“10 năm, 20 năm, hay thậm chí 50 năm sau, có ước mơ nào bạn đã vội bỏ quên?”
Bài viết đầu tiên của mình, mình chọn viết về đam mê. Bạn có biết vì sao không? Mỗi chúng ta từ lúc sinh ra đều có riêng cho mình những khát vọng, hoài bão, nhưng rất ít người có thể nhận ra, và nếu ngay cả đã nhận ra, càng có ít hơn số người dám sống thật và theo đuổi cái “đam mê” chưa thành hình của mình.
Ở cái tuổi hai mươi mấy này, cái tầm mà người ta hay gọi vui là “ăn chưa no, lo chưa tới”, mình cũng bắt đầu chìm vào cái guồng quay của tiền bạc, của những công việc ở tương lai, mà quên mất đâu đó mình còn những giấc mơ chưa dám thực hiện. Nếu ba năm trước, ai hỏi mình hoài bão lớn nhất của cuộc đời mình là gì, mình sẽ trả lời ngay đó là “tiền”, cái thứ khiến cuộc sống con người trở nên thoải mái hơn, cái thứ mà người bên ngoài có thể nhìn vào bạn và gia đình bạn mà nói : “ Nhà này có đứa con nó đi học Đại học, nó thành đạt, nó mang tiền về cho cha mẹ nó có được sung túc kìa bà con”. Nhưng nếu hiện tại, có người hỏi lại câu hỏi đấy, mình sẽ trả lời rằng, đó là một cuộc sống “đong đầy và hạnh phúc”. Ở cuộc sống đấy, bạn được sống là chính mình, cảm nhận được giá trị sống của bản thân, dám theo đuổi đam mê và cháy hết mình vì nó. Ở cuộc sống đấy, tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích cuối cùng. Bạn không nhất thiết phải bỏ tất cả mọi thứ hiện tại để theo đuổi đam mê, bạn có thể làm những điều đấy cùng lúc, từng chút một, tại sao không? Chỉ cần bạn dám bắt đầu thì không có gì là không thể, dẹp ngay cái câu hát “Và cơn mơ đó mãi chỉ là một giấc chiêm bao”, bạn còn quá nhiều thời gian, quá nhiều cơ hội để bắt đầu.
Mình nhớ lại những tháng ngày mình chìm trong stress về chuyện gia đình, chuyện học tập và tình cảm, những ngày tháng kinh khủng nhất của cái tuổi 20. Vào cái lúc mình chưa biết phải làm thế nào để thoát ra khỏi cái vòng xoáy địa ngục ấy, mình đã tình cờ nghe được audiobook của quyển sách Kỹ năng đi trước đam mê - So good they can't ignore you của Adam Khoo trên Youtube, một trong những quyển sách đầu tiên giúp mình thoát khỏi khoảng thời gian chơi vơi không lối thoát và can đảm theo đuổi những đam mê mà mình đã vô tình bỏ quên. Quyển sách này mang đến một thông điệp cho rằng: Đam mê không phải tự nhiên mà có, không phải một điều xa vời, một thứ bạn yêu thích nhưng không hề thực hiện mà người ta chỉ thực sự tìm thấy đam mê khi người ta dám bắt đầu và trở nên cực kì giỏi về một điều gì đó. Điều này nghe có vẻ hơi nghịch lý với cái khái niệm đam mê thông thường, nhưng mình thì cho rằng quan niệm đấy đáng để người trẻ chúng ta phải nhìn lại và suy ngẫm. Thử hỏi, bạn rất thích đá bóng nhưng bạn chưa một lần bước ra sân bóng, bạn rất thích chụp ảnh nhưng bạn chưa một lần cầm máy ảnh trên tay, bạn thích đi phượt nhưng đó chỉ là câu nói vui nơi cửa miệng thì đó làm sao có thể được gọi là đam mê? Nhưng bạn thật ra không hề cô độc, có rất nhiều người đều lầm tưởng về cái gọi là đam mê ấy, kể cả mình cũng từng như thế. Vậy làm thế nào để tìm ra và theo đuổi đam mê thật sự của mình? Chỉ có một cách duy nhất là hãy bắt đầu, từng chút một, và cố gắng đạt được mức cao nhất trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Có bao giờ bạn nhen nhóm trong đầu rằng hôm nay thức dậy, mình sẽ bước ra khỏi giường và thực hiện đam mê của mình nhưng lại chưa một lần thực hiện chưa? Nếu chưa, hãy để mình kể cho bạn nghe về câu chuyện “thoát ra khỏi tổ kén của chính mình”, hi vọng sẽ tiếp thêm động lực để bạn dõng dạc nói rằng “Ôi dễ thế cơ á! Có gì đâu mà trước giờ mình lại chần chừ không dám thực hiện?”
