top of page
  • thythylittlethings

LỐI THOÁT NÀO CHO NHỮNG MỐI QUAN HỆ “ĐỘC HẠI”

Phải làm gì khi một ngày đẹp trời bạn bỗng dưng phát hiện có một ít cỏ dại trong khu vườn kết giao của mình?


Có thể bạn đang rất tự hào khi mình có rất nhiều bạn bè, đi đâu cũng có thể gặp người quen, nhưng có bao giờ bạn dành thời gian nhìn nhận lại những mối quan hệ đó một cách chân chính nhất hay chưa? Liệu những người đó có phải là những người có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, quan tâm và ủng hộ những kế hoạch tương lai của bạn hay không? Một phép thử nữa, bạn hãy thử lướt một lượt danh bạ điện thoại và danh sách bạn bè trên mạng xã hội của bạn, nếu bạn rơi vào một tình huống xấu nhất, bạn sẽ có thể gọi cho bao nhiêu người và bao nhiều người sẽ chạy đến ngay bên bạn? Đó chính xác là số bạn bè thực sự của bạn, không hơn không kém. Và tin buồn chính là phần lớn những mối quan hệ còn lại mà chúng ta đang giao tiếp hằng ngày lại là những mối quan hệ "độc hại" có thể khiến bạn kiệt quệ về mặt tinh thần và phụ thuộc cảm xúc đồng thời không hề giúp bạn tốt lên hay đạt được thêm bất kì điều tốt đẹp nào cho cuộc sống của chính mình.

Nghe qua thì có thể vẫn còn khá mơ hồ, nhưng ngay bây giờ bạn hãy thử suy nghĩ lại xem bạn đã từng một lần rơi vào những mối quan hệ “độc hại” khiến bản thân căng thẳng và kiệt sức mà không hề hay biết hay không? Chắc chắn là có đúng không?


Những mối quan hệ “xã giao”

Đồng ý là chúng ta đang sống trong một xã hội giao hoà giữa các mối quan hệ và không thể nào sống một mình mà không liên hệ với ai. Nhưng có vấn đề lớn rằng bạn có quá nhiều mối quan hệ “xã giao” không đâu vào đâu, ai bạn cũng biết, đi đâu cũng gặp người quen, nhưng không ai là bạn biết rõ và ngược lại. Những mối quan hệ xã giao sẽ khiến bạn ảo tưởng về những người đang ở xung quanh mình, cho đến khi bạn gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ thì lại không có ai ở cạnh, điều đó vô hình chung sẽ khiến bạn mất niềm tin vào cuộc sống và hụt hẫng hơn người bình thường rất nhiều. Đó cũng chính là tác dụng phụ của sự mong đợi quá nhiều từ người khác.

Vậy lối thoát nào cho các mối quan hệ “xã giao”?

Hãy nhớ, dù chỉ là “xã giao” thì đó vẫn phải là những mối quan hệ có lý do để duy trì, không thể chỉ là “Chào bạn, mình tên là A, rất vui có thêm một người bạn giống bạn.” Những mối quan hệ “xã giao” có lý do tức là bạn cần gặp họ để trao đổi trong một công việc hợp tác lâu dài hay một nhóm học tập đòi hỏi phải liên hệ, trao đổi bài tập với nhau... Nếu không có việc gì thật sự quan trọng để kết bạn hay lưu thêm số điện thoại vào danh bạ thì chúng ta nhất thiết nên hạn chế những mối quan hệ xã giao lại vì bạn không cần xã giao nhiều đến thế đâu!


Những mối quan hệ “ăn miếng trả miếng”

Một vài dấu hiệu thường thấy cho sự “ăn miếng trả miếng” chính là sự không chấp nhận quan điểm của người khác, ganh tị và không chấp nhận người khác hơn mình, khó tha thứ lỗi lầm cho nhau và luôn nói những lời nói mỉa mai, thiếu tinh tế. Điều này có thể xuất hiện trong vô thức của chúng ta, không có ý gì cả nhưng về lâu về dài nếu nó trở thành thói quen bạn sẽ trở thành một người có tính cách rất kỳ cục trong mắt người khác và dễ dàng biến mối quan hệ trở nên “độc hại” nếu không biết cách tiết chế kịp thời.

