KHI NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÔNG THỂ VƯỢT QUA NỖI ĐAU TRƯỞNG THÀNH...
Mình đọc xong quyển sách này vào một buổi chiều đầy u ám của những ngày cuối tháng 6, sau hơn 3 lần trì hoãn vì những dòng miêu tả quá đau buồn và ám ảnh của Haruki Murakami về những đứa trẻ đang “không thể vượt qua nỗi đau trưởng thành” ở một xã hội đầy rẫy những tệ nạn xã hội và góc khuất của Nhật Bản thập niên 60. Lần đấy mình đọc xong quyển sách dày hơn 500 trang này trong khoảng hai ngày vì không muốn lại tiếp tục trì hoãn nữa. Không phải ngẫu nhiên mà người ta khuyên những đứa trẻ ở độ tuổi dưới 18 đừng nên đọc quyển sách này quá sớm, vì nếu không có những trải nghiệm nhất định về xã hội bạn sẽ dễ chìm vào nỗi u uất của chính nhân vật, của một xã hội quá nhiều những điều những đảo lộn, trái ngang và hơn nữa là những cảnh nhạy cảm trong Rừng Nauy được miêu tả quá chân thật khiến mình “sởn da gà”. Không phải mình bị shock nhưng mình không thể nào quen thuộc với thể loại tiểu thuyết như thế này dù biết giá trị nghệ thuật đằng sao những tình huống đó là có.
Ai nên đọc quyển sách này?
Như mình đã đề cập ở trên, nếu bạn đang ở độ tuổi dưới 18 thì đừng nên đọc quyển này quá sớm vì mình nghĩ lại nếu mình đọc quyển này cách đây 4 năm chắc mình sẽ nghĩ đây là một tác phẩm “dành cho người lớn”. Mà cũng có phần đúng, vì đây là một quyển sách phù hợp cho các bạn trẻ đang chênh vênh, vô định trong chính tuổi trẻ của mình, đáng sợ hơn là những đứa trẻ không dám đối diện và không thể vượt qua nỗi đau trưởng thành như chính những nhân vật trong truyện. Có thể nói những câu chuyện trong sách giống như những thước phim kịch tinh miêu tả những lo lắng, hoang mang và bất trắc của cuộc sống xung quanh những nhân vật chính.
Một tác phẩm ngập tràn “những cái chết”
Đây là một câu chuyện được kể theo dòng hồi tưởng của chính nhân vật chính – Watanabe Torukhi bất chợt nghe được bài hát "Norwegian Wood" của Beatles, anh bỗng hồi tưởng lại mối tình đầu của mình với Naoko. Ký ức mang anh trở lại với những năm của thập kỷ 1960, khi có quá nhiều sự việc xảy ra với cuộc sống của anh khi đó.
“Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống mà là một phần của cuộc sống.”
Thoạt đầu là cái chết của Kizuki, người bạn thân của Toru – nhân vật chính trong tiểu thuyết. Ở cái độ tuổi 17, một độ tuổi đẹp nhất của đời người, chàng thanh niên kia đã quyết định tự kết thúc cuộc đời của chính mình với chẳng có một lý do gì rõ ràng cả. Nếu đọc kỹ tác phẩm, bạn sẽ thấy rằng mỗi nhân vật trong Rừng Nauy đều đã có riêng cho mình những lý do và dòng cảm xúc về cái chết đầy bí ẩn đó, chỉ là họ không dám đối diện mà thôi. Chính sự ra đi không lý do đó mà khiến cho những người ở lại “tự cho mình những lý do riêng”.
Tiếp theo là cái chết của chị gái Naoko, người con gái xinh đẹp, giỏi giang, chính chắn cũng đột ngột ra đi vì không thể vượt qua những bất ổn, chênh vênh của hai chữ “trưởng thành”. Dường như, sự sống và cái chết có một ranh giới quá mong manh đối với những con người còn quá trẻ đó. Viết đến đây, mình chợt nhớ đến những cái chết đột ngột của các bạn sinh viên Đại học ở Việt Nam trong những năm gần đây, những con người đang ở độ tuổi đẹp nhất cảu cuộc đời nhưng lại quá dễ dàng "từ chối" nó. Phải chăng nỗi đau “không thể vượt qua nỗi đau trưởng thành này” thời nào cũng có và có khi cũng đang hiện diện trong mỗi chúng ta?
“Méo mó” là sự miêu tả rõ ràng nhất cho nội tâm của Naoko và chị gái, Kizuki. Trưởng thành dẫn họ vào mâu thuẫn, chông chênh và ắt hẳn, những điều này chúng ta cũng phải và cũng từng trải qua. Nhưng họ không chấp nhận bản ngã méo mó đang bị sự trưởng thành nhào nặn ấy; cuối cùng, họ lựa chọn cái chết để kết liễu và để chối bỏ bản ngã của chính mình.
