Mình đoán chắc là những bạn đã từng đi thực tập đều ít nhất một lần gặp phải trường hợp khó xử như thế này, đặc biệt là ở những công ty có quy mô lớn với quá nhiều nhân viên và phòng ban bạn làm lại có quá nhiều bộ phận khác nhau. Trước khi đi thực tập, chắc hẳn mỗi chúng ta đều sẽ nghĩ ra một viễn cảnh vô cùng tươi sáng, kiểu như đi thực tập mình sẽ được áp dụng những kiến thức đã học ở trường vào thực tế, sẽ được các anh chị trong công ty đón tiếp niềm nở và chỉ dẫn tận tình tất cả mọi thứ. Nhưng không, bạn đừng mong đợi quá nhiều vì có thể ngay ngày đi làm đầu tiên cũng chính là ngày mà mọi mơ tưởng của bạn về công ty sẽ đổ sập ngay trước mặt bạn – viễn cảnh đó mang tên công ty không có việc gì để bạn làm.
Trong một vài trường hợp thì đây là sự thật, do công việc quá ít và số lượng nhân viên quá nhiều nên bạn sẽ chẳng được phân công bất cứ việc gì để làm trong quá trình thực tập của mình. Tuy nhiên, trong những tình huống mà mình từng chứng kiến và trải qua thì việc chúng ta cảm thấy mình không có việc gì để làm phần lớn là do tính thiếu chủ động của bản thân.
Sự thật thì các anh chị nhân viên chính thức với hàng tấn công việc phải làm hằng ngày sẽ rất có thể quên mất việc phân công việc cho nhân viên thực tập như chúng ta chứ công ty thì không bao giờ có thiếu việc để làm. Vậy nếu rơi vào trường hợp như thế này bạn cần làm gì? Chắc hẳn bạn đang nghĩ: "Dù sao thì ngồi không đó mình vẫn có lương đều đều vậy tại sao không ngồi lướt facebook, xem youtube cho khỏe nhỉ?"
Nói thật thì lúc trước mình cũng từng có tư tưởng như thế, đâu phải mình không muốn làm đâu mà do công ty không có việc để mình làm mà thôi! Nhưng may mắn thay mình đã kịp thời nhận ra những suy nghĩ của mình lúc đó là sai, mình bắt đầu xác định lại mục đích ban đầu mình đi thực tập ở công ty là gì, có thể bạn chưa rõ nhưng một điều chắc chắn là không để vào công ty “ăn không ngồi rồi” giết thời gian kiểu này rồi. Thế là, sau quá trình mình bắt đầu tự tìm ra việc để làm thì mình đã có rất nhiều việc và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ các anh chị đi trước trong công ty để sau khi kết thúc kì thực tập mình có thể tự hào rằng thời gian và công sức mình bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng. Nếu bạn đã, đang và chưa biết làm gì trong trường hợp vào thực tập mà công ty không giao việc gì để làm thì hãy cùng mình điểm qua một số cách mình từng áp dụng và cảm thấy hiệu quả nhé:
1. Hỏi các anh chị trong công ty có việc gì cần sự giúp đỡ của mình hay không
Khi cảm thấy mình đang không được giao việc gì, điều đầu tiên chúng ta nên làm chính là hãy mạnh dạn hỏi các anh chị trong phòng có cần giúp đỡ việc gì không và hãy thể hiện cho họ biết rằng bạn có thể làm bất cứ việc gì dù nó có nhỏ đến mức chỉ là photo chứng từ hay đóng chứng từ vào tập thôi cũng được. Đây không phải là lúc chúng ta phân biệt đó là việc lớn hay nhỏ mà là cách bạn tiếp cận các anh chị để thể hiện sự nhiệt tình của mình đối với công việc. Mình đã áp dụng cách này khi làm thực tập sinh kế toán và đó đúng là một quyết định sáng suốt. Khi mình giúp đỡ được các chị từ việc nhỏ nhất, họ sẽ bắt đầu tin tưởng và giao những việc chuyên môn cho mình làm mà không sợ mình không làm được hay thiếu nhiệt tình như lúc đầu nữa.
2. Hỏi về những điều bạn không hiểu rõ và yêu cầu sự giúp đỡ
Một trường hợp khác là bạn không được giao việc nhưng được giao một đống hồ sơ, chứng từ để đọc thì sao? Cách của mình chính là bạn hãy đọc thật kỹ những hồ sơ chứng từ đó để hiểu thêm về những nghiệp vụ thực tế của công ty. Nhưng như thế là chưa đủ, lúc này bạn hãy cố gắng tận dụng hết mức có thể nguồn nhân lực của công ty để có thể trau dồi thêm hiểu biết và tìm được việc để làm ngoài việc chỉ ngồi đó xem một núi chứng từ khô cứng. Cách mình làm trong trường hợp này vẫn là mạnh dạn hỏi về những điều bạn chưa rõ về những chứng từ bạn xem qua, đại loại như: “Tại sao những nghiệp vụ này được ghi nhận như thế? Tại sao chứng từ này lại được sắp xếp ở đây? Anh chị có thể hướng dẫn giúp em cách xử lý vấn đề này không?...” Hỏi càng nhiều càng tốt, hỏi cho đến khi bạn hiểu ra vấn đề thì thôi. Việc làm này cũng góp phần truyền tải những hiểu biết của bạn và sự nhiệt tình trong công việc đến các anh chị nhân viên để có thể tin tưởng giao việc cho bạn làm đấy.
3. Xem kĩ các loại hồ sơ, chứng từ của công ty
Trong trường hợp xấu nhất, bạn bị lạc lõng giữa công ty, không được giao bất cứ việc gì mà cũng không nhận được sự hướng dẫn nào từ các anh chị trong công ty thì phải làm sao? Cách duy nhất lúc này là hãy tìm đến nơi lưu trữ các chứng từ liên quan công việc của mình và chủ động xem xét những chứng từ hồ sơ của công ty được lưu trữ của các năm trước. Việc này vừa khiến bạn không có cảm giác “đi làm mà như không” mà còn giúp bạn hiểu thêm rất nhiều về những nghiệp vụ thực tế đã diễn ra ở công ty cũng như học hỏi và rút kinh nghiệm cho chính mình. Như mình đã nói đây là hợp xấu nhất và rất hiếm gặp phải, nhưng nếu lỡ gặp phải thì cũng hãy bình tĩnh và biến nó bước đệm để bạn có thể tiếp cận nhiều hơn với sổ sách, chứng từ cũng như các anh chị trong công ty và thể hiện năng lực và sự nhiệt tình của mình trong công việc để có thể tự tìm ra công việc cho chính mình.
Trên đây là một vài trải nghiệm và chứng kiến thực tế của mình khi đi thực tập, riêng lúc mình đi thực tập thì rất hiếm khi gặp phải trường hợp 2 và 3, tuy nhiên mình biết có rất nhiều bạn đã gặp phải trường hợp này nhưng lại không biết giải quyết như thế nào. Để có một kỳ thực tập đúng nghĩa và không lãng phí thời gian của chính mình thì lời khuyên của mình chính là hãy chủ động hết mức có thể và hãy tận dụng bất cứ cơ hội nào đến với mình. Đừng than trách rằng công ty không có việc gì để bạn làm, hãy trách rằng chúng ta chưa đủ năng lực và nhiệt tình để tự tạo công việc cho chính mình. Hi vọng những chia sẻ này sẽ phần nào giúp các bạn tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề nan giải này khi đi thực tập và có một kỳ thực tập thật sự ý nghĩa.
“Thy và những câu chuyện nhỏ” #69
07/11/2019
Comments