Một buổi sáng, mình bắt đầu lục lại trong tâm trí mình những ước mơ mà mình từng mơ lúc nhỏ đến giờ nhưng chưa dám thực hiện. Mình ngồi lại và viết ra cuốn sổ tay của mình mọi thứ từ viết lách, hội họa, ngôn ngữ, nhiếp ảnh và những chuyến đi du lịch mà mình đang ấp ủ. Tiếp theo, mình đã dành khá nhiều thời gian suy nghĩ thật kỹ xem đó có thật sự là đam mê của mình không và bắt đầu lên kế hoạch để thực hiện chúng. Cuộc sống của bạn sẽ vô vị biết chừng nào nếu thiếu vắng đam mê, nhưng một khi đã quyết định theo đuổi đam mê, bạn nhất thiết phải xác định rằng bạn có thể gắn bó với chúng, có thể vận dụng đam mê của mình để phát triển sự nghiệp tương lai của mình hay ít nhất chỉ cần không bỏ cuộc giữa chừng. Khi đã bước qua được giai đoạn khó khăn nhất đấy, thì bạn lại không dễ dàng gì thoát ra được những suy nghĩ ngờ vực của chính mình, liệu mình có làm được hay không, liệu người khác sẽ nghĩ gì về những thứ mình sắp làm, liệu mình có đang phí thời gian vào những việc vô bổ thay vì tìm đại khái việc gì đó có thể kiếm ra tiền ngay lập tức. Rất nhiều suy nghĩ sẽ len lỏi trong đầu bạn, nhưng hãy kiên định lên nào, bởi:
“Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồn của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá.” – Tại sao phải chần chừ? - Mark Twain.
Mình biết điều đó rất khó, nhưng một khi vượt qua được, bạn sẽ không thất vọng vì đã bắt đầu. Nói về đam mê, hoài bão thì nói mãi vẫn không bao giờ hết được nhưng mình hi vọng bài viết này phần nào truyền cho bạn động lực để tìm ra và can đảm theo đuổi đam mê của mình ngay ngày mai. Hãy tự nói với chính mình rằng: “Tôi có đam mê của riêng mình, tôi sẽ theo đuổi nó, và tôi nhất định sẽ thành công”.
Mình sẽ trở lại sớm với những bài viết về hành trình theo đuổi đam mê của mình, những kĩ năng mềm, những trải nghiệm thú vị sau những chuyến đi, những quyển sách hay mình đã đọc và những điều mình học được trong hành trình trưởng thành. Hãy chờ mình nhé, mình sẽ mang đến thêm nhiều điều hay và bất ngờ cho bạn đấy!
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #1
01/06/2019
Cảm ơn chị, em biết tới chị thông qua Spiderum rồi đọc thử các bài viết của chị. Những bài viết đầu thì em thấy có vẻ hơi ôm đồm nhiều thứ quá nên em mới kéo xuống đọc những bài viết khác. Em thấy bài viết này rất hay và insightful, nhưng nếu có thể lồng thêm nhiều trải nghiệm cá nhân và quá trình mà chị áp dụng những điều mà chị chia sẻ có thể sẽ hay hơn nhiều ạ