Tiếp nối bài viết trước, đây là những điều tiếp theo mà mình nghĩ chúng ta sẽ lãng phí thời gian và năng lượng nếu vô tình vướng phải chúng và không biết điểm dừng. Thành thật mà nói, để viết ra những bài kiểu này thì mình cũng đã từng mắc phải không ít những sai lầm này nhưng may mắn mình có thể nhận ra sớm để có thể tập trung vào cuộc sống của bản thân hơn và làm nhiều điều ý nghĩa khác cho bản thân và xã hội. Nếu bạn cũng đang cảm thấy mình đang không đủ thời gian và năng lượng để làm gì cả nhưng lại chưa biết mình đã đánh rơi chúng ở đâu thì có thể đọc tiếp xem bạn có từng mắc phải những sai lầm dưới đây không nhé!
1. Trì hoãn, không biết đặt thứ tự ưu tiên
Trì hoãn chính là một trong những thói quen gây mất thời gian mà hầu hết chúng ta đều mắc phải khi còn trẻ. Cụ thể, trì hoãn là thuật ngữ trong tâm lý học chỉ về những thói quen của con người có xu hướng để chậm lại, tự hoãn lại, chưa muốn bắt tay vào làm ngay một công việc phải làm, hoặc có tâm lý chờ và để một thời gian sau đó mới thực hiện. Trì hoãn còn là việc lảng tránh những việc lẽ ra cần phải được tập trung giải quyết ngay dẫn đến việc đó luôn bị hoãn lại, ngưng trệ, chậm trễ tiến độ đề ra thậm chí là lãng quên. Trì hoãn cũng chỉ về việc sự thay thế các công việc, việc làm có mức độ ưu tiên cao hơn với các bằng những việc làm, công việc có mức độ ưu tiên thấp hơn và dành nhiều thời gian cho việc giải quyết các công việc có mức độ quan trọng, mức độ ưu tiên thấp, hay là sự ưu tiên làm những việc mà bản thân yêu thích hoặc cảm thấy thoải mái hơn là những việc quan trọng, cần phải làm. (Wikipedia)
Một ví dụ điển hình mà chính mình đã mắc phải rất nhiều lần chính là khi thầy cô giao bài tập về nhà khoảng 1 tuần thì y như rằng phải đến 2 ngày cuối cùng trước khi nộp bài mình mới chịu làm với cái cớ mình còn rất nhiều việc khác chưa giải quyết xong, nào là đi làm thêm, nào là làm việc cho câu lạc bộ, nào là phải vui chơi giải trí, lướt mạng xã hội… nữa chứ. Rồi đến khi mở bài ra thì lại không biết làm, phải tốn thêm thời gian thức khuya để nghiên cứu một khối lượng lớn kiến thức cùng một lúc thay vì bắt đầu làm từng bước một ngay từ khi mới được giao.
Cho đến khi đi làm, với số lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi tính liền mạch, nhanh chóng và chính xác, mình không thể nào trì hoãn như lúclàm bài tập được, mình mới từ từ nhận ra tác hại của việc trì hoãn và không biết ưu tiên làm những việc quan trọng trước đối với kết quả của công việc. Từ đó mình dần dần thay đổi để quản lý tốt thời gian và làm việc hiệu quả hơn.
2. Lúc nào cũng nghĩ “chỉ có mình mới làm được”
Điều này có thể đến từ việc bạn không đủ lòng tin vào người khác hoặc thiếu kỹ năng làm việc nhóm dẫn đến lãng phí thời gian của bản thân lẫn của cả người khác.
Có những người mình biết họ rất giỏi và nổi trội hơn người khác khi làm việc một mình vì thế họ khá ngại khi làm việc nhóm vì sợ sẽ bị giảm năng suất lao động đối với công việc hay bị giảm điểm số khi còn là sinh viên. Chính vì thế, khi bắt buộc phải làm việc nhóm, họ thường vẫn phân công công việc cho các thành viên còn lại trong nhóm, tuy nhiên sau đó họ lạ bác bỏ tất cả các ý kiến đó và tự đưa ra ý kiến của bản thân thay cho cả nhóm. Có thể, điều đó sẽ mang lại điểm cao trong một vài trường hợp, tuy nhiên đến một thời điểm nào đó bạn sẽ nhận ra bạn bị quá tải và muốn bùng cháy khi phải gánh cả nhóm trên vai. Điều đó không có gì hay ho ngoài chuyện nó sẽ khiến bạn trở thành một người bảo thủ, thiếu kỹ năng làm việc nhóm mà còn lãng phí rất nhiều thời gian và năng lượng của bản thân.
