top of page
  • thythylittlethings

10 CÁCH GIÚP BẠN TRỞ NÊN TINH TẾ HƠN

Trước đây, mình nhiều lần thắc mắc tại sao trên đời lại có nhiều người dễ tính như vậy, chẳng lẽ họ không biết bực tức với những điều xung quanh? Cho đến bây giờ, khi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người hơn, đọc nhiều sách hơn mình mới nhận ra, đó không phải là dễ tính mà là “biết điều”.



Mình nhớ lại, đoạn, mình cùng một người anh đi chung xe thì bị một bác công nhân đang chở đồ cồng kềnh chạy ngược hướng, xém tí nữa là va vào nhau, rồi bác ấy lại mắng: “Đi đường kiểu gì mà kỳ cục vậy?”. Lúc ấy, mình khá bức xúc, định nói lại vì mình cũng không được hiền cho lắm, thì ngay lúc đó được nghe một câu: “Thôi em, người ta làm việc vất vả, đôi lúc khó chịu cũng phải thôi, không có gì lớn lao cả nên bỏ qua đi.” Câu nói ấy lập tức ngăn lại sự bức xúc của mình, mình hiểu ra và vui vẻ trở lại. Về nhà nằm ngẫm lại, thì ra mình là người thiển cận như vậy, việc quá nhỏ nhặt để mang xé ra to, từ đó về sau mình cũng dần không còn những hành động bộc phát như thế nữa, biết suy nghĩ cho người khác hơn.

Một câu chuyện của chính mình, hôm mình đi mua laptop mới, khi anh nhân viên đã bóc hộp ra để cài phần mềm, thì mình đã thấy trên phím cảm ứng vân tay có một vết xước, nếu như là mình của ngày xưa chắc chắc mình sẽ bắt anh nhân viên đổi lại một cái máy khác. Tuy nhiên, hôm đó mình không làm như vậy. Anh bạn đi cùng mình cũng thắc mắc tại sao mình thấy mà không chịu kêu anh nhân viên đổi máy khác, hỏi mình không thấy hay là quá dễ tính. Thật ra mình không hề dễ tính, lúc đó mình nghĩ anh nhân viên đã dành mấy chục phút để giới thiệu rồi cũng mở vỏ ra cả rồi, chiếc laptop có vết xước đó cũng không phải do anh ấy cố tình mang ra đưa cho mình (mình nghĩ vậy) và với mình vết xước nhỏ như thế cũng không hề ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung của toàn máy. Vậy tại sao mình không thể dễ dàng hơn một chút, biết điều hơn một chút, dù sao họ cũng chỉ là nhân viên làm công ăn lương, mình bỏ ra chút tiền không có nghĩa là có quyền gây khó khăn cho họ.


Có thể bạn không cần biết quá nhiều thứ, nhưng ít nhất phải “biết điều”.

"Biết điều" không khiến bạn trở nên nổi bật giữa đám đông, không giỏi giang hơn người khác nhưng sẽ khiến bạn trở thành người tinh tế trong mắt người khác. Thật vậy, không ai sẽ ngay lập tức khen: “Ôi, sao bạn biết điều thế.” Nhưng trong tâm trí họ luôn tôn trọng và ngưỡng mộ phẩm chất đó của bạn. Ngược lại, cũng không ai sẽ nói thẳng với bạn rằng: “Tại sao bạn lại không biết điều đến thế?” nếu như họ không phải là cha mẹ hay người quan tâm bạn, không ai có nhiệm vụ phải theo sát để nhắc nhở bạn những việc đơn giản như thế đâu. Vì thế, bạn phải tự nhận ra và hoàn thiện bản thân hơn qua những câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày của bạn.


Ai cũng từng là một người không biết điều.

Thú thật, mình từng là một người "rất không biết điều". Có thể kể ra như, hồi năm nhất, vào quán ăn, ỷ mình là khách hàng, cứ như ông hoàng bà chúa, có cái khăn giấy cũng bắt nhân viên dâng tới bàn, rồi người ta mang đồ ăn đến cũng không thèm cảm ơn lấy một tiếng, cứ nghĩ, người ta đi làm được trả tiền thì phục vụ khách hàng là việc hiển nhiên. Giờ nghĩ lại thấy thật xấu hổ, tự cười vô mặt mình.

