Mình đã có khá nhiều bài viết về những điều đạt được, những niềm vui trong việc học, công việc và cuộc sống, nhưng hình như hiếm khi trải lòng về những lần thất bại. Thực sự, trước đây mình hơi khó chấp nhận việc bản thân thất bại, nhưng càng lớn mình càng nhận ra không có chuyện gì xảy ra là vô nghĩa và đừng xem nhẹ bất cứ điều gì xảy đến trong cuộc sống, kể cả những lần thất bại.
Sau 4 năm Đại học, với danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc Gia TPHCM, tốt nghiệp loại giỏi, đạt các học bổng, có Toeic 700, làm phó chủ nhiệm Câu lạc bộ, 25 ngày tình nguyện, đọc hàng trăm quyển sách, viết hàng trăm bài blog, làm 7 công việc làm thêm, 2 công việc thực tập và có công việc tại Big4 trước khi tốt nghiệp,...là những “hào nhoáng” dễ khiến người khác nghĩ rằng tất cả mọi thứ xảy đến với mình đều “màu hồng”. Và cũng phải thừa nhận việc chia sẻ thất bại của bản thân từng không phải là điều dễ dàng đối với mình, bởi những cái “vỏ bọc thành tích” này trong hành trình trưởng thành và phát triển bản thân của mình.
Hiện tại thì mình đã không có cảm giác hối tiếc hay xấu hổ quá nhiều về những thất bại trong quá khứ, mà chỉ xem chúng như những trải nghiệm đáng nhớ và những bài học giúp mình phát triển hơn trong cuộc sống nên mới quyết định chia sẻ ở bài viết này.
Cùng mình điểm lại một số thất bại trong những năm qua:
Dù trúng tuyển vào lớp chọn khi thi chuyển cấp 3, nhưng thực tế điểm trúng tuyển của mình xếp hạng thấp nhất trong lớp vì thiếu sự chuẩn bị không chú trọng sức khỏe trong giai đoạn nước rút.
Trượt kỳ thi Học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm lớp 11 vì quá chủ quan và chưa thực sự cố gắng đủ nhiều.
Trượt bài kiểm tra năng lực tại Deloitte Việt Nam và bỏ giữa chừng không tham gia phỏng vấn Group tại KPMG Việt Nam vì chủ quan và ôm đồm quá nhiều việc cùng lúc (thời gian này mình đang chạy tổ chức một cuộc thi học thuật lớn cho câu lạc bộ, vừa đi làm thêm, viết blog, đăng kí học bổng và ứng tuyển cùng lúc tại 4-5 công ty lớn...)
Trượt vòng phỏng vấn Group tại PWC Việt Nam vì thiếu chuẩn bị và tiếng Anh giao tiếp lúc này của mình không thực sự tốt như mình nghĩ.
Mình đã có thử học tiếng Trung nhưng đã bỏ cuộc vì mình không có mục tiêu đủ mạnh và thiếu kỷ luật bản thân.
…
Và những điều mình đã học được từ những thất bại đó:
1. Chấp nhận rằng thất bại sẽ xuất hiện trong quá trình phát triển
Quả thực, ta không thể học được bất cứ điều gì từ thất bại cho đến khi bản thân dám thừa nhận và đối mặt với chúng. Chấp nhận rằng bản thân không thể nào luôn luôn làm tốt tất cả mọi thứ, cuộc sống không thể lúc nào cũng êm đềm và thất bại sẽ xuất hiện trong quá trình phát triển là điều mình học được sau khi đối diện với những thất bại trong quá khứ.
Nhưng như mình đã đề cập, điều này thực sự không dễ với bất kỳ ai, sẽ cần có thời gian và những trải nghiệm nhất định mình mới có thể học được cách chấp nhận dễ dàng hơn với thất bại.
2. Bình tĩnh để tìm hướng giải quyết
Ngay khi đối mặt với thất bại, giờ đây mình học cách giữ bình tĩnh nhất có thể, tập hít thở sâu, chậm lại một nhịp và tự trấn an bản thân.
Tiếp đó, mình sẽ cho bản thân thời gian để hồi phục, để bản thân tỉnh táo trở lại và tìm hướng giải quyết. Mình luôn cố gắng giữ tư duy hướng đến cách giải quyết và hạn chế chìm vào những suy nghĩ “miên man” không liên quan để rồi tự làm nghiêm trọng hóa vấn đề.
3.Tự vực dậy tinh thần
Điều quan trọng mà ai từng trải qua nhiều lần thất bại sẽ học được là cách tự vực dậy bản thân về mặt tâm lý. Để vực dậy tinh thần, mình học cách tập trung vào những việc bản thân có thể thay đổi, suy nghĩ về mục đích và giá trị nội tại của bản thân và không so sánh mình với người khác. Từ đó, mình mới có động lực đứng dậy sau thất bại đó và nỗ lực trở lại, mỗi ngày tốt lên từng chút một, càng lúc càng hoàn thiện mình hơn.
Lúc này, mình cũng sẽ hạn chế tiếp nhận những lời nói, tác động của những người không thật sự muốn tốt cho mình mà khiến cảm xúc trở nên tiêu cực hơn. Đôi lúc, ta cần tập thay cảm xúc tiêu cực bằng cảm xúc tích cực để thấy cuộc sống còn rất nhiều điều đáng để mình quan tâm và trải nghiệm.
4. Học cách “biết đủ” và hài lòng với cuộc sống hiện tại
“Biết đủ” - một điều mình cho rằng khá trừu tượng và không giống nhau giữa từng người. Với riêng mình ở thời điểm hiện tại, 3 khía cạnh “lớn” mà mình đã “biết đủ” trong hành trình trưởng thành là vật chất vừa đủ, tinh thần thoải mái và các mối quan hệ thật sự chất lượng. Và những “cuộc đua” mình đã từ bỏ khi “biết đủ” là phải năng suất mọi lúc, phải có thu nhập thật cao và phải được tất cả mọi người công nhận.
“Biết đủ, là đủ, chờ cho đủ thì bao giờ mới đủ?
Biết nhàn, là nhàn, chờ cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?”
(Nguyễn Công Trứ)
Tóm lại, ở thời điểm hiện tại, sau khi đã đạt được một số thành quả nhất định, khi nhìn lại những trải nghiệm đã qua, mình nhận ra thất bại không phải là điểm kết thúc, mà nó chỉ là một điểm để ta dừng lại, tự “sạc” lại bản thân và bước tiếp đến những cột mốc tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #172
13/05/2022
Comments