Lúc trước mình cũng từng là một người khá bảo thủ như thế, lúc nào cũng cho rằng ý kiến của mình mới là đúng còn người khác thì sai cho đến khi mình nhận ra trong nhịp sống hiện đại và sự chuyển biến của thị trường lao động như bây giờ mình thực chất chúng ta không thể một mình gánh hết tất cả công việc trên vai mà vẫn đảm bảo chất lượng được. Kỹ năng làm việc nhóm và phân chia công việc không những sẽ giúp chúng ta tạo ra năng suất cao hơn mà còn giúp tiết kiệm thời gian và công sức của mỗi cá nhân trong nhóm nữa.
“Người giỏi không phải là người làm tất cả.”
3. Chuẩn bị “quá” kỹ lưỡng
Chuẩn bị quá kỹ lưỡng là một trong những nhân tố tâm lý của một người theo chủ nghĩa hoàn hảo, lúc nào cũng thấy việc mình làm là chưa đủ tốt và cứ lo trước lo sau khi phải đưa ra bất cứ quyết định nào trong cuộc sống. Mình không nói việc này là hoàn toàn xấu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi làm việc là rất quan trọng, tuy nhiên cái gì “quá” thì cũng không tốt, nó không những khiến bạn tiêu tốn khá nhiều thời gian và năng lượng mà lâu dần còn khiến bạn sụt giảm niềm tin vào chính bản thân mình.
Mình chính xác từng là một thành viên của cộng đồng những người quá kỹ lưỡng này. Trước khi quyết định đăng bài trên blog, mình mất rất nhiều thời gian suy nghĩ ý tưởng, viết sao cho thật hay rồi chỉnh đi chỉnh lại chính tả, ngữ pháp sau đó mới dám đăng. Chính vị sự đầu tư quá mức đó, mình rất mong đợi sự lan tỏa của bài viết. Nhưng cuối cùng khi kết quả không được như mong đợi, mình thật sự cảm thấy khá thất vọng và nhận ra mình đã lỡ mất quá nhiều thời gian để có thể làm nhiều việc khác trong cuộc sống. Mình nhận ra cái gì thì cũng nên dừng lại ở mức khiến bản thân hài lòng và cảm thấy đủ sẽ tốt hơn là cố gắng làm hoàn hảo tất cả mọi thứ nhưng lại tiêu tốn thời gian và năng lượng quá nhiều.
4. Cố gắng thay đổi người khác
Một sự thật mà mình rút ra suốt những năm tháng tuổi trẻ nữa chính là: Mình không thể thay đổi bất cứ ai cả ngoài chính bản thân mình. Một khi ai đó muốn thay đổi phần lớn vì chính bản thân họ muốn thay đổi để tốt hơn chứ không phải vì bị muốn họ thay đổi. Trong những năm tháng tuổi trẻ, có lẽ chúng ta đã rất nhiều lần muốn thay đổi người khác, từ bạn bè, em út cho đến người yêu. Chắc có lẽ bạn cũng từng nghĩ giống kiểu như mình: Tại sao những việc tập thể dục, đọc sách, sống tích cực tốt như này mà người ta lại không làm nhỉ? Tại sao người ta biết uống rượu bia, hút thuốc lá, chơi game quá nhiều là xấu nhưng người ta vẫn làm mỗi ngày nhỉ? Rồi tại sao mà mình nói hoài, mình gây áp lực với họ như thế mà họ không chịu hiểu, không chịu thay đổi để có một cuộc sống tốt hơn nhỉ? Lúc trước mình cũng từng cố gắng thay đổi những người bạn của mình theo kiểu như thế với mong muốn giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cho đến khi mình nhận ra định nghĩa “cuộc sống tốt đẹp” với mỗi người là khác nhau, từ việc hiểu đến việc bắt đầu thay đổi nó có một khoảng cách quá lớn mà người ngoài như mình không thể hiểu được. Như mình đã nói, hầu hết mọi người chỉ thay đổi khi người ta thật sự muốn chứ không phải vì bất cứ ép buộc nào của người khác. Thế nên, thay vì cố gắng thay đổi người khác theo ý mình, chúng ta nên cố gắng tập trung vào chính bản thân mình, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó làm ví dụ cho người khác chứ đừng “dạy đời” họ theo kiểu “Tôi biết thì bạn cũng phải biết, sống như tôi mới là đúng còn sống như bạn là sai rồi”. Nếu bạn cũng đang mắc phải sai lầm này thì hãy cố gắng dừng lại càng sớm càng tốt nhé, nó không những gây mất thời gian và năng lượng của bản thân mình mà còn khiến người khác khó chịu khi ở cạnh bạn nữa đấy.
