top of page
thythylittlethings

GHÉ THĂM CHÙA VĨNH TRÀNG – MỘT TRONG NHỮNG NGÔI CHÙA CỔ NỔI TIẾNG NHẤT NAM BỘ

Nếu có dịp ghé thăm Tiền Giang, bạn không thể nào bỏ qua ngôi chùa Vĩnh Tràng – một ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo với sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây này. Nói thật tuy đây là một ngôi chùa rất nổi tiếng ở ngay tỉnh mình nhưng đây là lần đầu tiên mình có dịp ghé thăm vì nó ở cách nhà mình khá xa, khoảng 1 tiếng rưỡi đi xe buýt (1 tiếng nếu đi xe máy). Hôm qua nhân dịp mình đi xuống bệnh viện đa khoa tỉnh khám bệnh và đi làm hộ chiếu thì mình đã tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến viếng thăm ngôi chùa nổi tiếng này.


Cách di chuyển đến

Ngôi chùa tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang:

Từ phía các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang,… Nếu đi xe buýt Mỹ Tho – Mỹ Thuận thì sẽ dừng tại bến xe ngay trên đường Hùng Vương sau đó đi xe ôm hoặc Grab đến chùa khoảng hơn 5 phút (giá tiền dao động từ 15 - 20 nghìn đồng/người). Hôm qua mình xuống đấy, mới biết ở Thành phố Mỹ Tho đã có Grab, nhưng trò chuyện thì biết mấy chú chạy Grab ở quê không được ổn định lắm nên còn khá ít Grab tại Mỹ Tho.

Du khách từ TP. Hồ Chí Minh có thể đến chùa Vĩnh Tràng bằng 2 đường sau: Đường cao tốc Trung Lương (nếu đi xe ô tô) và QL1A (xe máy):

  • Đường QL 1A ( nếu đi xe máy): Từ TP Hồ Chí Minh, bạn cứ theo QL1A cho đến khi gặp QL50 phía bên tay trái thì rẽ vào đường này. Đi tiếp và rẽ phải vào DT 879. Bạn cứ tiếp tục đi theo DT 879 cho tới khi gặp đường Nguyễn Trung Trực thì rẽ trái và đi thẳng là tới. Trên đường đi dọc DT 879 sẽ đi qua cống Gò Cát.

  • Nếu đi cao tốc Trung Lương thì từ TP Hồ Chí Minh, bạn đi theo QL1A, đến vòng xoay Nguyễn Văn Linh thì đi vào cao tốc Trung Lương (CT01). Bạn đi hết CT01 thì gặp DT878 đường này sẽ đưa bạn đi sang QL1A. Đi một đoạn ở QL1A thì bạn sẽ gặp QL50 phía bên tay trái. Từ đây thì bạn đi theo hướng dẫn như đường đi xe máy ở phía trên.

Nếu đi xe khách thì có thể chạy vào tận cổng vì ở trước chùa là mặt đường lớn, hôm qua mình đi tuy là thứ 2 nhưng cũng thấy khá nhiều xe đậu trước cổng. Còn đi xe máy thì nếu không phải những ngày lễ hay quá đông người đến viếng chùa thì có thể chạy thẳng vào khuôn viên để gửi xe luôn.


Lịch sử hình thành

Theo mình tìm hiểu được thì chùa Vĩnh Tràng do ông bà Tri huyện Bùi Công Đạt xây dựng từ đầu thế kỷ 19, một vị quan dưới triều vua Minh Mạng (1820 – 1840). Ban đầu chùa chỉ là một thảo am để làm nơi tu tập những ngày về hưu của ông bà. Năm 1894, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Cũng chính vì ý nghĩa cao quý đó, ngôi chùa được người dân yêu mến gọi là chùa Vĩnh Tràng. Ngoài danh hiệu ngôi chùa lớn nhất Tiền Giang, ngôi chùa cổ nhất Nam bộ thì Chùa Vĩnh Tràng cũng được công nhận là di tích văn hóa cấp Quốc Gia.

Mình được kể lại là mỗi ngày ngôi chùa tồn tại xuyên suốt 3 thế kỷ này đón tiếp khoảng 1000 lượt khách tham quan, trong đó có 300 khách nước ngoài. Thật vậy, lúc mình ghé chùa là khoảng 12h15’ trưa thứ 2 nhưng vẫn trông thấy khá nhiều khách tham quan (khoảng hơn 50 người), trong đó đa số đều là khách nước ngoài, mình nghe nói chuyện thì đa số là người Mỹ, Pháp và Trung.