Mình còn có tật rất hay chê người khác, bạn thân mình lúc trước còn sợ phải khoe đồ mới với mình vì chắc chắn 100% mình sẽ tìm ra một điểm gì đó để chê. Lúc trước, mình nghĩ điều này là do mình khó tính và thẳng thắn, nhưng sau này mới hiểu đó là không biết điều và vô duyên. Bạn có thể không thích nhưng người khác rất thích món đồ của họ vì thế dù có không vừa ý, bạn cũng phải biết tinh tế khen trước một tiếng rồi mới nhẹ nhàng góp ý, làm như vậy sẽ khiến người nghe dễ chịu và tiếp nhận lời góp ý của bạn theo hướng tích cực nhất. Rất may mắn, là mình nhận ra điều đó sớm, và cũng dần bỏ cái tính xấu xí của mình, khiến các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

“Khi bạn chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác, thì dần dần người đó cũng chỉ toàn thấy khuyết điểm của bạn.”

Bạn cần nhận ra rằng, mình không phải là trung tâm của vũ trụ, bạn có thể tự nuông chiều cảm xúc của bản thân, nhưng người khác thì không có nhiệm vụ đó.

Khi bạn đến trễ, người khác có thể chờ đợi bạn nhưng bạn cũng phải biết báo cho họ một tiếng để họ không phải lo lắng bạn có đang gặp khó khăn gì trên đường đi hay không.

Đi ăn cùng một nhóm bạn, nếu phần đông đã đồng ý ăn món đó, nếu bạn không cố gắng khiến họ vui vẻ được thì cũng phải biết tinh tế nói: “Mình xin lỗi, món này ngon đấy nhưng mình không quen ăn, chắc có lẽ mình sẽ tìm một món khác phù hợp với mình.” Chứ đừng có kiểu: “Ôi, món này dở thế mà cũng ăn, mình không ăn đâu nha.” Có thể bạn không có ý gì, họ cũng không tỏ thái độ gì với bạn nhưng cách hành xử như thế sẽ khiến bạn bị mất điểm trong mắt những người xung quanh.

Nhưng nếu bạn đã từng như thế thì cũng đừng dằn vặt, ai trong đời cũng có những lần không "biết điều" như thế, cái quan trọng là bạn nhận bạn đã sai, tìm cách sửa chữa và không tái phạm nữa, bạn sẽ trở nên tinh tế hơn rất nhiều.


"Biết điều" là bước đầu của việc trở thành người tinh tế hơn.

Biết điều không khiến bạn trở thành người tinh tế ngay lập tức, nhưng có thể giúp bạn cải thiện hình ảnh của mình trong tâm trí những người xung quanh và tự hoàn thiện bản thân mình hơn. Chỉ cần một vài hành động nhỏ cũng đủ khiến bạn tiến gần hơn đến trái tim người khác. Dưới đây là một vài ví dụ có thể giúp chúng ta trở thành người "biết điều" hơn mình đã rút ra từ cuộc sống hằng ngày và những quyển sách về kỹ năng giao tiếp mình đọc được:


1. Đúng giờ

Hãy cố gắng đến đúng giờ thậm chí hãy là người đến sớm nhất trong những cuộc hẹn và nếu có lỡ đến trễ hãy tìm cách báo cho người khác biết để họ không phải lo lắng hay chờ đợi bạn.


2. Làm được hẳn hứa, nếu đã hứa thì chắc chắn phải làm được

Có thể bạn sẽ sợ mất lòng người khác khi phải nói KHÔNG, nhưng bạn phải hiểu rằng nếu bạn không ưa thích hay không thể làm được thì đừng cố ép mình phải làm những điều chỉ để làm hài lòng người khác, có khi bạn không làm được thì lại khiến họ mất lòng hơn cả việc từ chối. Bạn có thể đọc cuốn: Đừng cười để vừa lòng người và Lời từ chối hoàn hảo để hiểu hơn về vấn đề này.