5. Không dám hỏi những thứ mình không rõ
Lúc trước, mình cũng là một thanh niên được xếp vào nhóm “có miệng như không”, dân gian hay gọi là “nhát như thỏ đế". Có thể bạn không dám hỏi vì ngại, nhưng có thể là vì bạn sợ lỡ ngu ngơ hỏi trúng một câu mà ai cũng biết trừ mình thì sẽ rất "quê", nhưng không sao đâu thà quê một lần còn hơn thiếu hiểu biết mà đúng không? Mình tin chắc cũng có rất nhiều bạn trẻ như mình, có rất nhiều thứ mình không biết nhưng lại ngại không dám hỏi và cuối cùng là cam chịu với sự thiếu hiểu biết của mình. Càng lâu thì bạn sẽ càng cảm thấy bản thân “tụt hậu” so với nhóm bạn mình đang chơi hay những người xung quanh và dần thu mình lại trong những cuộc trò chuyện, trao đổi hay làm việc nhóm. Đây chỉ là một trong số những tác hại của việc không dám hỏi, nó không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức cá nhân, các mối quan hệ mà còn ảnh hưởng đến công việc và những vấn đề khác trong cuộc sống. Gắn với sự lãng phí thời gian và năng lượng thì đó chính là trường hợp khi một vấn đề mà đáng lẽ ra bạn đã phải biết, phải hiểu rõ trước đó rồi thì giờ đây khi gặp lại nó bạn lại không biết gì cả, lại phải đi tìm hiểu lại từ đầu, rồi lại không kịp tìm hiểu những cái mới khác nữa. Vòng lặp đó cứ thế lặp lại khiến bạn lùi lại so với những người cùng điểm xuất phát nếu không thực sự bức phá và cố gắng hết mức để bù đắp những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm bị thiếu hụt trước đó.
6. Mua đồ dùng kém chất lượng
Chắc bạn sẽ thắc mắc: Ơ hay, mua đồ kém chất lượng thì liên quan gì đến việc lãng phí thời gian và năng lượng cơ chứ? Thoạt đầu nghĩ thì có lẽ không liên quan thật nhưng về lâu về dài thì nó lại cực kỳ liên quan đấy.
Lấy chính trải nghiệm của mình làm ví dụ: Cụ thể, mình từng mua một chiếc xe máy cũ để đi học với chất lượng dĩ nhiên không còn tốt so với những chiếc xe máy mới với ý nghĩ sẽ tiết kiệm được một số tiền nho nhỏ và mình cũng chỉ là sinh viên nên không cần phải đua đòi gì mấy. Nhưng sự thật thì đó là một quyết định sai lầm, khi mình sử dụng không được bao lâu thì nó lại xuống cấp và hư hỏng liên tục khiến mình phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để mang nó đi sửa chữa, chưa kể đến việc những lúc đi làm về khuya mà nó hư là phải tự dắt về, đúng là “khóc không ra nước mắt”. Có lẽ với điều này, mình xin phép đề cập đến các bạn thực sự có hoàn cảnh quá khó khăn, không có đủ tiền để trang trải thì việc có một chiếc xe máy đã là vui lắm rồi. Ý mình là trường hợp những bạn hoàn toàn có khả năng chi trả cho một món đồ đắt hơn và chất lượng hơn nhưng lại muốn tiết kiệm trước mắt nhưng không nghĩ đến hậu quả lâu dài như mình trước kia.
