top of page
  • thythylittlethings

CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT

Mỗi người chúng ta đều là những bản thể độc nhất, với diện mạo, ngôn ngữ, niềm tin, khả năng, văn hóa gia đình,... đều khác nhau. Không những thế, trong hành trình trưởng thành của mỗi người lại trải qua những thăng trầm và những câu chuyện hoàn toàn không giống bất kỳ ai khác. Vì thế, không lấy gì làm lạ mà có người sẽ chọn sống một cách sống khác biệt hoàn toàn những gì bạn từng thấy và có thể nghĩ đến. Viết đến đây, mình chợt nhớ đến một số việc mà trước đây mình nghĩ mãi cũng không hiểu tại sao: Tại sao những người bạn của mình có thể lập gia đình ở độ tuổi sớm như vậy? Tại sao người ta có thể để lại những bình luận cay nghiệt với những người không liên quan gì đến cuộc sống của họ trên mạng xã hội? Tại sao có những điều mà với mình là lãng phí thời gian lại có thể là một sở thích, một đam mê của người khác và ngược lại…?


Những câu hỏi đó có lẽ xuất hiện rất nhiều lần trong đầu mình cho đến khi mình hiểu được mỗi người đều sẽ có một giá trị sống riêng của bản thân. Những điều tốt với mình chưa chắc cũng sẽ tốt với tất cả mọi người và ngược lại. Vì thế, thay vì áp đặt suy nghĩ, góc nhìn của bản thân lên một ai đó, mình học cách chấp nhận sự khác biệt. Gần đây, những điều mình chia sẻ, giọng văn của mình cũng có sự thay đổi, một phần vì mình nhận ra điều này. Đối với một vấn đề xã hội, mình thường chọn cách đưa ra một góc nhìn của bản thân, qua lăng kính và trải nghiệm cá nhân thay vì cho là điều đó hoàn toàn đúng và “ép” mọi người phải làm theo.


Thêm nữa, mình cũng nhận ra thêm một điều, đối với các vấn đề xảy ra trong cuộc sống hầu hết đều không thể phân biệt được “trắng” và “đen”. Điều đó có nghĩa là không có điều gì hoàn toàn đúng và cũng không có điều gì hoàn toàn sai, ngay cả với những chuyện tai nghe, mắt thấy. Ngay cả việc bạn có dùng một góc nhìn đa chiều đến mức nào, thì đâu đó cũng sẽ có một vài “lỗ hỏng” từ định kiến, trải niệm trong quá khứ của chính bản thân. Điều này cũng vô tình liên hệ đến việc viết blog này, mình chưa bao giờ nghĩ là những gì mình chia sẻ là hoàn toàn đúng, và nếu người khác có cách nghĩ không giống mình thì điều đó là sai, mà mình xem việc viết là để đưa ra thêm một quan điểm, một cách nhìn, để mọi người có thể tham khảo, nếu phù hợp thì có thể cân nhắc tiếp thu, còn không phù hợp thì có thể “bỏ qua” cũng không sao cả.


Thực tế cho thấy, việc chúng mình có thể chấp nhận, tôn trọng được cả điểm tương đồng và khác biệt ở người khác sẽ mở ra nhiều cơ hội, giúp chúng mình học được những điều mới, đưa ra quyết định tốt hơn và mở rộng thế giới quan của bản thân. Nhưng vậy tại sao chúng mình lại khó chấp nhận sự khác biệt đến vậy? Điều gì đang cản trở chúng mình?


Sự thật, chuyện này đúng là một điều không hề dễ dàng với bất kỳ ai và mình cũng không phải ngoại lệ. Để cảm thấy thoải mái với những người khác biệt của người khác chúng mình phải chấp nhận bản thân mình trước. Nhưng trước khi hiểu được cần tôn trọng sự khác biệt, không ai trong chúng mình lại thích thấy mình mình trông ngu ngốc hay kém cỏi hơn người khác. Để lãng tránh hay che đậy sự khó chịu này, chúng mình thường vô thức tạo ra những câu chuyện tiêu cực về người khác để có thể biện minh cho việc không công nhận họ hoặc tìm kiếm một điều gì đó tiêu cực từ người khác giống với chính mình.


Vậy làm sao để chúng mình học được cách chấp nhận bản thân? Một vài gạch đầu dòng dưới đây hi vọng có thể là gợi ý hữu ích cho bạn:


  • Học cách công nhận những ưu điểm và những điều nổi bật của bản thân

  • Viết ra danh sách những thành tích mà bạn đạt được dù là nhỏ nhất và ăn mừng nó

  • Nhìn vào bên trong để nhận biết những phán xét nội tâm của chính bản thân mình

  • Hãy mạnh dạn xem xét những lời phê bình của người khác, một trong số chúng có thể giúp bạn cải thiện bản thân

  • Hiểu rằng cần chấp nhận bản thân rồi mới đến điều chỉnh, cải thiện và thay đổi

  • Học cách quản lý sự kỳ vọng về bản thân mình

  • Từng bước xây dựng lòng yêu thương chính mình

  • Thoải mái đón nhận sự giúp đỡ nhưng cũng cần chủ động thiết lập ranh giới với người khác khi cần thiết

"Chấp nhận bản thân là ngừng tò mò giá trị của mình qua lăng kính của người khác."

Nói đi cũng phải nói lại, chấp nhận sự khác biệt của người khác không có nghĩa là đồng ý hoàn toàn với họ. Điều đó có nghĩa là người khác có thể có cách nghĩ về một vấn đề theo cách của họ, và bạn cũng có cách nghĩ về vấn đề đó theo cách riêng của mình, mà không cảm thấy cần phải thay đổi suy nghĩ của bản thân hay của người khác để làm cho chúng phải giống nhau.


Một điều cần phải nhận mạnh nữa chính là chấp nhận sự khác biệt cũng không có nghĩa là chấp nhận hành vi xấu từ người khác. Thật vậy, chúng mình phải chủ động chọn lựa người mà bản thân cho phép bước vào cuộc sống của mình và biết cách đặt ranh giới với những người có thể gây tổn hại đến mình. Tuy nhiên, nếu sự khác biệt của người khác, việc họ đang làm không gây tổn hại cho mình và không trái pháp luật, đạo đức, thì việc dừng quan tâm và phán xét về họ sẽ giúp cuộc sống bạn trở nên tốt đẹp hơn.


Trong cuộc sống, quả thật có những chuyện rất khó lòng giải quyết, mỗi người đều có những câu chuyện, những vấn đề của riêng mà không phải ai cũng có thể thấu hiểu, thông cảm và khoan dung được. Nhưng nếu đó là những người quan trọng với bạn, hãy cố gắng dành thời gian tìm hiểu họ bằng cách thực sự lắng nghe và đừng phán xét. Biết đâu, bằng chính điều đó, bạn có thể mang đến một tia sáng cho câu chuyện u tối mà họ đang trải qua.


Cuối cùng, điều mình muốn nhắn nhủ, chúng mình hãy xem việc chấp nhận khác biệt như một món quà, một sự tôn trọng có thể giúp cải thiện mối quan hệ của bạn với một ai đó. Hãy đối xử với người khác bằng cách mà chính bạn muốn được đối xử.



“Thy và những câu chuyện nhỏ” #140 09/10/2021

638 views0 comments
bottom of page