Cuối cùng là cái chết của Naoko – nữ chính trong Rừng Nauy, cũng là bạn thân của Toru và Kizuki. Cô là minh chứng rõ nhất cho việc “không chịu chấp nhận" rằng mình phải trưởng thành. Cô quẩn quanh với những đau khổ về mất mát của bản thân và dằn vặt về vấn đề tâm sinh lý bất thường để rồi biến mình thành nạn nhân của căn bệnh tâm thần và cuối cùng lại tự kết liễu đời mình ở cái tuổi 21. Cái chết của Naoko khiến mình suy nghĩ rất nhiều, phải chăng đây chính là cách giải thoát tốt nhất mà cô có thể tìm ra cho chính mình trong cái vòng xoáy đau thương mà cô đang phải gánh chịu?
Mình chợt nghe lại một ca khúc quen thuộc và có nhiều liên tưởng đến cái chết của Naoko:
"Này em hỡi con đường em đi đó Con đường em theo đó đúng đấy em ơi Nếu chúng mình có thành đôi lứa Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau."
(Bài ca không tên cuối cùng tiếp nối - Vũ Thành An)
Vậy tại sao Toru không chọn tìm đến cái chết như những nhân vật khác?
Nhiều lần mình tự hỏi: “Tại sao Toru không chọn cái chết? Sau tất cả những biến cố của chính mình và những người xung quanh tại sao chàng trai này có thể chấp nhận sự tàn nhẫn của hai chữ “trưởng thành”, còn người khác thì không?"
Qua những phân đoạn trong Rừng Nauy, bạn sẽ thấy một Toru có lúc đã trải qua những cô đơn đến cùng cực, trống rỗng, mệt mỏi và gần nhưng vẫn đang gắng gượng để sống. Nhưng cuối cùng, may mắn thay, Toru đã kịp thời thức tỉnh khỏi cơn mê, nhận ra sống là trách nhiệm của mình. Mất mát và đau thương là một phần của trưởng thành vì vậy anh phải chấp nhận nó để bước qua, để bước đến bên Midori. Đây chính là nhân vật truyền cảm hứng cho mình nhiều nhất trong tác phẩm này:
“Cuộc sống là câu chuyện của những chuỗi ngày “vượt qua” chứ không thể lặng yên như những gì chúng ta đang mong đợi.”
Những nhân vật khác trong truyện cũng mang đến cho chúng ta những bài học đáng suy ngẫm :
Midori: một cô gái lanh lợi, học cùng lớp với Tōru. Cô cũng đã có bạn trai nhưng đồng thời cũng có tình cảm với Tōru khi họ càng ngày càng thân và hiểu nhau hơn, và thậm chí sau này cô đã chia tay bạn trai, và muốn gắn bó với Tōru.
Reiko: cô giáo dạy nhạc và là người gần gũi với Naoko khi Naoko phải đi trại điều dưỡng. Cô thường khuyên nhủ Tōru và Naoko, luôn ủng hộ mối quan hệ của họ và cố gắng dung hòa khi Toru có ý tình cảm nghiêng về Midori hơn.
Hatsumi: một cô gái xinh đẹp, mang phong cách Á Đông, chung tình và khờ dại. Cô yêu Nagasawa: một kẻ chơi bời, tự cao và vị kỷ, nhưng cũng mang đến cho người đọc nhiều câu nói đáng suy ngẫm về giới trẻ.
Năm 2006, quyển sách này được xuất bản chính thức tại Việt Nam nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi về những tình huống nhạy cảm và giá trị nghệ thuật đích thực của nó. Nhưng vẫn không thể phủ nhận được rằng, tác phẩm đã được giới trẻ đương đại Việt Nam đón nhận nồng nhiệt vì nó phản ánh được tâm tư, cuộc sống và những mối quan tâm của họ hiện nay.
Tóm lại, với mình đây vẫn là một tác phẩm hay, có giá trị và phải đọc ít nhất một lần trong đời. Nhưng nếu hỏi mình có muốn đọc lại hay không, thì câu trả lời là không, có lẽ một lần là đã quá đủ với một quyển tiểu thuyết hơn 500 trang, gây ám ảnh và một phần nào đó mang lại một cái nhìn hơi tiêu cực về “trưởng thành”, vì cái gì cũng có hai mặt, bên cạnh những tiêu cực trong cuộc sống bạn cần nhìn về những điều tích cực và tươi đẹp mà thế giới người lớn vẫn đang chờ đón bạn.
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #30
02/07/2019
Comentários