7. Ai nói gì cũng tin mà không kiểm chứng
Mình hay gọi đây là “hội chứng ngây thơ vô số tội”, ai nói gì cũng tin và tin như sự thật mà không hề dành tí thời gian nào để kiểm chứng xem nó đúng không. Có một vài người còn mang những thông tin mình thậm chí không biết là đúng hay không đi kể lại cho nhiều người khác nữa. Tác hại nhất là có người còn mang nó vào một cuộc tranh luận và một mực khẳng định điều đó là đúng dẫn đến những tranh cãi không đáng có. Đến khi đi tìm hiểu mới nhận ra, thì ra từ đầu mình đã hiểu sai và tin sai rồi tốn thời gian và năng lượng đi giải quyết những hậu quả mà nếu như mình chịu kiểm chứng từ đầu thì nó đã không xảy ra.
8. Cố chứng tỏ “tài năng” của bản thân
Có ai từng mắc phải sai lầm "đánh cắp rất nhiều thời gian" này không? Mình thì từng có rồi đó, nhưng may mắn mình đã nhận ra tác hại của nó và dừng lại đúng lúc. Không nói gì quá xa xôi, như những tài năng đặc biệt của những nhà khoa học, vật lý học,… mình muốn nói đến một việc, chính là những sở thích, tài năng đơn thuần mà bạn giỏi hơn những người xung quanh như chơi nhạc cụ, vẽ tranh, chụp ảnh, chỉnh ảnh, viết lách, làm thơ, hát hò… Có ai từng vướng phải việc cố làm những điều mình không thật sự thích chỉ để cố chứng tỏ rằng: à mình là người có tài năng thế, sao mọi người không chịu công nhận mình không. Hồi mình mới tập tành học chỉnh ảnh khoảng hè 2018, mình cảm thấy những bức ảnh mình chỉnh ra rất đẹp (so với mình lúc trước), thế là mình cố gắng chứng tỏ mình là một đứa biết chỉnh ảnh, biết rất nhiều thứ về chỉnh ảnh bằng cách đăng chúng lên Instagram rất nhiều vào thời điểm đó. Tuy nhiên, không có gì đáng nói nếu mình thực sự thích làm việc đó, bây giờ nhìn lại mình mới cảm thấy mình đã lỡ mất khá nhiều thời gian (khoảng 3 tháng) và năng lượng để làm những điều quan trọng hơn trong cuộc sống của mình. Mình biết ai cũng có nhu cầu muốn thể hiện bản thân, muốn chia sẻ sở thích cá nhân với người khác vì mình cũng đang làm việc đó. Tuy nhiên, sau nhiều thất bại mình rút ra được một bài học:
Mọi thứ mình chia sẻ, mình muốn lan tỏa đến nhiều người nên xuất phát từ việc mình thực sự yêu thích nó, thực sự thấy việc mình làm đó có ý nghĩa. Chỉ có như thế, mình mới không quá kỳ vọng vào những phản hồi của người khác dẫn đến thất vọng và chìm sâu vào việc muốn thu hút sự chú ý thay vì vui với những điều mình đang thực sự có và lan tỏa những thông điệp tích cực.
9. Giận – Cố tỏ ra giận - Muốn đối phương biết là mình giận
Cái này thì mình rất ít khi mắc phải nhưng mình đã trông thấy rất nhiều người xung quanh lãng phí rất nhiều thời gian và tâm sức cho việc này: Giận – Cố tỏ ra giận – Muốn đối phương biết là mình giận. Chắc là mình không phải tuýp người quá nhạy cảm như thế để hiểu tại sao người ta lại có thể dễ giận như thế chỉ với một hành động vô tình hay một lời nói vô ý không có sự sắp xếp trước của người khác người. Giận, về cơ bản chính là một trong những bản ngã của của con người chúng ta, và mình không nói việc giận là sai hay chúng ta hoàn toàn không được tỏ ra giận đối với những người cố ý làm tổn thương mình. Nhưng ở đây mình muốn nói đến cả một chuỗi các sự việc: Giận – Cố tỏ ra giận – Muốn đối phương biết là mình giận, nó dường như khá vô nghĩa nếu đối phương hoàn toàn không để ý đến cảm xúc của bạn. Thật ra, trên đời không có quá nhiều người vô cảm đến thế, nhưng cũng không có quá nhiều để ý đến bạn như bạn nghĩ. Trừ khi bạn trực tiếp nói ra mình giận thì hầu hết mọi hành động cố tỏ ra giận đều có thể bị lờ đi bởi đối phương vì hơn hết bạn biết mỗi người chúng ta đều có rất nhiều việc khác để làm thay vì cứ châm châm vào cảm xúc của một ai đó, ngay cả người đó là người thân trong gia đình, người yêu hay bạn bè thân thiết cũng vậy.