Bên cạnh đó, nếu đã hứa thì hãy chắc chắn bạn phải làm được, chữ tín rất quan trọng, đừng hứa để người khác vui lòng rồi bỏ ngang. Có thể bạn nghĩ thất hứa một lần thì sẽ chẳng sao, nhưng thật ra chỉ một lần cũng đủ khiến bạn mất điểm trong mắt người khác và không còn tin tưởng vào bạn thêm lần nào nữa.


3. Bỏ qua những điều có thể bỏ qua

Cuộc sống có hàng đống thứ khiến chúng ta phải bận tâm rồi, thế tại sao bạn không thể bỏ qua những điều có thể bỏ qua. Như những câu chuyện đã kể ở trên, có những chuyện bạn chỉ thấy bề nổi của vấn đề mà chưa biết rõ nguồn cơn của nó, nên nếu nó không quá ảnh hưởng đến mình, thì hãy nhẹ nhàng bỏ qua, để tâm trí bạn trở nên thoải mái và cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn.

Mình lại nhớ ra một chuyện, mình là người cực kì ghét trễ giờ, có lần mình đã mắng con bạn mình khi nó đi trễ nhưng không báo trước một tiếng nào. Sau này nghĩ lại, mới thấy mình không biết kiềm chế cảm xúc, chỉ nhìn thấy bề nổi của vấn đề. Đáng lẽ ra, mình phải hiểu rằng, ai cũng có lúc có vấn đề riêng của mình, nếu mình cảm thấy khó chịu, chỉ cần nhỏ nhẹ nhắc nhở là đủ rồi không phải làm lớn chuyện ra như thế. Từ đó về sau mình vẫn giữ thói quen đúng giờ nhưng không còn gay gắt chuyện người khác có giống mình hay không, dường như cũng khiến những người xung quanh mình cảm thấy thoải mái hơn trước.


4. Học cách nói lời cảm ơn và xin lỗi

Việc cảm ơn đối với người đã giúp đỡ mình là điều hiển nhiên chúng ta phải làm rồi, nhưng ở đây mình muốn đề cập đến việc cảm ơn với những điều nhỏ nhặt xung quanh mình. Chỉ đơn giản như việc cảm ơn bà cụ bán hàng nước đã mang nước cho bạn, bác bảo vệ đã dắt xe giúp bạn hay người bạn đã cho bạn quá giang về nhà… cũng đủ khiến người nhận lời cảm ơn trở nên ấm lòng và khiến bạn trở nên tinh tế hơn rất nhiều rồi đấy.


Bên cạnh đó bạn còn phải học cách nói lời xin lỗi. Trong một số trường hợp:

“Lời xin lỗi không nhất thiết phải xuất phát từ người có lỗi”

Bạn là người nói lời xin lỗi trước không có nghĩa là bạn có lỗi, điều đó có nghĩa là bạn "biết điều" hơn người khác. Trong một cuộc tranh cãi nếu ai cũng cho là mình không có lỗi, mình là người luôn luôn đúng thì khi nào mới có điểm dừng? Đôi khi, chỉ cần lời xin lỗi của bạn đã khiến mọi chuyện êm xuôi, có thể đối phương sẽ đắc ý vì đã khiến bạn nhận lỗi nhưng thật ra người nói lời xin lỗi trước mới chính là người thắng cuộc trong mọi cuộc tranh cãi.


5. Nói những lời khen chân thành

Ở đây mình không bảo rằng bạn phải giả tạo khen những thứ mình không thích nhưng hãy học cách nhìn vào mặt tốt của một vấn đề trước khi tìm ra điểm xấu của nó. Mình chắc chắn ai cũng sẽ vui lòng tiếp nhận góp ý của bạn khi đã nhận đươc một lời khen chân thành trước đó.