Nét độc đáo trong kiến trúc

Về kiến trúc thì ngôi chùa rộng khoảng 14.000 mét vuông được xây dựng bằng cả xi măng và các loại gỗ quý trên nền đúc cao khoảng 1m. Điều đặc biệt ở đây chính là bên ngoài có nét kiến trúc giống phương Tây nhưng bên trong lai đậm phong cách Á Đông. Từ ngoài nhìn vào mình nhìn thấy những kiến trúc độc đáo như bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú, vòm cửa kiểu La Mã, bông sắt của Pháp,… Cổng tam quan với nghệ thuật ghép bằng mảnh sành, sứ tạo nên những bức tranh sống động minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời…

Bước vào bên trong, mình lại trông thấy những nét kiến trúc đậm chất Á Đông với những hình ảnh chạm khắc trên gỗ cực kì cổ kinh và tinh xảo, ấn tượng nhất là đôi long trụ chạm trỗ hình chim phượng đứng trên đầu rồng ngay gian giữa. Đây cũng là lần đầu tiên mình được trông thấy một ngôi chùa có trên 60 tượng phật và có cả 18 vị La Hán (Thập Bát La Hán) mình chỉ mới thấy trên phim ảnh.Có lẽ vì được rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan nên mình thấy các bảng hướng dẫn ở đây đều có từ 3 thứ tiếng trở lên (Việt, Anh, Pháp, Hán,…). Mình có đọc sơ quy định thì thấy chùa không cấm chụp ảnh, nhưng khi vào Chánh điện phải tháo giày và bỏ mũ ra cho trang nghiêm. Do đây là nơi thờ cúng linh thiêng nên mình không có chụp ảnh ở Chánh điện mà chỉ vào thắp hương và cúng bái mà thôi. Phía đối diện Chánh điện là nơi thờ Cửu Quyền Thất Tổ và những người được người nhà gửi thờ ở chùa. Bên trong chùa ngoài các pho tượng được đúc từ gỗ, đồng, xi măng, đất nung còn có một chiếc chuông (Đại Hồng Chung) cao 1m2 nặng hơn 150kg và hơn 20 bức tranh sơn thủy.


Bên trong khuôn viên chùa còn có 3 tượng phật rất to bao gồm: Tượng phật A Di Đà ngay sau cổng vào, Tượng Phật Di Lặc đang ngồi ở giữa khuôn viên và Tượng phật Quan Thế Âm đang nằm ở ngay phía sau chùa. Mình được biết là bên trong pho tượng phật A Di Đà được tận dụng thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, có giảng đường, nơi nghỉ phục vụ cho 200 người. Hôm qua mình đến chùa thì được biết hiện tại ở chùa đang tiến hành thi công thêm một pho tượng Quan thế Âm đứng ở phía bên phải khuôn viên, khoảng qua Tết Nguyên Đán thì hoàn thành. Ngoài ra, chùa còn có nhiều hạng mục mới đầu tư xây dựng như: Quảng trường, hồ nước, hệ thống đèn chiếu sang, bồn hoa, cây xanh, sân bãi… rất trang nhã, sạch đẹp.


Địa điểm check-in

Đến chùa ngoài việc cúng bái, viếng Phật và thưởng ngoạn nhưng cảnh đẹp trong khuôn viên, mình cũng không quên ghi lại những hình ảnh kỷ niệm mang về với khung cảnh tuyệt đẹp quanh chùa.


Tuy hôm qua mình chỉ có thời gian khoảng hơn 1 tiếng để ghé thăm chùa Vĩnh Tràng nhưng đây quả là một trải nghiệm thật sự tuyệt vời đối với bản thân mình. Ai đã từng đến đây chắc chắn lúc về đều khó có thể quên được không khí an nhiên, những nét kiến trúc cổ kính độc đáo và cảnh vật yên bình nơi đây. Nếu có dịp được đến chùa một lần nữa, chắc chắn mình sẽ ở lại lâu hơn để khám phá thật kỹ nét kiến trúc độc đáo của chùa, tìm hiểu về lịch sử hình thành cũng như ghi lại nhiều bức ảnh kỷ niệm hơn nữa.


“Thy và những câu chuyện nhỏ” #82

03/12/2019

85 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page