Một ví dụ mà mình nghĩ ai trong chúng ta đều có thể đã từng trải qua:

Khi bạn đưa ra một ý kiến mà mình rất tâm đắc để góp vào cuộc thảo luận nhóm và một người bạn khác tỏ vẻ không đồng ý với quan điểm của bạn, sau đó đưa ra những lời giải thích rất hợp lý để bác bỏ ý kiến của bạn và được những người còn lại trong nhóm đồng ý. Sau đó, đến khi người đó đưa ra ý kiến, điều bạn làm lúc này là gì? Có phải là thay vì lắng nghe xem nó đúng hay sai thì bạn sẽ cố gắng tìm ra lỗi sai của dù là nhỏ nhất của người bạn đó nhằm mục đích trả lại miếng giận ban nãy của mình.

Đây chỉ là một trường hợp nhỏ, nhưng vì nó rất nhỏ nên khi có thói quen này chúng ta rất hiếm khi có thể tự nhận ra và tiết chế cảm xúc của chính mình, về lâu về dài nó trở thành một điều hiển nhiên mà bạn dùng để phản ứng với tất cả mọi người xung quanh khiến người khác rất khó chịu và hạn chế tiếp xúc với bạn để tránh những cuộc “ăn miếng trả miếng” không cần thiết từ bạn.

Nếu giả sử chính bạn là người khiến mối quan hệ với người khác trở nên “độc hại” thì điều nên làm là hãy học cách lắng nghe, đứng về phía của đối phương để suy nghĩ, kiểm soát cảm xúc để không rơi vào cái bẫy ganh tị với người khác và luôn cảm thấy mình mới là đúng, còn người khác thì sai. Còn nếu bạn là người đang chịu đựng một mối quan hệ “độc hại” với người thích “ăn miếng trả miếng” như trên thì điều cần làm là hãy thông cảm với họ vì nhiều lúc họ cũng không nhận ra khuyết điểm của chính mình, tiếp theo là chia sẻ với họ về thái độ và cách hành xử “xấu xí” của họ để họ có thể nhận biết và sửa chữa. Tuy nhiên, liệu những người đó có nhận ra họ đang khiến mối quan hệ của mình trở nên độc hại hay không lại phụ thuộc phần lớn vào nhận thức cá nhân nên việc bạn có thể làm chỉ là cố gắng hết sức để nhẹ nhàng khiến họ nhận ra chứ đừng phản ứng mạnh và chỉ trích họ.


Những mối quan hệ “không đi đến đâu” – Không yêu đừng gây thương nhớ!

Điều này xuất hiện nhan nhãn trong cuộc sống của những người trẻ và là câu chuyện không của riêng ai. Những mối quan hệ xuất phát từ những trái tim cô đơn cần một bờ vai để dựa vào trong khi tình cảm của bản thân thì vẫn chưa xác định được. Có những mối quan hệ, ngay từ đầu đã không phải là một câu chuyện tình yêu nhưng những người trong cuộc vẫn cố chấp giữ nó như một chỗ dựa tinh thần và thậm chí tệ hơn là một mối quan hệ dự phòng khi chưa tìm được chân lý của đời mình. Những mối quan hệ chuyện vui không nhiều nhưng vấn đề thì nhiều kinh khủng, những mối quan hệ mà cả hai thay vì nhường nhịn nhau sẽ cố chứng minh cho đối phương là mình mới là người chiến thắng. Những mối quan hệ mà bạn không có lý do để tiếp tục, bạn không thấy bình yên và tích cực hơn khi sống trong nó mà chỉ toàn bị những điều tiêu cực giằng xé mỗi ngày.

Vậy lối thoát nào khi bạn vừa là nạn nhân vừa là người gây ra lỗi lầm với chính cuộc đời mình và cuộc đời người khác?

Trước hết, chính bạn phải là người nhận ra, đối diện với vấn đề và chấp nhận rằng bạn đang vướng trong một mối quan hệ độc hại. Sau đó tự hỏi chính mình xem, lý do gì bạn đã sống trong vòng xoáy địa ngục ấy ngần ấy thời gian và lý do nào để tiếp tụclà gì? Tiếp theo bạn phải là người chủ động thoát ra khỏi nó, nhưng không phải bằng cách im lặng rời đi, mà là hãy nói cho đối phương biết tất cả những lý do bạn không thể tiếp tục mối quan hệ “độc hại” giữa hai người nữa.

Vì sao mình lại khuyên bạn phải trực tiếp nói ra?

Bởi vì chỉ có những đứa trẻ con mới làm việc không có lý do, bạn rời đi cũng đừng để lại thắc mắc cho người khác, điều đó sẽ vô hình làm tổn thương cũng như khiến họ nghĩ rằng họ đã làm gì sai với bạn. Nếu bạn là người trưởng thành thì hãy thôi cái trò block facebook hay biến mất khỏi cuộc đời nhau một cách vô lý đi nhé!