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”


6. “Một người vì mọi người”

Như đã nói ở trên, chúng ta không phải là trung tâm của vũ trụ, khi đã tham gia một tập thể thì cần biết nhường nhịn để cùng nhau có những khoảnh khắc vui vẻ nhất. Bạn có rất nhiều dịp khác để làm hài lòng bản thân mình, nên khi ở cùng người khác hãy hi sinh một tí để không khí trở nên thoải mái hơn và bạn cũng trở nên tinh tế hơn rất nhiều trong mắt người khác.


7. Thoải mái đón nhận những góp ý từ người khác

Bạn nên biết rằng, những người hay góp ý với bạn là những người quan tâm bạn nhiều nhất, vì không ai trên đời lại rảnh rỗi đến nỗi suốt ngày đi soi mói bạn. Vì thế, hãy tiếp nhận những góp ý xây dựng từ người khác và dần hoàn thiện bản thân hơn chứ đừng tỏ ra rằng: “Biết rồi, mệt quá nói mãi” bạn nhé!


8. Học cách lắng nghe

Thật sự, đây là một điều khá khó đối với những người có một đống chuyện để nói như mình, nói từ sáng đến khuya cũng không hết. Nhưng cho đến khi mình nhận ra, "biết điều" là biết lắng nghe người khác. Trong một cuộc trò chuyện hãy chú tâm lắng nghe những chia sẻ từ mọi người xung quanh, đừng vừa nghe vừa suy nghĩ mình phải nói cái gì hay làm những chuyện riêng. Ai cũng có câu chuyện muốn chia sẻ và cần được lắng nghe, khi bạn tôn trọng người đối diện, dĩ nhiên họ cũng sẽ tôn trọng và lắng nghe bạn thật tâm rồi.


9. Tôn trọng ý kiến của người khác

Dù bạn có giỏi hơn người khác, dù họ có nói sai đi chăng nữa thì hãy biết tôn trọng ý kiến của người khác. Thay vì nói: “Bạn nói sai rồi! Im đi!” hãy nói: “Mình hiểu ý của bạn, nhưng mình có một ý kiến khác…” . Mỗi người có một thế giới quan khác nhau nên hãy tôn trọng sự khác biệt từ người khác bạn nhé!


10. Tinh tế trong việc nhắn tin

Bạn không nhất thiết lúc nào cũng trả lời tin nhắn “nhanh như chớp”, nhưng nếu được hãy dành một chút thời gian để trả lời tin nhắn từ người khác vì có thể họ đang rất chờ đợi bạn, còn nếu quá bận hãy để lại một tin nhắn: “Mình đang bận, khi xong việc mình sẽ trả lời tin nhắn của bạn ngay nhé.” Chỉ như thế cũng đủ khiến bạn trở nên tinh tế hơn và không làm mất thời gian của người khác.


Bên cạnh đó hãy là người kết thúc câu chuyện, có thể bạn không để ý, nhưng nhiều người sẽ rất lo lắng khi bạn đột ngột biến mất, họ sẽ nghĩ họ có làm sai điều gì với bạn không, nên nếu là người tinh tế hãy kết thúc câu chuyện bằng một lời chào chứ đừng đột ngột biến mất nhé, điều đó không làm bạn bị mất giá gì đâu mà lo! (Cười)

Và còn vô số những điều đơn giản khác khiến bạn trở thành người “biết điều” hơn trong mắt những người xung quanh.


Đọc đến đây, hãy ngẫm lại xem mình có cần phải thay đổi để trở thành người "biết điều" hơn hay không? Riêng mình nhiều lúc ngẫm lại, có nhiều chuyện thật xấu hổ, nên mình đã và đang cố gắng để trở nên “biết điều” hơn từng ngày. Tuy nhiên không có gì là hoàn hảo trên đời cả, nếu bạn từng có những hành động xấu xí như trên cũng đừng quá dằn vặt hay cố ép bản thân mình phải thay đổi một sớm một chiều, cứ thay đổi từng chút một cho đến khi bạn cảm thấy hài lòng hơn với chính bản thân mình. Tóm lại, chỉ cần bạn chịu thay đổi thái độ, mọi điều khác đều có thể dễ dàng thay đổi để trở nên tốt hơn.


“Thy và những câu chuyện nhỏ” #14

28/06/2019

924 views0 comments
bottom of page