ là tàn dư của những suy nghĩ và cảm xúc cũ kỹ, đã lỗi thời.

Căn bệnh luôn cho rằng: “Mình đúng, kẻ khác sai”

Than phiền, phản ứng hay moi móc những khuyết điểm của người khác cũng làm cho bản ngã mạnh thêm bằng cách cho nó cảm nhận rằng nó siêu việt, nổi bật hơn người khác. Chúng ta chưa thấy rõ ngay được chuyện than phiền về một tình trạng kẹt xe hay những kẻ lười biếng, ăn không ngồi rồi, người tình cũ… có thể cho chúng ta cảm giác rằng mình cao vượt hơn kẻ ấy. Nhưng rõ ràng là khi bạn tham phiền về họ, bạn kín đáo hàm ý là bạn đúng, còn người khác là sai.

Bạn cần người khác hoặc một tình huống nào đó sai, để bạn có cảm nhận mạnh hơn về một con người, một tư cách nào đó trong mình. Khi bạn tỏ ra than phiền và phản ứng về một tình huống “sai trái” nào đó nghĩa là bạn ngụ ý rằng: “Lẽ ra chuyện này không nên xảy ra”. Khi bạn tự cho rằng mình đúng thì bạn tự đặt mình vào một vị thế giả tưởng, rằng bạn đạo đưc hơn người khác.


Bản ngã và danh vọng

Có một hiện tượng khá phổ biến là việc ngầm khoe khoang sự quen biết của bạn với những người nổi tiếng với mục đích khoe lòe người khác; đây là một chiến lược bản ngã để làm cho nó cảm thấy nổi bật hơn người. Nhu yếu muốn được nổi tiếng này che mờ bản chất chân thật của bạn.


Đóng vai kẻ ác, nạn nhân hay người ban phát tình yêu

Một số bản ngã nếu không nhận được những lời ngợi khen hay thán phục từ người khác thì nó sẽ tự đóng một vai nào đó để thu hút sự chú ý. Một vai diễn rất phổ biến là vai làm nạn nhân, và hình thức của sự lưu tâm mà vai nạn nhân tìm kiếm sự đồng cảm, lòng thương hại, hay sự chú ý của người khác đến vấn đề “của tôi”, đến “tôi và những câu chuyện thương tâm của tôi”. Tự xem mình là nạn nhân là một trong nhiều mô thức hoạt động của bản ngã như than vãn, cảm thấy bị xúc phạm, bị làm nhục…

Những gì thường được gọi là “tiếng sét ái tình” hầu hết đều là sự phóng đại của những đòi hỏi và nhu cầu cần có nhau của bản ngã. Bạn trở nên nghiện người kia hay đúng hơn là nghiện hình ảnh của người kia trong bạn. Điều này chẳng có liên quan gì đến tình yêu đích thực, vì tình yêu đích thực không hề có đòi hỏi dưới bất kỳ hinh thức nào.


Tiếp theo là chương 4 với việc chỉ ra Vai tuồng và tính nhiều mặt của bản ngã


Hạnh phúc chân thực so với đóng tuồng hạnh phúc

Trong nhiều trường hợp, hạnh phúc chỉ là một vai mà người ta diễn kịch thôi vì đằng sau vẻ tươi cười bề ngoài ấy là vô số khổ đau nằm bên trong. Trầm cảm, suy sụp tinh thần và phản ứng thái quá là những điều thường xảy ra khi trạng thái sống không có hạnh phúc của bạn được che đậy dưới vẻ tươi cười bề ngoài – khi bạn tự dối mình dối người rằng bạn không phải là không hạnh phúc.



Từ bỏ việc đóng vai

Hãy thôi tự cố gắng định nghĩa về mình, đối với người khác hay đối với chính bạn. Bạn sẽ không chết đâu.

Ngược lại bạn sẽ đi sâu vào đời sống. Cũng đừng quan tâm đến việc người khác sẽ muốn định nghĩa bạn thế này hay thế kia. Vì khi họ cố định nghĩa về bạn, tức là họ đang giới hạn chính họ và đó là vấn đề của họ. Trong mối quan hệ với người khác, đừng đóng một vai diễn nào đó, mà ngược lại, bạn hãy có ý thức sáng tỏ, hãy có mặt với mọi thứ đang xảy ra.