Mình từng đọc quyển Giận của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một chi tiết khiến mình nhớ mãi, như sau: Khi một ngôi nhà bị cháy, thay vì cố đi tìm và trừng phạt tên đã đốt nhà mình thì hãy quay về nhà nhanh chóng dập tắt đám cháy đó. Đối với cảm xúc giận một ái đó cũng vậy, thay vì cố chứng tỏ mình giận, muốn đối phương biết mình giận, khiến người đó hối hận thì chúng ta nên quay về dập tắt cơn giận đang bộc phát và tập trung hơn vào cuộc sống của chính bản thân mình.
Việc cứ để cảm xúc giận dữ kéo dài không những gây hại cho tâm lý, sức khỏe mà còn lãng phí thời gian của bản thân rất nhiều.
10. Không biết chọn lọc các mối quan hệ - Có quá nhiều mối quan hệ không cần thiết
Có ai từng được nghe, được dạy rằng muốn thành công trong cuộc sống chúng ta cần có thật nhiều mối quan hệ như mình trước kia không? Mình đồng ý, thật sự để cuộc sống và công việc tốt hơn chúng ta cần đến những mối quan hệ, nhưng đó phải là những mối quan hệ chất lượng và tốt đẹp chứ không phải những mối quan hệ xã giao hay thậm chí là những mối quan hệ “độc hại”, càng ở gần nhau thì cuộc sống cả hai càng đi xuống.
Thật sự, chuẩn mực của một mối quan hệ chất lượng đối với mỗi người là khác nhau, nó phần lớn phụ thuộc vào tính cách, trải nghiệm và góc nhìn của mỗi người. Có những người sẽ rất phù hợp với bạn nhưng không hề phù hợp với người khác và ngược lại. Vì thế trước khi tạo dựng bất cứ mối quan hệ nào, hãy cân nhắc thật kỹ những gì mình cần có để tránh bị tác động từ bên ngoài. Đừng nghe người khác nói bạn mình hay người yêu mình không tốt là tin liền, đi nghỉ chơi với bạn, chia tay với người yêu, cũng đừng nghe có một người chơi đẹp với bạn bè của họ lắm thì cố gắng kết thân với mong ước xây dựng những mối quan hệ “trong mơ”. Thực chất, việc mối quan hệ có tốt đẹp hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân mình nữa, muốn người khác chơi đẹp với mình thì mình cũng phải thật đẹp với họ. Bạn cũng đừng nghĩ mình giả tạo hay cố gắng tỏ ra tốt đẹp thì sẽ qua mắt được người khác, vì đa số những người hiểu biết và trưởng thành đều có đủ khả năng nhận diện chính mình, nhận diện người khác. Họ đủ hiểu bạn có thực sự phù hợp để họ duy trì mối quan hệ lâu dài không. Thay vì có “một đống” mối quan hệ chẳng đâu vào đâu thì chúng ta hãy dành ra chút thời gian để cân nhắc, chọn lựa và thật sự vun đắp cho những mối quan hệ chất lượng.
Hãy chơi với những người bạn tốt, hãy yêu người đứng đắn, thật lòng, hãy tìm một mentor thật sự muốn đồng hành cùng bạn trên chặng đường phát triển sự nghiệp của mình.
“Don’t waste your time in anger, regrets, worries, and grudges. Life is too short to be unhappy.” ―Roy T. Bennett
Hi vọng bài viết này có thể giúp ích gì đó cho bạn trong việc quản lý thời gian và năng lượng của mình vì với tuổi trẻ hai thứ này có lẽ là tài sản quý báu nhất của mỗi chúng ta.
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #109
13/06/2020
Comentarios