“Tình đẹp khi tình lỡ, nếu không chúng ta phải biết vấn vương những gì? Nếu không nợ nhau, nếu không tiếc nuối?”


Những mối quan hệ "phụ thuộc nhau về mặt cảm xúc"

Điều này thường xuất hiện trong một mối quan hệ tình yêu, hai người đang tán tỉnh nhau hay thậm chí đã là vợ chồng. Biểu hiện của sự độc hại ở đây chính là họ thiếu tự tin khi ở cạnh nhau, họ không biết yêu thương và trân trọng chính bản thân mình dẫn tới họ cũng không tin tưởng và chấp nhận bất kì ai yêu thương và quan tâm đến họ. Những người này có xu hướng quan trọng hóa vấn đề, thích tạo ra những tình huống có vẻ khá hợp lý nhưng lại rất kì quặc nhằm mục thử tình cảm của đối phương, tạo "drama", xung đột không cần thiết và biến đối phương thành người có lỗi. Đôi khi, chỉ cần một lỗi nhỏ hay một câu nói lỡ miệng của đối phương không hợp ý, họ sẽ lập tức phản ứng rất gay gắt và có những động thái quá như hủy kết bạn trên mạng xã hội, bỏ nhà đi hay im lặng để biến câu chuyện nhỏ ban đầu thành một câu chuyện phức tạp khó giải quyết và lỗi lầm hoàn toàn thuộc về phía người còn lại.

Những mối quan hệ phụ thuộc nhau về cảm xúc này độc hại đến mức sẽ biến một người thành nạn nhân của mọi vấn đề và người còn lại luôn có cảm giác có lỗi mặc dù những mâu thuẫn, xung đột là rất nhỏ. Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ mà bất cứ chuyện gì xảy ra bạn đều cảm thấy mình có lỗi mặc dù bạn không phải là người cố ý gây ra, thì xin chia buồn, bạn đã rơi vào mối quan hệ phụ thuộc cảm xúc và nếu bạn luôn có cảm giác lo lắng mơ hồ sợ gây ra lỗi lầm khi nói chuyện và tiếp xúc với đối phương thì có thể bạn đã bước vào giai đoạn “độc hại” nhất của việc phụ thuộc cảm xúc.

Nếu vướng phải những mối quan hệ kiểu như thế này điều cần làm nhất chính là chấp nhận chính mình là một người đang phụ thuộc cảm xúc vào người khác, từ đó tìm cách tiết chế cảm xúc và hiểu được giá trị của bản thân mình. Nếu mối quan hệ đó đã không thể nào cứu vãn được dù bạn đã ra sức giải thích những thứ đang diễn ra cho đối phương hiểu nhưng những xung đột không cần thiết, những phản ứng thái quá vẫn tiếp tục xuất hiện giữa hai người, cách duy nhất là hai người nên cho nhau thời gian và không gian riêng, đừng tiếp xúc trực diện với nhau nữa thậm chí là cắt đứt mối quan hệ “độc hại” đó càng sớm càng tốt.


Trên đây là một trong số những mối quan hệ “độc hại” mà mình từng được chứng kiến và cũng đã từng trải qua trong suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình. Có những mối quan hệ đã được cứu vãn kịp thời nhưng cũng có những mối quan hệ mà khi phát hiện ra nó đã “độc hại” đến mức không còn lối thoát. Nếu bạn cũng đang cảm thấy chơi vơi trong những mối quan hệ như thế, thì điều cần làm lúc này chính là hãy dừng lại một chút, hồi tưởng lại những thứ đang diễn ra, xem đó có phải là những điều bạn muốn diễn ra khi bắt đầu mối quan hệ đó hay không, nếu không thì hãy chấp nhận cho nhau một “khoảng thở” để tự mỗi người có thể sống độc lập và có thời gian nhìn nhận lại chính bản thân mình. Và nếu những mối quan hệ đó đã không còn cách nào để cứu vãn được nữa thì hãy chấp nhận cho nhau một lối thoát bởi mỗi chúng ta đều có một con đường riêng phải đi.

Có những người định sẵn không phải là tương lai của bạn mà chỉ đi ngang đời bạn để giúp bạn hiểu ra một vài bài học đáng giá trong cuộc sống mà thôi!

Có lẽ bạn cũng đã mệt mỏi và chịu đựng đủ nhiều để có thể buông tay rồi đúng không?!



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #64

02/11/2019

186 views0 comments
bottom of page