Ý tưởng mình tâm đắc nhất ở chương 5 Khối khổ đau sâu nặng


Cưu mang quá khứ

Lý trí con người không thể, hay nói đúng hơn là không muốn cho quá khứ qua đi.

Cá tính của bạn, vốn là thứ thường bị điều khiển bởi quá khứ, bây giờ bỗng dưng trở thành ngục từ giam giữ chính bạn. Lúc đó ký ức bạn chứa đầy cảm nhận sai lầm về chính mình và những câu chuyện hoang đường do trí óc bạn vẽ vời ra trở thành những gì bạn tin là bản chất chân thật của chính mình. Nhưng thật ra đây chỉ là ảo tưởng, nó che mờ bản chất chân thật của chính bạn.


Với chương 9, tác giả đi sâu vào phân tích Mục đích bên trong của đời bạn

Mục đích bên trong của bạn là để tỉnh thức. Chỉ đơn giản có vậy thôi.

Tỉnh thức là một sự dịch chuyển của nhận thức, qua đó nhận thức tự tách ly ra khỏi suy nghĩ. Đối với hầu hết mọi người thì đây là cả một quá trình họ phải trải qua chứ không phải là một bước ngoặt. Sự tách ly thói quen suy nghĩ miên man và lo sợ vẩn vơ ra khỏi nhận thức trong sáng của bạn là điểm mấu chốt của mục đích bên trong.


Cuối cùng là chương 10 và cũng là chương mở ra cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ sâu xa về Một thế giới mới


Ba thuộc tính của hành động đã tỉnh thức

Chấp nhận: Đây là những gì mà tình huống này, phút giây này yêu cầu mình làm, vì thế mình tự nguyện làm, không phản kháng, không than van.


Niềm hứng khởi: Trong một thế giới mới, niềm hứng khởi (là động lực đằng sau những việc bạn làm) sẽ thay thế cho lòng ham muốn của con người.


Lòng nhiệt thành: Là niềm vui sâu sắc trong những gì bạn làm, cộng thêm một tầm nhìn hay một mục tiêu để hướng đến. Khi bạn có thêm mục tiêu là niềm vui trong công việc, thì sẽ có sự thay đổi trong tần số rung của những công việc đó. Bạn sẽ thấy mình như một mũi tên đang phóng về đích – và đang hứng khởi vì quá trình này.


Có thể nói, đây chính là một trong những quyển sách đã thay đổi cuộc đời mình, khiến mình hiểu được cái “tôi”, những diễn biến tâm lý và hành động của chính mình và người khác mà lúc trước mình luôn đặt dấu chấm hỏi không hiểu vì sao chúng lại diễn ra như thế. Và chỉ khi chúng ta hiểu được bản thân mình và trân trọng phút giây hiện tại chúng ta mới thực sự sống một cuộc sống của chính mình chứ không còn đóng một vài diễn hạnh phúc nào đó để thu hút người khác, để khiến họ ngưỡng mộ trong khi bên trong thì không cảm thấy vui vẻ hạnh phúc chút nào. Bên cạnh đó, khi chúng ta có thể chấp nhận bản ngã của chính mình cũng có nghĩa là chúng ta có thể chấp nhận mọi khó khăn, bất trắc xảy ra trong cuộc sống và từ đó có thể “khiêu vũ” với nghịch cảnh và tỉnh táo vượt qua chúng một cách dễ dàng hơn. Đây cũng chính là một trong những thông điệp mình tâm đắc nhất khi đọc quyển sách này:

“Nếu bất trắc là điều mà bạn không thể chấp nhận được, nó sẽ biến thành nỗi sợ hãi trong bạn. Còn nếu bạn chấp nhận nó hoàn toàn, bất trắc sẽ trở nên một cái gì đó sống động, tỉnh táo và đầy sáng tạo.”


“Thy và những câu chuyện nhỏ” #65

03/11/2019

292 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page